Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 16.5, Sở Giáo dục - Ðào tạo tổ chức hội nghị đánh giá triển khai dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) ở cấp tiểu học. Sau một thời gian triển khai, đến nay, mô hình này vẫn chưa có được sự đánh giá thống nhất. Dưới đây là ý kiến của một số giáo viên - những người trực tiếp dạy học theo chương trình VNEN.
Lớp học theo mô hình VNEN tại Trường tiểu học Thị trấn A, huyện Dương Minh Châu.
THAY ÐỔI THÓI QUEN HỌC TẬP
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học trực thuộc Sở Giáo dục- Ðào tạo (Sở GD-ÐT), việc triển khai mô hình VNEN đã bộc lộ những mặt thuận lợi và khó khăn, bất cập đan xen nhau. Sau một thời gian triển khai VNEN, Sở GD-ÐT ghi nhận: đội ngũ giáo viên nhiệt tình, biết tìm tòi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, nắm được quy trình các bước dạy.
Học sinh bước đầu thay đổi thói quen học tập, tích cực tham gia nhiều hoạt động trong lớp, hình thành thái độ, kỹ năng tự tin trong giao tiếp. Học sinh được tạo điều kiện tự đánh giá mình và góp ý cho bạn học trong lớp- điều mà chương trình “chính thống” không có. Các em đã làm quen với cách học theo nhóm, dưới sự hướng dẫn của nhóm trưởng, được tạo điều kiện cùng chia sẻ, cùng cộng tác thực hiện việc tìm hiểu kiến thức mới trong mỗi bài học.
Qua đó, các em được rèn luyện phát triển tư duy sáng tạo, tự tin mạnh dạn nói trước đông người, phát triển ngôn ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đánh giá và tự đánh giá. Về tổ chức lớp học, lớp học có hội đồng tự quản được chia thành các nhóm; học sinh được học trong môi trường thân thiện, thoải mái, không bị gò bó, luôn được gần gũi với bạn bè, với thầy cô.
Giáo viên và học sinh tự thiết kế, sắp xếp, trang trí phòng học thân thiện theo tinh thần của mô hình VNEN như góc học tập, sơ đồ cộng đồng, hộp thư điều em muốn nói, hộp thư cam kết. Cách tổ chức các hoạt động dạy học theo tinh thần mới đã phát huy tính tích cực của học sinh, cụ thể là hoạt động cá nhân, hoạt động cặp đôi, hoạt động nhóm, hoạt động chung cả lớp, hoạt động với cộng đồng.
Về khó khăn, bất cập, lãnh đạo Sở GD-ÐT cho biết, phòng học, bàn ghế một số nơi chưa phù hợp với những lớp có đông học sinh. Việc phân bố nội dung dạy học ở một số tiết chưa hợp lý; kỹ năng tự học, tự điều hành nhóm của một số nhóm học sinh còn hạn chế; một số học sinh chưa mạnh dạn, còn rụt rè, nhút nhát, nhất là học sinh lớp 2; kỹ năng điều hành của nhóm trưởng chưa được như mong muốn.
Một số em đọc, viết, tính toán còn chậm nên gây khó khăn cho việc điều hành của nhóm trưởng. Một số giáo viên mới được bố trí dạy mô hình VNEN còn lúng túng về phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trên lớp. Có giáo viên áp dụng mô hình theo kiểu rập khuôn, chưa mạnh dạn sáng tạo trong các hoạt động.
Giáo viên phát biểu ý kiến.
TƯƠNG LAI NÀO CHO VNEN ?
Một giáo viên đang công tác tại Trường tiểu học Thị trấn A, huyện Dương Minh Châu cho biết, môn Toán có nhiều bài tập trong khi thời gian lại ngắn, không thể giải quyết hết tại buổi học chính thức. Một số bài toán khác trong sách Toán có cấu trúc bất hợp lý, cần điều chỉnh.
Một vị đại diện Trường tiểu học Duy Tân ở TP Tây Ninh nêu nhận xét: việc học nhóm đang tồn tại một số mặt hạn chế, học sinh ít có cơ hội giao lưu giữa nhóm này với nhóm kia. Còn theo ý kiến của một giáo viên đang công tác tại Trường tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu (huyện Hoà Thành), số lượng học sinh trong một lớp hiện quá đông, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, cần xem xét giảm sĩ số lớp.
Giáo viên này cũng cho rằng nội dung trong tài liệu dạy học môn Toán và Tiếng Việt bài tập hơi nhiều, không thể giải quyết được trong buổi học. Một giáo viên khác, công tác tại Trường tiểu học Trần Phú (TP. Tây Ninh) cho biết, tài liệu dành cho việc dạy học theo chương trình VNEN đắt hơn nhiều so với sách giáo khoa chính thống, trong khi theo quy định học sinh không được đem tài liệu về nhà.
Ðể hướng dẫn con em ở nhà, phụ huynh các em lại phải mua thêm một bộ tài liệu khác. Bù lại, chương trình, nội dung, cách thức dạy và học của chương trình VNEN hay hơn, hấp dẫn hơn chương trình chính thống. Ðại diện Trường tiểu học thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) lại cho rằng, chương trình còn một số bài học bố trí không hợp lý, cần điều chỉnh.
Theo nhận xét của vị đại diện Trường tiểu học Biên Giới A (huyện Châu Thành), chương trình VNEN tuy hay nhưng triển khai không dễ, phải hết học kỳ I của năm học giáo viên mới có thể giúp học sinh làm quen với cách thức học này. Mặt khác, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nếu xếp bàn ghế đúng theo quy cách của mô hình VNEN, giáo viên khó di chuyển, điều hành giờ học.
Trong khi đó, đại diện Trường tiểu học An Thới (huyện Trảng Bàng) cho rằng, phụ huynh học sinh vùng sâu, vùng xa chưa quan tâm thoả đáng đến chuyện học hành của con em, mọi việc lớn nhỏ đều do giáo viên lo, điều này gây khó khăn cho giáo viên và cũng chưa đúng với tinh thần của lớp học theo mô hình VNEN.
Cô giáo Phạm Thị Thu Thuỷ dạy Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (huyện Tân Châu) có ý kiến, một số lược đồ, bản đồ trong tài liệu môn Ðịa lý in quá nhỏ, học sinh khó quan sát. Cô cũng đề nghị cần có thêm tài liệu tham khảo cho giáo viên, vì tài liệu thiếu nên giáo viên phải tham khảo trên mạng internet, nhưng còn ngại sử dụng những kiến thức trên mạng vì chưa yên tâm về độ tin cậy của nó.
Có cách nhìn hơi khác đồng nghiệp, cô giáo Ðinh Thị Thuỳ Phương của Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành (Hoà Thành) cho rằng, cái gì mới cũng khó, chỉ cần giáo viên nỗ lực, kiên trì, sau một thời gian mọi việc sẽ ổn. Vẫn theo cô Phương, khi đã quen với mô hình VNEN, học sinh có ý thức tự học cao, lúc đó, người thầy chỉ hướng dẫn, không làm thay trò nữa.
Trước nhiều ý kiến khác nhau, đại diện Phòng Giáo dục - Ðào tạo TP Tây Ninh cho rằng, những khó khăn trong việc triển khai mô hình trường học mới là có nhưng có thể khắc phục được. Về chuyên môn, nếu thấy có gì bất cập xảy ra tại trường thì giáo viên, cán bộ quản lý có thể chủ động điều chỉnh cho khoa học, hợp lý.
Ông Lê Hoàng Cương- Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở GD-ÐT yêu cầu giáo viên mạnh dạn báo cáo, đề xuất ban giám hiệu điều chỉnh những bất hợp lý trong quá trình dạy học theo mô hình trường học mới. Ông cho biết thêm, dịp hè năm học này, Sở sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và có chỉ đạo về chuyên môn để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trường học mới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD-ÐT lưu ý: việc đổi mới trong giáo dục không thể không làm. Trong quá trình đổi mới, khó khăn, bất cập khó tránh khỏi; người thầy phải thay đổi tư duy, không thể than khó mãi.
Cũng theo ông Phước, những ý kiến cho rằng bài học này, bài học nọ dài, khó dạy là do trước đó giáo viên nghiên cứu bài dạy chưa sâu, chưa kỹ. Việc đánh giá kết quả dạy học cũng cần nhìn nhận cho đúng, không phải lúc nào cũng nhìn vào điểm số hoặc thứ bậc xếp loại a, b, c, mà đánh giá một tiết học theo tinh thần mới là nhìn vào sự tiến bộ của học sinh qua thời gian các em đến trường.
Mô hình VNEN có một điểm mới nổi bật, đó là dân chủ hoá các hoạt động giáo dục- không áp đặt, hạn chế mệnh lệnh. Ðây được coi là một ưu điểm vượt trội của mô hình trường học mới.
Tuy vậy, sau một thời gian triển khai, mô hình trường học mới đang vấp phải sự phản ứng của dư luận cả trong và ngoài ngành Giáo dục khiến nhiều địa phương đã bãi bỏ một phần hoặc toàn phần mô hình VNEN.
Sự phản ứng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể liệt kê ba điều cơ bản: mô hình không phù hợp với vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn; ngành Giáo dục chuẩn bị chưa chu đáo, có biểu hiện bị động khi triển khai; nhiều người khó thích nghi, có tâm lý ngần ngại khi tiếp nhận cái mới.
VIỆT ÐÔNG