Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Văn hoá trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Chủ nhật: 23:46 ngày 14/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn hoá giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hoá giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hoá trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ khẳng định cần phải “đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị con người Việt Nam” mà còn nhấn mạnh khẩn trương “nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới”.

Múa trống Chhay-dăm tại Lễ hội xuân núi Bà Đen năm 2023. Ảnh: Dương Đức Kiên

Phát triển văn hoá -phát triển con người

Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.

Để vận dụng khách quan, phát huy hiệu quả giá trị và nguyên tắc Đề cương văn hoá (1943) trong bối cảnh mới, cần xác định xây dựng môi trường văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm từng bước hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời tăng cường năng lực kết nối, lan toả, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam.

Việc xây dựng môi trường văn hoá được quan tâm một cách thực chất, khoa học và có chiều sâu hơn sẽ tạo ra diện mạo mới cho đời sống văn hoá của toàn dân, kiến tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Gắn bó chặt chẽ với mục tiêu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh chính là việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể có liên quan trong các môi trường này.

Phát triển văn hoá ở Việt Nam vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hoá vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Văn hoá. Từ việc tham gia vào quá trình sáng tạo cho tới việc tiếp cận và hưởng thụ các sản phẩm văn hoá, mỗi người dân đều có thể đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực văn hoá, giúp nâng cao giá trị và phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có. Những đóng góp và vai trò của người dân đối với việc phát triển văn hoá được thể chế hoá như một nội dung của quyền văn hoá đã được khẳng định trong Hiến pháp. Việc phát huy quyền văn hoá và thúc đẩy phát triển văn hoá như một sự nghiệp của toàn dân sẽ giúp tăng cường quá trình đa dạng hoá các giá trị và biểu đạt văn hoá, từ đó phát huy tốt hơn khả năng đóng góp về kinh tế và xã hội của văn hoá. Đây là xu hướng chung trên thế giới và được thể chế hoá thông qua các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia phê chuẩn. Phát triển văn hoá theo quan điểm Đảng đã đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hoà, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt.

Văn hoá giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hoá giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hoá trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Với hàm nghĩa này, phát triển văn hoá chính là phát triển con người, một quá trình phát triển lâu dài và hướng tới tương lai.

Loại bỏ sản phẩm độc hại

Trong tiến trình lãnh đạo đất nước, Đảng luôn quan tâm đến vấn đề văn hoá, xây dựng và phát triển văn hoá. Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra mục tiêu: “Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội XIII tiếp tục đề cao, nhấn mạnh vai trò của văn hoá, phát triển văn hoá trong tình hình mới. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII trình bày tại Đại hội XIII đã đánh giá toàn diện những thành tựu và hạn chế của lĩnh vực văn hoá. Báo cáo chỉ rõ, phát triển văn hoá đạt nhiều kết quả quan trọng: Nhận thức về văn hoá ngày càng toàn diện, sâu sắc, các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hoá phát triển ngày càng đa dạng.

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản được kế thừa, bảo tồn và phát huy; hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hoá khởi sắc. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hoá, lối sống con người được chú trọng. Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế của lĩnh vực văn hoá, nhấn mạnh “văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.

Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Môi trường văn hoá, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hoá chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hoá trong thời kỳ mới…

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu và hạn chế, văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục một cách nhất quán quan điểm “phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần” và định hướng phát triển văn hoá giai đoạn 2021-2030 “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Bằng quan điểm và định hướng đó, trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng đề ra một số vấn đề mới về văn hoá và phát triển văn hoá.

Một, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng “hệ giá trị văn hoá”. Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng, các giá trị văn hoá ngày càng bộc lộ những giá trị cốt lõi, nền tảng, là gốc rễ, hồn cốt của dân tộc, là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế - xã hội, đưa nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới.

Vì vậy, cần thiết triển khai xây dựng hệ giá trị văn hoá, bao gồm cả các giá trị văn hoá truyền thống, hiện đại và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Xây dựng “hệ giá trị” văn hoá phản ánh tư duy mới của Đảng ta về văn hoá, với nghĩa rất rộng, không chỉ tập trung vào các loại hình văn hoá, dịch vụ văn hoá, mà còn hướng đến các giá trị văn hoá trong tất cả các mặt của đời sống xã hội, như là thước đo, chuẩn mực để góp phần định hướng, giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người theo hướng tiến bộ, tích cực, thúc đẩy ý chí tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên.

Hai, xác định mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa văn hoá với con người, “giữa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người” với “hệ giá trị gia đình Việt Nam”. Vấn đề này một lần nữa thể hiện quan điểm coi yếu tố con người là trung tâm, xuyên suốt, song, điểm mới là Đảng ta nhấn mạnh yếu tố con người, hệ giá trị văn hoá phải đi đôi với việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, Đảng đề cao vai trò của gia đình trong xây dựng văn hoá; gia đình- tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hoá và con người Việt Nam; đồng thời, là môi trường giáo dục đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi con người.

Ba, cụ thể hoá vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá, đặt trong mối quan hệ với “sức mạnh mềm” của văn hoá. Đại hội XIII xác định “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Như vậy, để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị, tiềm năng, thế mạnh của văn hoá Việt Nam cần thực hiện tốt mối quan hệ hài hoà giữa phát triển văn hoá với phát triển kinh tế, gắn văn hoá với phát triển du lịch, dịch vụ cũng như giới thiệu, quảng bá văn hoá ra thế giới thông qua những sản phẩm của ngành công nghiệp văn hoá.

Bốn, thống nhất giữa “phát triển” và “quản lý” văn hoá, nhất là trên các lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu “tiếp tục xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, đi đôi với việc “tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông và thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục