Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vận động ủng hộ “Máy tính cho em”
Thứ sáu: 10:28 ngày 17/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay còn nhiều học sinh do hoàn cảnh khó khăn, chưa có máy tính để học trực tuyến. Từ thực tế này, ngành giáo dục Tây Ninh tổ chức phát động toàn xã hội cũng như trong ngành, các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”.

Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục Tây Ninh vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, đơn vị trực thuộc thực hiện cuộc vận động ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”. Công văn của Sở GD&ĐT nêu, dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, Tây Ninh đã tổ chức khai giảng và dạy học trực tuyến cho học sinh trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều học sinh do hoàn cảnh khó khăn, chưa có máy tính để học trực tuyến. Từ thực tế này, ngành giáo dục Tây Ninh tổ chức phát động toàn xã hội cũng như trong ngành, các nhà hảo tâm ủng hộ chương trình “Máy tính cho em”.

Mỗi cán bộ quản lý, đoàn viên công đoàn, viên chức, công chức, người lao động ngành giáo dục tham gia đóng góp, ủng hộ tối thiểu mỗi người một ngày lương trở lên. Các đơn vị trực thuộc, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên kết hợp với tổ chức công đoàn cơ sở đứng ra vận động và thu nhận sự đóng góp. Các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị thu nhận. Sau đó, tất cả các đơn vị gửi kết quả vận động về Công đoàn ngành Giáo dục Tây Ninh, thời hạn chậm nhất ngày 30.9.2021.

Ngày 12.9, Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bài phát biểu của Thủ tướng có đoạn: "Tất cả chúng ta ai cũng ngậm ngùi khi dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ của các cháu như chưa được cắp sách đến trường hằng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô…

Nhiều nơi, các cháu phải học trực tuyến suốt gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, kiến thức và phát triển toàn diện của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, khi cha mẹ các cháu không có người chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đi làm hàng ngày theo quy định, theo luật pháp, theo công việc.

Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Tôi được biết, để thực hiện được chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều cháu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn mang sách vở, dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con nên các cháu cũng không học trực tuyến được, thua thiệt, tủi thân với bạn bè.

Dịch bệnh  ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Hàng triệu học sinh phổ thông đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Việc chuyển sang học trực tuyến là việc không thể tránh khỏi, vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.

Hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có trên 7.350.000 học sinh thuộc 26/63 tỉnh thành phố trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, do tác động khó lường của dịch bệnh, rất nhiều gia đình ở các địa phương trên cả nước, từ miền Nam cho tới miền Bắc, cả thành thị lẫn nông thôn, đã không thể và không đủ điều kiện mua sắm phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến. Theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12.9.2021, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị.

Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền. Con số thống kê trên chưa tính tới các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy và học trực tiếp nhưng sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phát sinh phức tạp.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung chống dịch, đã hỗ trợ cho nhiều đối tượng xã hội, đã quan tâm lo lắng cho ngành giáo dục, các địa phương và tự thân ngành giáo dục đã hết sức cố gắng, tuy nhiên những khó khăn mà dịch bệnh gây ra là quá lớn, ứng phó với dịch bệnh cần thêm nhiều hơn nữa sự tham gia của toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.....

Hôm nay, chúng ta chính thức phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đề nghị các địa phương cũng phát động phong trào này. Mong các đồng chí, các đại biểu, các bộ, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tham gia đóng góp để chương trình thành công, thực sự có ý nghĩa, chúng ta cùng chung tay, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch”.

Đ.V.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục