Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Văn hoá học đường trong mối quan hệ với môi trường ngoài nhà trường
Thứ tư: 00:20 ngày 12/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - VHHĐ biểu hiện qua các chỉ báo sau đây: mức độ sâu sắc về lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy cô giáo, sự mẫu mực về đạo đức, lối sống và ý chí vươn lên tự học suốt đời của các thầy cô giáo, sự thuần nhất về đạo đức và ý thức tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức của học trò

Học sinh huyện Tân Biên đọc sách trong thư viện. Ảnh minh hoạ

Văn hoá học đường (VHHĐ) là một yếu tố trong đổi mới giáo dục, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với chất lượng cuộc sống và hiệu quả hoạt động của mỗi nhà trường. VHHĐ biểu hiện qua các chỉ báo sau đây: mức độ sâu sắc về lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy cô giáo, sự mẫu mực về đạo đức, lối sống và ý chí vươn lên tự học suốt đời của các thầy cô giáo, sự thuần nhất về đạo đức và ý thức tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức của học trò…

XOÁ BỎ CÁC HIỆN TƯỢNG TIÊU CỰC

Các chuyên gia về giáo dục chỉ ra rằng, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, VHHĐ cần được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực, xây dựng nhà trường thành trường học thành công và hiệu quả. Trong quá trình đó, nhà trường cần chú ý các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến việc tạo lập và phát triển VHHĐ của nhà trường, thấy được mối quan hệ nhân quả, tác động tích cực và tiêu cực của chúng, từ đó khai thác mặt tích cực vào xây dựng VHHĐ cho trường mình.

Hiện nay, các đặc trưng của VHHĐ bị biến dạng dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố bên ngoài nhà trường. Theo quan niệm chung, VHHĐ là một hệ thống phức hợp các giá trị, chuẩn mực xung quanh chức năng giáo dục con người của nhà trường, được chấp nhận tự nguyện, cam kết tôn trọng thực hiện, từ đó, các thành viên của nhà trường cùng nhau thực thi các hoạt động giáo dục, nhằm hoàn thành ngày càng tốt sứ mệnh của nhà trường. Các giá trị và chuẩn mực VHHĐ phải tương đối bền vững, nghĩa là phải qua trải nghiệm và thử thách của thời gian, phải biến thành niềm tin trong hành động của mọi thành viên, và trở thành biểu tượng trong từng mặt hoạt động của nhà trường. Do đó, VHHĐ là sự thể hiện bản sắc tập thể, thông qua đó mà các thành viên của nhà trường được kết nối với nhau để phấn đấu cho mục tiêu chung. Tuy nhiên, văn hoá nhà trường chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài nhà trường.

VHHĐ lành mạnh giúp giảm bớt sự không hài lòng của giáo viên và giảm thiểu hành vi, cử chỉ thiếu văn hoá của học sinh. VHHĐ tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học, khuyến khích giáo viên, học sinh nỗ lực rèn luyện, học tập đạt thành tích mong đợi. Nếu VHHĐ xuống cấp hoặc thậm chí mất đi, nhà trường sẽ bị tha hoá, mất phương hướng, suy thoái nội lực, chất lượng giáo dục giảm sút, có thể đến mức nhà trường không còn đủ năng lực và uy tín để tiếp tục làm nhiệm vụ đào tạo con người, và như vậy có ảnh hưởng to lớn đến xã hội.

KHÔNG TỒN TẠI MỘT CÁCH TỰ NHIÊN

VHHĐ không tồn tại một cách tự nhiên, nó tồn tại, phát triển thông qua vật chủ mang nó- đó là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Những cá nhân của đội ngũ này, một mặt vừa là chủ thể tạo lập, thúc đẩy VHHĐ phát triển, mặt khác vừa là nơi VHHĐ thể hiện bản sắc của mình thông qua các hành vi của họ. Nếu chủ thể có nền văn hoá không tích cực thì đương nhiên cũng không thể hy vọng họ tạo lập và phát triển môi trường VHHĐ tích cực. Văn hoá học đường biểu hiện qua các chỉ báo cơ bản sau đây: mức độ sâu sắc về lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy cô giáo, sự mẫu mực về đạo đức, lối sống và ý chí vươn lên tự học suốt đời của các thầy cô giáo, sự thuần nhất về đạo đức, ý thức tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức của học trò, tính chủ động, lòng say mê ham học của học trò, tinh thần vượt khó để học tập của học trò, sự trung thực trong đánh giá và tự đánh giá chất lượng giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo của học trò, truyền thống (dạy và học) của nhà trường, trình độ dân chủ hoá trong sinh hoạt của nhà trường.

VHHĐ thường được xem xét ở hai cấp độ: vô hình và hữu hình. Các thành tố chủ yếu thường ở dạng tiềm ẩn trong nhận thức và tình cảm của con người, chúng hình thành nên cấp độ vô hình của VHHĐ, khó nhận ra ngay. Chính hành động của con người (chủ yếu là thầy và trò) trong hoạt động dạy và học đã biến các thành tố vô hình nói trên thành các biểu tượng, và tạo nên cấp độ hữu hình của VHHĐ. Nhìn từ phía khách quan, người ta dễ nhận ra cấp độ hữu hình của VHHĐ, nhưng đó chưa phải là toàn bộ VHHĐ, mà chỉ là biểu hiện bên ngoài của VHHĐ. Chẳng hạn, biểu tượng về các chuẩn mực trong VHHĐ mà chúng ta thường thấy khi đến thăm một nhà trường nào đó, chính là cấp độ hữu hình của VHHĐ, như cảnh quan sư phạm, trang phục của thầy và trò, quan hệ giao tiếp trong trường và giao tiếp với khách, nghi thức chào cờ đầu tuần, nghi thức chào đón học trò đầu cấp và tiễn học trò cuối cấp… Muốn nhận diện được đúng trình độ của VHHĐ thì phải có cách đánh giá toàn diện, kết hợp được cả hai cấp độ, không thể chỉ căn cứ vào cấp độ hữu hình, nhưng cũng không thể chỉ qua đánh giá cấp độ vô hình bằng suy diễn cảm tính.

Giờ học môn Âm nhạc ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh. Ảnh minh hoạ

YẾU TỐ BÊN NGOÀI

VHHĐ ở nước ta đang bộc lộ những gam màu không sáng sủa và đầy thử thách. Bệnh thành tích, gian lận trong đánh giá, thi cử, chuyện mua bán các kết quả học tập và rèn luyện, chuyện lình xình mất đoàn kết, chuyện gia trưởng của hiệu trưởng, chuyện tài chính bất minh, chuyện học sinh, sinh viên hư hỏng, đua đòi ăn chơi, dính dáng vào các tệ nạn xã hội, chuyện bạo lực học đường... dẫn đến chất lượng giáo dục giảm sút, nề nếp kỷ cương đảo lộn. Tất cả biểu hiện đó của VHHĐ đều do tác động của nhiều yếu tố, trong đó những yếu tố bên ngoài nhà trường có vai trò quan trọng.

Như đã biết, bên cạnh những mặt tích cực, cơ chế kinh tế thị trường cũng tạo ra nhiều hệ luỵ liên quan đến hành vi văn hoá của con người, trong đó có hành vi văn hoá của giáo viên và học sinh. Kinh tế hàng hoá dựa trên quan hệ trao đổi lấy lợi nhuận làm mục đích, lấy đồng tiền làm công cụ giải quyết mọi vấn đề không chỉ diễn ra trong hoạt động kinh tế mà nó đã thâm nhập vào môi trường học đường, làm biến dạng các hành vi văn hoá tích cực giữa con người với nhau trong học đường. Các hành vi biến dạng này xảy ra cả ở hoạt động giảng dạy, tổ chức và cán bộ, cả ở trong quan hệ giao tiếp thuần tuý với nhau. Các hoạt động của nhà trường có mối quan hệ hữu cơ với môi trường xung quanh: với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi trường toạ lạc, với trình độ phát triển kinh tế và văn hoá địa phương. Tất cả các yếu tố có tính khách quan này đều tác động đến sự hình thành VHHĐ của nhà trường thông qua các chủ thể (người dạy và người học).

Thái độ của chính quyền đối với việc học ở địa phương cũng ảnh hưởng đến việc tạo lập và phát triển VHHĐ trong nhà trường. Sự quan tâm thường xuyên của chính quyền, của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể đến hoạt động dạy học của nhà trường chính là tác nhân tích cực khích lệ truyền thống tôn sư trọng đạo ở địa phương, tạo động lực cho giáo viên yêu trường, yêu nghề, là cách giáo dục phụ huynh và học sinh tốt nhất về tình nghĩa thầy trò.

Một trong những chủ thể tạo lập VHHĐ đó là học sinh. Có thể nói rằng học sinh là người thụ hưởng VHHĐ do nhà trường tạo nên, nhưng cũng là một thành tố cấu thành VHHĐ đó thông qua các hành vi của mình. Có những hành vi văn hoá của học sinh do nhà trường giáo dục xây dựng nên, nhưng cũng có những hành vi văn hoá được hình thành từ chính văn hoá gia đình của học sinh tạo nên. Do vậy, cùng với việc xây dựng và phát triển VHHĐ ở nhà trường thì môi trường gia đình học sinh là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh