Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Văn hóa thêu thổ cẩm của người Dao đỏ
Thứ tư: 07:20 ngày 18/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cũng như phụ nữ Mông, ngay từ nhỏ, phụ nữ Dao đỏ đã được bà, mẹ truyền dạy thêu thổ cẩm. Không chỉ thêu thùa quần áo, khăn, mũ của mình, phụ nữ Dao đỏ còn làm cho các thành viên trong gia đình.

Phụ nữ Dao rất cầu kỳ trong lựa chọn chỉ thêu trang phục.

Phụ nữ Dao đỏ rất cầu kỳ khi thêu trang phục truyền thống, với đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Họ thêu riêng từng phần, rồi khâu lại thành bộ trang phục hoàn chỉnh.

Đối với người Dao đỏ, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, mà còn là vật kỷ niệm tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Phụ nữ Dao đỏ trước khi về nhà chồng phải thành thạo nghề thêu.

Họ thường tự thêu cho mình mỗi năm vài đồ dùng để diện vào ngày lễ, Tết. Con gái đến tuổi lấy chồng phải tự tay thêu một bộ trang phục mặc trong ngày cưới. Để hoàn thành bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ Dao gồm: Quần, áo, khăn, mũ, xà cạp, yếm thông, người thạo nghề cũng phải làm 4 - 5 tháng liên tục.

Trang phục của mỗi dân tộc có những họa tiết, hoa văn thêu khác nhau và đều có ý nghĩa nhất định. Với người Dao đỏ, màu đỏ là màu sắc chủ đạo, bởi họ quan niệm màu này sẽ mang lại nhiều may mắn và năng lượng cho bản thân.

Sợi thêu có nhiều màu sắc như xanh, đỏ, trắng, vàng… Người Dao cũng như người Mông thường dùng vải lanh để may trang phục. Họa tiết, hoa văn thêu nơi gấu quần áo, khăn, thường là hình quả trám, chữ vạn, hoa lá, cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên đã nuôi sống con người.

Chiếc khăn đội đầu của người Dao đỏ cũng được thêu nhiều họa tiết tinh tế: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn sẽ được phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.

Nghề thêu không chỉ thể hiện sự tháo vát, khéo léo của phụ nữ Dao đỏ, mà còn phản ánh những nét văn hóa vô cùng độc đáo của dân tộc này, cần được bảo tồn và phát triển.

Nguồn baolaocai

Tin cùng chuyên mục