Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Văn hoá mua hàng ở siêu thị
Thứ sáu: 11:25 ngày 20/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để xây dựng một môi trường mua sắm văn minh, hiện đại, ngoài những nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ của siêu thị, văn hoá mua sắm của khách hàng rất quan trọng

Khách hàng mua sắm tại quầy hàng tươi sống của siêu thị Co.opmart Tây Ninh (ảnh minh hoạ).

Vài năm gần đây, nhiều người dân Tây Ninh đã quen với việc mua sắm ở các siêu thị hiện đại, tiện lợi. Vào dịp cuối tuần, hai siêu thị Co.opMart và Auchan luôn thu hút khá đông người tiêu dùng đến mua sắm, vui chơi. Mặc dù siêu thị đã có những biện pháp giám sát như yêu cầu khách hàng gửi giỏ, túi xách… trước khi vào khu vực mua sắm, gắn camera giám sát, bố trí nhân viên tại quầy, nhân viên bảo vệ tại cổng ra vào. Tuy nhiên, lượng khách quá đông nên tình trạng trộm cắp hàng hoá, bóc thực phẩm cho trẻ nhỏ ăn, làm xáo trộn hàng hoá… vẫn xảy ra.

 

Chị Cao Thị Kim Ngân (ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) kể, một lần chị đưa con đi siêu thị Co.opMart mua sắm, bé quấy khóc nên chị lấy cho con một cây xúc xích nhưng bé làm rách bao bì. Chị vội đến quầy thu ngân thanh toán để con có thể ăn ngay cây xúc xích. Khi đến quầy bánh kẹo, chị Ngân thấy một phụ nữ thản nhiên xé kẹo cho con ăn rồi nhanh tay nhét vỏ kẹo dưới gầm kệ trưng bày hàng hoá. Chị Ngân đến báo với nhân viên siêu thị nhưng người phụ nữ đó đã bỏ đi.

Anh Ðoàn Tuấn Thanh- Quản lý marketing tại siêu thị Co.opMart cho biết, những mặt hàng dễ bị khách hàng xé ăn ngay trong siêu thị hoặc lấy trộm là những sản phẩm nhỏ lẻ như  bánh kẹo, xúc xích, sữa chua, rau câu, chocolate…

Kết thúc một ngày kinh doanh, nhân viên siêu thị quét dọn luôn nhìn thấy những vỏ bánh kẹo dưới gầm kệ trưng bày sản phẩm hay nhét vào kẽ, hóc tủ hàng hoá, thậm chí nhiều bịch kẹo, sữa chua bị khách xé bao bì ăn dở vẫn còn để ngay trên sạp hàng. Một số khách hàng còn thích bới tung hết đồ lên rồi để ngổn ngang dưới đất, không sắp xếp lại.

Có khách đã chọn đồ nhưng khi không mua nữa cũng không để đồ về vị trí ban đầu mà tiện đâu vứt đó, bỏ cả thịt gà, cá đông lạnh sang quầy quần áo, đồ chơi trẻ em, khiến nhân viên rất vất vả khi sắp xếp lại hàng hoá. Hoặc tình trạng nhiều khách hàng lựa rau củ, quả hay dùng tay bới tung, làm xáo trộn, giập rau củ hoặc dùng móng tay bấm vào củ, quả để thử độ tươi nhưng lúc ra thanh toán lại lấy quả còn nguyên, bỏ lại những quả đã bị bấm.

Tại khu vực quần áo, mặc dù các sản phẩm đều được gắn chip chống trộm nhưng vẫn thường xuyên bị một số khách hàng tinh vi cắt chip, lấy trộm... Theo anh Thanh, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu văn hoá mua sắm tại siêu thị, khiến siêu thị không chỉ tổn thất về vật chất mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh, hiện đại.

Qua nhiều năm hoạt động tại Tây Ninh, siêu thị Co.opMart đã có được một lượng khách hàng gắn bó, ổn định. Vào những dịp lễ lớn thường có chương trình khuyến mãi hoặc vào dịp cuối tuần, khách đến siêu thị tăng cao, dẫn đến tình trạng chen lấn, nhân viên khó kiểm soát. Một số khách vô tư xé bao bì sản phẩm cho trẻ ăn ngay tại chỗ hoặc vứt rác ngay trên nền, thậm chí trộm vặt.

Siêu thị Co.opMart Tây Ninh đã chủ động trong công tác giám sát, quản lý hàng hoá như tăng cường nhân viên đứng quầy, gắn bảng nhắc nhở khách hàng nhẹ tay khi chọn hàng hoá, gắn thêm camera giám sát. Ngoài ra, siêu thị cũng mở nhiều lớp tập huấn thái độ phục vụ, giao tiếp với khách hàng cho nhân viên như: luôn nhỏ nhẹ với khách, dạ, thưa khi trả lời hoặc giải thích thắc mắc cho khách, dùng cả 2 tay khi giao hàng hoá cho khách…

Siêu thị Co.opmart Tây Ninh còn chủ động tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, hoạt náo nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, như sử dụng túi tái chế thân thiện với môi trường, vứt rác đúng nơi quy định…

Tuy nhiên, để xây dựng một môi trường mua sắm văn minh, hiện đại, ngoài những nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ của siêu thị, văn hoá mua sắm của khách hàng rất quan trọng.

Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục