Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Qua khảo sát thực tế của HĐND tỉnh, hoạt động giáo dục trên địa bàn huyện Tân Biên và thành phố Tây Ninh cần chính quyền, lãnh đạo ngành tiếp tục quan tâm, đầu tư.

Huyện Tân Biên: Thiếu trang thiết bị, giáo viên
Mới đây, đoàn khảo sát số 2 HĐND tỉnh do ông Nguyễn Hồng Sơn- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát thực tế một số trường học trên địa bàn huyện Tân Biên. Tại trường Tiểu học Hoà Hiệp (xã Hoà Hiệp), bên cạnh những thành tích đạt được trong những năm qua, đoàn ghi nhận những khó khăn: trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho dạy và học chỉ được trang bị ở khối lớp 1, lớp 2; trường có phòng chức năng nhưng không bảo đảm theo quy định; trường chỉ dạy một ngoại ngữ tiếng Anh, không đáp ứng dạy song song hai ngoại ngữ; việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với một vài giáo viên lớn tuổi gặp khó khăn.
Thầy Lương Văn Nhanh- Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoà Hiệp cho biết, việc cung ứng các trang thiết bị dạy học các khối lớp 3, 4, 5 không thuộc thẩm quyền của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo và của trường. Trước tình hình nêu trên, trường khuyến khích giáo viên làm thêm đồ dùng dạy học để phục vụ công tác giảng dạy.
Hiện trường có 4 chiếc tivi, được lắp đặt trên khung kim loại có bánh xe đẩy, lớp nào cần sử dụng thì đẩy tivi đến. Việc giáo viên lớn tuổi yếu công nghệ thông tin, do những thầy cô này quen sử dụng trang thiết bị cũ, chưa chủ động nghiên cứu, sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại trong dạy và học.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Lộc- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Tân Biên đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kiến nghị UBND tỉnh đầu tư thêm cơ sở vật chất cho trường để bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định.
Tại trường Mầm non Rạng Đông (xã Tân Lập), tại điểm chính của trường còn thiếu phòng học, giáo viên. Cô Vũ Thị Hương- Hiệu trưởng trường cho hay, trước đây là trường mẫu giáo nên trường không mở nhóm trẻ, từ năm 2021, đổi tên thành trường mầm non, mở nhóm trẻ, số lượng trẻ đến trường nhiều hơn. Vì thế, số phòng học hiện tại ở điểm chính chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đội ngũ giáo viên thiếu là tình hình chung của huyện và áp lực công việc. Theo Thông tư 19/2023/TT-BGDDT ngày 30.10.2023 hướng dẫn vį trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bố trí tối đa nhà trẻ 2,5 giáo viên/lớp; mẫu giáo 2,2 giáo viên/lớp, nhưng hiện tại, trường chỉ có 1 giáo viên/lớp. Cô Vũ Thị Hương chia sẻ, để “chữa cháy” tình trạng thiếu giáo viên, hằng năm, trường phân công giáo viên theo hướng xoay vòng và Ban giám hiệu tham gia dạy ở các lớp thiếu giáo viên. Đến nay, các giáo viên chưa được hưởng chế độ thừa giờ.
Hiệu trưởng trường Mầm non Rạng Đông cho biết thêm, về vấn đề thiếu phòng học, trường đã có kế hoạch đề xuất giai đoạn 2026-2030, xây mới toàn bộ ngôi trường tại điểm chính, gồm 10 phòng học và các phòng chức năng.
Về vấn đề thiếu giáo viên, lãnh đạo trường kiến nghị với đoàn khảo sát, đề xuất với cơ quan chức năng có chính sách tuyển dụng, bổ sung đủ giáo viên, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay. Đồng thời, mong cấp trên quan tâm giải quyết chế độ thừa giờ đối với các trường mầm non thiếu giáo viên.
Thành phố Tây Ninh: Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị
Đoàn cũng đã khảo sát hoạt động giáo dục ở hai trường trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Tại trường THCS Trần Hưng Đạo, qua báo cáo, chất lượng học sinh đại trà còn thấp, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi có xu hướng giảm so năm học 2021-2022. Một số giáo viên chưa theo kịp xu hướng hiện đại có các công cụ dạy học tiên tiến AI, ChatGPT... Thiếu đồng đều về cơ sở vật chất và điều kiện dạy học. Một số lớp học bộ môn chưa được trang bị đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại như máy chiếu, tivi, máy kết nối mạng ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin.
Lãnh đạo trường kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng cường ban hành tài liệu tập huấn ứng dụng công nghệ mới (trên nên tảng số) trong giảng dạy, theo từng bộ môn, từng cấp học, có tính thực hành cao và dễ áp dụng cho giáo viên phổ thông; xây dựng kho học liệu số mở quốc gia và hệ thống tập huấn trực tuyến miễn phí dành cho giáo viên các môn học, tích hợp công cụ tự học - tự đánh giá trình độ chuyên môn, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như hỗ trợ thiết bị học tập, kết nối internet; nghiên cứu mở rộng các hình thức phân luồng và mô hình liên thông học nghề học văn hoá để học sinh có thêm lựa chọn học tập linh hoạt, giảm áp lực thi cử.
Lãnh đạo trường cũng kiến nghị tỉnh sớm hoàn thành chủ trương đầu tư, xây dựng mới trường THCS Trần Hưng Đạo mới tại vị trí đất của trường THPT Tây Ninh theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc gia.
Mặt khác, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, bảo đảm tối thiểu mỗi lớp học có phương tiện trình chiếu, máy tính kết nối internet ổn định phục vụ giảng dạy theo hướng số hoá và có các trang thiết bị theo danh mục tối thiệu của Bộ GD&ĐT quy định; tổ chức tập huấn định kỳ và chuyên sâu cho giáo viên về ứng dụng công nghệ trong dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá theo năng lực, có phân loại trình độ, để đào tạo phù hợp.
Ngoài những khó khăn nêu trên, cô Nguyễn Phương Hạ- Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THCS Trần Hưng Đạo báo cáo thêm, trước đây, trường có một hiệu trưởng, hai hiệu phó. Vừa qua, cô hiệu trưởng nghỉ hưu, sắp tới, một cô hiệu phó sẽ nghỉ hưu. Trong khi đó, trường có rất nhiều công việc cần xử lý. Vì vậy, cô Nguyễn Phương Hạ kiến nghị lãnh đạo sớm bổ nhiệm hiệu trưởng cho trường.
Đối với trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha, cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư, nhưng còn thiếu không gian sáng chế như phòng học STEM, vườn công nghệ cao, hội trường, phòng máy tính dùng cho kiểm tra trực tuyến, khu nội trú chưa đáp ứng nhu cầu học sinh.
Bên cạnh đó, trường còn thiếu giáo viên đúng chuyên ngành một số môn mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệm, nhân viên, thiết bị thí nghiệm. Nguyên nhân là nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng còn hạn chế, không có nguồn tuyển giáo viên các chuyên ngành nêu trên.
Trong công tác tuyển sinh, học sinh chủ yếu thuộc thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, chưa thu hút được học sinh giỏi ở các huyện, thị xã. Nguyên nhân là chưa có chính sách thu hút học sinh thi tuyển vào trường; khu nội trú chưa đáp ứng nhu cầu học sinh.
Thầy Ngô Khắc Đức- Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha kiến nghị, lãnh đạo ngành GD&ĐT sớm tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh chế độ khuyến khích học tập đối với học sinh trường trung học phổ thông chuyên; có chính sách ưu đãi và hỗ trợ học sinh ở xa; ngành GD&ĐT tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, phòng học STEM, các hạng mục còn thiếu như hội trường, khu hỗ trợ hoạt động trải nghiệm, cải tạo khu nội trú.
Thay mặt đoàn, ông Nguyễn Hồng Sơn- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng đoàn khảo sát số 2 đánh giá cao những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, giáo viên các trường trong sự nghiệp giáo dục, đồng thời, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, sắp tới,HĐND tỉnh sẽ có buổi giám sát riêng với Sở GD&ĐT, UBND tỉnh, đoàn sẽ trình bày những khó khăn, vướng mắc của các trường, đề xuất những cơ quan chức năng có giải pháp, định hướng giải quyết.
Đại Dương