PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đầu tư công hạ tầng giao thông:
Vẫn còn những khó khăn phát sinh cần xử lý kịp thời
Thứ sáu: 13:57 ngày 28/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều dự án đầu tư công hạ tầng giao thông đường bộ trong thời gian qua. Ngoài khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, có những khó khăn phát sinh mà chủ đầu tư, nhà thầu không lường trước được cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Dù công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án đường 789 được UBND thị xã Trảng Bàng hỗ trợ nhanh chóng,thuận lợi nhưng quá trình triển khai lại phát sinh vướng mắc về di dời hàng trụ điện hiện hữu cần phải xử lý nhanh trong thời gian tới.

Thiếu đá xây dựng

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh, khó khăn tại các dự án giao thông đường bộ mà đơn vị này làm chủ đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024 có những lý do khách quan không lường trước được như: tình hình tài chính của nhà thầu (ngân hàng giảm hạn mức tín dụng); nhà thầu thực hiện đồng thời nhiều dự án lớn, thi công dàn trải nhiều gói thầu cùng lúc nhưng phân bổ nguồn lực không đều.

Có những dự án thi công rất chậm, BQL dự án ngành giao thông đã tổ chức họp tiến độ nhiều lần và nhà thầu cũng đã cam kết đẩy nhanh tiến độ, thực tế có chuyển biến, nhưng không nhiều.

Trên địa bàn tỉnh chỉ có một mỏ đá Lộc Trung, giấy phép khai thác đã hết hạn, Công ty cổ phần Fico đang tổ chức khoan thăm dò, làm cơ sở xin điều chỉnh giấy phép, theo quy định phải mất nhiều thời gian. Trong quá trình dự thầu, nhà thầu đã khảo sát và dự kiến lấy từ nhiều nguồn vật liệu ngoài tỉnh như: Bình Phước, Đồng Nai, Bà rịa -Vũng tàu… Tuy nhiên, khi trúng thầu và triển khai thi công, các nguồn đá ngoài tỉnh cùng lúc cung cấp cho nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đường cao tốc và các dự án khác trên địa bàn, do đó không đáp ứng nhu cầu. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công các dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Do đặc thù các công trình giao thông thường phải thực hiện đắp từng lớp từ dưới lên trên, các vật liệu đắp nền đường (đất, sỏi đỏ) phía dưới có giá trị thấp, được thi công trong khoảng thời gian đầu năm, đến khi chuyển giai đoạn lên thi công phần móng, mặt đường (móng đá 4x6, thảm bê tông nhựa nóng) có giá trị giải ngân lớn nhưng thường được triển khai vào cuối năm. Do đó, giá trị giải ngân tập trung chủ yếu vào các tháng cuối năm.

Phát sinh từ thực tế

Dự án thành phần 1 - Tuyến đường N8, dài 9,118km có điểm đầu tại ngã ba đường 787A giao với đường An Phú - An Hoà, thị xã Trảng Bàng, điểm cuối giao với QL22 thuộc địa phận phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Phạm vi giải phóng mặt bằng là 30m, đi qua phường An Hoà 3,07km, qua phường An Tịnh 6,11km. Có khoảng 491 hộ dân và 5 tổ chức bị ảnh hưởng.

Dự án đường N8 trước khi bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, nhiều hộ dân tự ý móc đất trước cửa nhà chở đi tạo những hố sâu gây nguy hiểm cho công trình và nhà thầu phải bù đắp khối lượng đất mà người dân đã tự ý lấy.

Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Trảng Bàng đã bàn giao mặt bằng,  các hộ gia đình cá nhân và tổ chức đã nhận kinh phí bồi thường (472/496 hộ dân và tổ chức), với chiều dài tuyến là 8,408/9,188km. Hiện nay, các hộ đã nhận kinh phí bồi thường và đang tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc, cây trái, hoa màu.

Theo ông Nguyễn Công Quyết- Chỉ huy trưởng dự án N8, hiện nay, trong phạm vi giải phóng mặt bằng tuyến đường N8, dù đã nhận tiền bồi thường xong nhưng có nhiều hộ dân tự ý móc đất phía trước nhà chở đi, không chỉ tạo nên những hố sâu gây nguy hiểm cho an toàn giao thông tại công trình, mà còn ảnh hưởng đến khối lượng thi công khi sau này nhà thầu phải tìm nguồn đất khác bù đắp lại.

Trong dự án N8 với khối lượng đất người dân tự ý móc chở đi, nhà thầu phải bù một khối lượng không hề nhỏ.

Do đó nhà thầu kiến nghị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân tự ý móc đất hai bên đường phía trước nhà để tránh thiệt hại cho nhà thầu. Đồng thời đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng những đoạn chưa bồi thường dứt điểm nhằm bảo đảm tiến độ thi công.

Một dự án giao thông khác cũng gặp khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thi công như dự án đường 789 (đoạn qua thị xã Trảng Bàng). Đây là dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng khá tốt. Tuy nhiên quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu lại gặp khó do liên quan đến vấn đề di dời hàng cột điện hiện hữu vào bên trong đúng với thiết kế, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ. Việc hàng cột điện đến nay chưa di dời được do ngành Điện lực thiết kế các trụ thay thế cao hơn trụ hiện hữu, nên cơ quan thẩm định yêu cầu giải thích rõ nguyên nhân và kiểm tra khảo sát từng vị trí trụ, mất khá nhiều thời gian.

Nhà thầu đi tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công trong Dự án đường N8.

Theo BQL dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh, trong những tháng còn lại năm 2024, đơn vị sẽ chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và địa phương (huyện, thị xã, thành phố) tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chấp hành chủ trương, chính sách về bồi thường để sớm triển khai hoàn thành các dự án theo kế hoạch.

Đơn vị cũng chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án… phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu công năm 2024 do UBND tỉnh giao.

Tấn Hưng

Dù công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án đường 789 được UBND thị xã Trảng Bàng hỗ trợ nhanh chóng, thuận lợi nhưng quá trình triển khai lại phát sinh vướng mắc về di dời hàng trụ điện hiện hữu cần phải xử lý nhanh trong thời gian tới

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục