Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, chỉ có một số đơn vị được uỷ quyền dịch vụ Western Union (dịch vụ chuyển tiền kiều hối) được treo bảng công khai nhưng cũng không có chức năng thu đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng lại diễn ra khá nhộn nhịp.
Khách hàng mua bán tại tiệm vàng ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành.
Những ngày gần đây, thông tin một người dân tại TP. Cần Thơ đến tiệm vàng đổi 100 USD sang tiền Việt Nam bị cơ quan chức năng phạt 90 triệu đồng, vì hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ, đã khiến dư luận xôn xao. Trong khi đó, rất nhiều người không hề hay biết việc mua bán ngoại tệ ở đại lý, tiệm vàng chưa được cấp phép là trái quy định.
Theo Thông tư số 20/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép, thì cá nhân chỉ được phép đổi USD khi có đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh việc xuất cảnh ra nước ngoài phục vụ mục đích học tập, du lịch, chữa bệnh… Hạn mức mua ngoại tệ tiền mặt là 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Tại Tây Ninh, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh, ngoài các tổ chức tín dụng đã được cấp phép thì không có đại lý, tiệm vàng nào được cấp phép thu đổi ngoại tệ. Hiện nay, chỉ có một số đơn vị được uỷ quyền dịch vụ Western Union (dịch vụ chuyển tiền kiều hối) được treo bảng công khai nhưng cũng không có chức năng thu đổi ngoại tệ. Tuy nhiên, thực tế hoạt động mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng lại diễn ra khá nhộn nhịp.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến tiệm vàng P. tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành để đổi tiền Việt Nam đồng sang tiền USD. Chị chủ tiệm xởi lởi: “Em muốn đổi bao nhiêu chị cũng có”. Khi chúng tôi hỏi giá mua và bán thì chị này nhanh nhảu nói: “Em bán chị mua 2,35 triệu đồng/100 USD, còn mua thì chị bán 2,41 triệu đồng/100 USD”.
Tôi đặt câu hỏi vì sao giá mua bán USD tại tiệm lại cao hơn so với giá các tổ chức tín dụng niêm yết thì chị này cho biết, do cửa hàng mua bán “tay ngang”, giao dịch nhanh chóng nên không thể so sánh giá. Hơn nữa, tiệm vàng chỉ mua bán theo giá do… ngân hàng báo về. Khi chúng tôi hỏi là ngân hàng nào thì chị này tỏ ra khó chịu và không trả lời nữa.
Trong lúc đó, có khách hàng đến đổi 50 triệu đồng sang tiền USD có mệnh giá khác nhau để đi du lịch. Chủ tiệm nhanh chóng lấy ra một xấp tiền USD mệnh giá từ 2USD - 100USD. Chỉ chưa đầy 10 phút, việc mua bán đã được thực hiện xong.
Tương tự, chỉ trong khoảng 30 phút chọn trang sức tại cửa hàng P trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Hiệp Ninh), chúng tôi ghi nhận có đến 5 khách hàng vào đổi USD sang tiền Việt Nam đồng. Khi chúng tôi hỏi mua USD thì chủ cửa hàng cho biết muốn bao nhiêu cũng có, giá là 2,38 triệu đồng/100 USD.
Tương tự, tại nhiều tiệm vàng khác trên đường Cách Mạng Tháng Tám, không khó để chúng tôi mua, bán ngoại tệ. Những ngoại tệ như Euro, Yên Nhật, đô la Úc… cũng dễ dàng được mua bán, trao đổi ở các tiệm vàng.
Lý giải nguyên nhân thu đổi USD, một số cửa hàng cho rằng “có cung ắt có cầu” bởi người dân mua để đi học, đi du lịch, tích trữ… Về phía người dân, nhiều người cho biết, nếu phải đến các tổ chức tín dụng để đổi ngoại tệ thì gặp rất nhiều phiền phức, bởi nhiều thủ tục giấy tờ chứng minh mục đích mua ngoại tệ. Do đó, người dân tìm đến các tiệm vàng để được đổi ngoại tệ nhanh chóng, tiết kiệm thời gian. Ðáng chú ý là đa số người dân đều trả lời không biết quy định phải đổi ngoại tệ tại đơn vị được cấp phép.
Chị N.T.S (ngụ phường 1) cho biết, do làm công việc phiên dịch nên thỉnh thoảng chị vẫn được trả thù lao từ 100 - 200 USD. Khi có nhu cầu đổi sang tiền Việt Nam đồng, chị vẫn thường ra các tiệm vàng để đổi và chưa bị bất kỳ tiệm vàng nào từ chối. “Tôi không hề biết quy định về mua bán ngoại tệ tiền mặt của mình với các tổ chức tín dụng, và việc mình mua bán ngoại tệ với các tiệm vàng chưa được cấp phép là sai quy định”- chị S nói.
Việc xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NÐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, theo Nghị định này, người nào mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được cấp giấy phép sẽ bị xử phạt 80 - 100 triệu đồng; cơ sở kinh doanh không có giấy phép nhưng vẫn thu mua, quy đổi ngoại tệ bị xử phạt 500 - 600 triệu đồng; hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau, hay quy đổi không đúng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định... cũng bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, mức phạt bổ sung với hoạt động vi phạm này sẽ là tịch thu số ngoại tệ và tiền Việt Nam đồng trong giao dịch trái phép này.
Hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng. Vì vậy, người dân có thể truy cập vào website của các tổ chức này để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Vũ Nguyệt