Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trên địa bàn huyện Châu Thành đã xây dựng 8 điểm/50 căn nhà dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và 9 chốt dân quân thường trực biên giới.

Hiện nay, đời sống sinh hoạt của các hộ dân trên tuyến biên giới đã có sự đổi mới, kinh tế phát triển. Mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm và chốt dân quân thường trực liền kề càng thêm khăng khít, công tác an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Anh Quách Xuân Vinh- Chốt trưởng Chốt dân quân thường trực Mít Trụ (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết, lực lượng dân quân thường xuyên quan tâm giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo gặp khó khăn. Trong thời vụ giúp người dân lao động sản xuất, góp những ngày công rất thiết thực cho người dân ở điểm dân cư liền kề chốt, qua đó gắn chặt thêm tình thương yêu của Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong chốt.
Các đối tượng thụ hưởng tại điểm dân cư rất phấn khởi với sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cấp uỷ, chính quyền địa phương, ai nấy đều quyết tâm phấn đấu vượt khó khăn, vươn lên để ổn định và phát triển cuộc sống mới nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Ông Trần Quốc Giới (sinh sống tại điểm dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực Mít Trụ) cho biết, căn nhà kiên cố giúp gia đình ông ổn định cuộc sống. Gia đình thường xuyên giáo dục, động viên các con sống có trách nhiệm, tích cực tham gia cùng các lực lượng bảo vệ biên giới.
“Gia đình tôi và các hộ sinh sống tại đây sẽ luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng điểm dân cư, chốt dân quân trở thành “điểm sáng” của địa phương”- ông Giới nói.
Chị Nguyễn Thị Trang (sinh sống tại điểm dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực Mít Trụ) chia sẻ: “Có được cuộc sống bình yên để tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho gia đình là điều mà người dân sinh sống ở vùng biên giới mong muốn. Tôi cảm thấy vui mừng và phấn khởi vì từ đây bà con yên tâm phát triển sản xuất, hỗ trợ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ”.
Ban đầu, bà con còn bỡ ngỡ chưa quen với nếp sống mới, nhưng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là các lực lượng tại chỗ, người dân bắt đầu thích nghi và quen dần với cuộc sống vùng biên.
Bên cạnh chỗ ở, các vấn đề an sinh xã hội, từ sinh hoạt, y tế, đường sá, điện, nước… ở điểm dân cư liền kề cũng được bảo đảm đầy đủ, giúp người dân yên tâm an cư lạc nghiệp, từ đó tạo sự đồng thuận gắn kết tình quân – dân trên tuyến biên giới.
Đặc biệt, các hộ dân sinh sống ở khu vực biên giới còn là “tai mắt” cho lực lượng chức năng. Quá trình sinh sống, nếu phát hiện người lạ sang gần cột mốc quốc gia hay qua lại biên giới, người dân sẽ báo cho địa phương để các lực lượng kịp thời xử lý những trường hợp vượt biên trái phép.
Chị Võ Thị Mai (hộ dân sinh sống liền kề Chốt dân quân thường trực Mít Trụ) nói: “Chúng tôi rất vui mừng được cấp trên quan tâm xây dựng khu dân cư mới, hỗ trợ căn nhà để an cư lạc nghiệp. Sống gần chốt dân quân thường trực nên chúng tôi thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ quan tâm giúp mọi thứ, bảo đảm an ninh trật tự”.
Biên Giới là xã vùng sâu của huyện Châu Thành, có đường biên giới dài 17km tiếp giáp với xã Doung, huyện Romeas Haek, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia; đa số người dân sống bằng nghề nông. Trên địa bàn xã có Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu và 2 chốt dân quân thường trực đã tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc.
Điểm dân cư liền kề Chốt dân quân thường trực Tân Định, xã Biên Giới nằm cách biên giới Campuchia khoảng 1km. Nơi đây không còn cảnh đìu hiu, vắng vẻ như trước kia, mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, đường vào khu dân cư được chỉnh trang. Mối quan hệ nghĩa tình giữa điểm dân cư và chốt dân quân biên giới ngày càng khăng khít, trở thành “cột mốc sống” đoàn kết bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” Tổ quốc.
Anh Phạm Văn Hưởng– Chốt trưởng Chốt Dân quân thường trực Tân Định, xã Biên Giới cho biết, lực lượng Dân quân thường trực của chốt thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, địa phương, bảo vệ đường biên, mốc giới, góp phần ổn định trật tự khu vực biên giới. Mỗi người dân nơi đây trở thành một chiến sĩ trên mặt trận cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác tội phạm, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Chị Đỗ Thị Thanh Ngân chia sẻ, lên biên giới sinh sống được gần 5 năm, gia đình chị luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Hai vợ chồng đều có công việc ổn định, thu nhập khá.
“Cuộc sống biên cương giờ ổn định. Hai vợ chồng tôi xác định bám chốt, bám làng cùng với bà con điểm dân cư giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sĩ dân quân chốt Tân Định thường xuyên đến thăm hỏi, động viên bà con, qua đó nắm nhanh chóng thông tin về tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân – dân”, chị Ngân nói.
Ông Phan Văn Hùng (70 tuổi) sinh sống ở khu vực dân cư Tân Định từ tháng 4.2021. Nhiều năm trước, ông lập gia đình và sinh sống ở vùng biên giới Bến Cầu. Cuộc sống vất vả nên mãi vẫn chưa làm được căn nhà cho vợ con.
“Tôi rất vui khi được Quân khu 7 và UBND tỉnh hỗ trợ cấp nhà và trao tặng nhiều vật dụng thiết yếu. Gia đình tôi và các hộ dân luôn gắn bó tình làng, nghĩa xóm, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc”- ông Hùng bày tỏ.
Khi rời các điểm dân cư liền kề chốt dân quân thường trực biên giới, hình ảnh đọng lại trong chúng tôi không chỉ là nụ cười trên những gương mặt rám nắng, rắn rỏi của những người dân biên giới, mà còn là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng gió biên cương, không xa là cột mốc, đường tuần tra biên giới Việt Nam – Campuchia.
Huy Thường – Đào Như