Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dương Minh Châu là huyện có nhiều xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Mặc dù vậy, trong thực tế, chính quyền địa phương cấp xã khi thực hiện công tác trên vẫn còn gặp không ít trở ngại, khó khăn...
Chị H bán trái cây và bán báo.
HIỆU QUẢ CỦA VIỆC ĐỘNG VIÊN, CHIA SẺ
Khi chúng tôi tìm đến, anh Q.T (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) đang tất bật chuẩn bị dụng cụ đi dựng rạp cưới cho khách. Anh hiện là chủ một cơ sở cho thuê rạp kiêm dịch vụ nấu đám tại xã Phước Minh với hàng chục người làm thuê. Nhìn anh, ít người ngờ rằng anh đã từng có đến 2 lần “ăn cơm tù”.
Anh Q.T chia sẻ, năm 2009, do còn ham chơi, anh tụ tập bạn bè suốt ngày lêu lỏng ngoài đường. Trong một lần chở người bạn đi bán vàng, anh và người bạn bị bắt bởi số vàng anh đi bán là vàng cướp giật. Anh Q.T bị tuyên 6 tháng tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Ra tù chỉ vài tháng, Q.T lại tiếp tục vào trại giam lần thứ hai với mức án 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, đến năm 2011 được về tái hoà nhập cộng đồng. Sau khi ra tù, chính quyền xã Phước Minh thường xuyên đến gặp gỡ, động viên, giúp anh Q.T xoá bỏ mặc cảm.
Sau đó, anh Q.T đi làm thuê cho một cơ sở cho thuê rạp ở địa phương. Khoảng 5 tháng sau, thấy anh thật sự chí thú làm ăn, chị của anh đã cho mượn vốn làm riêng. Nhờ siêng năng, cơ sở cho thuê rạp và dịch vụ nấu ăn của anh Q.T ngày càng tạo được uy tín với khách hàng, chẳng những anh trả được hết số nợ, mà còn mở rộng quy mô cơ sở lớn hơn. Không quên những người trước đây từng cùng cảnh ngộ, anh Q.T tìm đến kêu họ về làm với anh. Hiện nay, cơ sở của anh Q.T tạo việc làm cho 7 lao động địa phương vốn là những người đã từng đi tù.
Còn chị Nguyễn Thị M.H (ngụ huyện Dương Minh Châu) cho biết, chị vừa chấp hành xong án phạt tù, về hoà nhập cộng đồng được khoảng 4 tháng. Do hoàn cảnh khó khăn, chồng chết, đang nuôi 2 con độ tuổi đi học, nên ngoài việc bán vé số, bán báo, chị còn kiêm luôn việc... ghi số đề. Năm 2015, chị phải trả giá bằng mức án 15 tháng tù cho hành vi ghi đề của mình. Thời gian chấp hành án phạt tù, 2 người con của chị được người chị trông coi, đồng thời cũng được chính quyền quan tâm hỗ trợ tập, vở, học bổng để đến trường. Khi ra tù, chính quyền Thị trấn vận động mạnh thường quân cất tặng cho chị một căn nhà để ổn định cuộc sống. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chị H vượt qua mặc cảm và phấn đấu làm người tốt để không phụ lòng những người đã giúp đỡ chị trong lúc tuyệt vọng nhất.
Hiện nay, chị H thuê một phần đất mở sạp bán trái cây, bán báo để nuôi người con út đang học lớp 7. Riêng người con lớn của chị đã ra trường, có việc làm ổn định. Chị H cho rằng điều quý nhất là chính quyền và bà con ở địa phương tích cực động viên, giúp đỡ để 2 con chị tiếp tục đi học trong lúc chị đang trong tù. Đây là cái ơn mà chị không thể nào quên.
NHƯNG CHƯA ĐỦ
Theo ông Trương Hoài Nam- Trưởng Công an xã Phước Minh, trên địa bàn xã hiện có 42 người chấp hành hình phạt tù, trong đó có 17 người đưa vào mô hình 4+1. Nghĩa là, có 4 đoàn thể ở địa phương phân công người giúp đỡ 1 người trong việc tái hoà nhập cộng đồng. Thời gian qua, nhờ chính quyền địa phương quan tâm đến công tác này nên tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái phạm rất ít.
Những người chấp hành xong án phạt tù về, tuỳ theo đối tượng mà chính quyền địa phương phân công người giúp đỡ phù hợp, có hiệu quả. Điều quan trọng là phải nắm được tâm tư của họ để có sự giúp đỡ thiết thực nhất: người cần có việc làm thì chính quyền giới thiệu việc làm; người khó khăn về nhà ở, địa phương tổ chức sửa chữa lại nhà... Thế nhưng, vấn đề khó khăn nhất là việc hỗ trợ vốn để giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù làm kinh tế. Nếu có được nguồn vốn hỗ trợ, những người chấp hành xong án phạt tù có thể tái hoà nhập cộng đồng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Ở thị trấn Dương Minh Châu, ngoài việc thực hiện mô hình 4+1, MTTQ Thị trấn còn kết hợp với tôn giáo giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn vốn hỗ trợ những người này vẫn là vấn đề khó khăn nhất. Mới đây, Đoàn Thanh niên thị trấn Dương Minh Châu đã mạnh dạn bảo lãnh cho một người chấp hành xong án phạt tù vay vốn tín dụng để mở cơ sở rửa xe. Vẫn còn nhiều người chấp hành xong án phạt tù mong muốn được vay vốn nhưng chưa thể giải quyết. Hy vọng trong thời gian tới, tỉnh sẽ có được nguồn vốn để hỗ trợ những đối tượng này, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng được vững chắc hơn.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thắng, Chủ tịch UBMTTQ thị trấn Dương Minh Châu, thời gian qua, MTTQ đã liên hệ với các cơ quan tư pháp xin xoá án tích cho những người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện miễn phí, nhưng gặp không ít khó khăn, bởi có người về địa phương không còn giữ bất cứ giấy tờ gì ngoài giấy CMND và hộ khẩu. Do thiếu giấy tờ nên trong 17 trường hợp mà MTTQ Thị trấn giúp làm thủ tục, chỉ có 5 trường hợp được cấp giấy chứng nhận xoá án tích. Đồng thời, cũng có một vài TAND, Chi cục THADS cấp huyện chưa nhiệt tình giúp đỡ trong việc bổ sung, sửa chữa giấy tờ.
Bà Thắng mong rằng, TAND tỉnh, Cục THADS tỉnh có hướng giúp đỡ MTTQ thị trấn Dương Minh Châu khi đến cấp huyện thực hiện thủ tục xoá án tích cho người dân được thuận lợi hơn trong thời tới. Đây cũng là một trong những việc làm hết sức có ý nghĩa để giúp người tái hoà nhập cộng đồng xoá bỏ mặc cảm, tự tin phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
THẾ NHÂN