Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Áp dụng công nghệ AI vào báo chí:
Vẫn không thể thay thế vai trò của con người
Thứ tư: 05:23 ngày 21/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, một số cơ quan báo chí trong nước và thế giới đã thử áp dụng trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI) vào nghề báo. Bước đầu cho thấy mô hình này có những thuận lợi, hạn chế nhất định.

Những robot làm báo- trợ thủ của nhà báo trong tương lai?

AI có nhiều ưu điểm

AI (viết tắt của Artificial Intelligence - Trí thông minh nhân tạo) là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quá trình này bao gồm việc thu thập thông tin, các quy tắc sử dụng thông tin, các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định và tự sửa lỗi.

Trong những năm qua, nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng AI. Trong bài viết “Trí tuệ nhân tạo thay đổi báo chí thế giới như thế nào?”, tác giả Thuỳ Dương (TTXVN) thông tin: Tạp chí Forbes đã triển khai hệ thống quản lý nội dung tích hợp AI có tên Bertie - chuyên gợi ý nội dung và tiêu đề cho các bài báo. Tờ Washington Post (Mỹ) áp dụng hệ thống Heliograf có thể sản xuất toàn bộ bài báo từ dữ liệu có sẵn.

Hãng thời sự kinh tế Bloomberg sử dụng Cyborg để sản xuất nội dung và quản lý. Báo The Guardian (Anh), các hãng tin AP, Reuters… đang sử dụng hoặc thử nghiệm AI. Hãng tin The Canadian Press đã phát triển một hệ thống để tăng tốc độ dịch dựa trên AI.

Cuốn sách "Những sáng tạo trong báo chí toàn cầu 2018-2019" của TTXVN thông tin thêm, Tờ Washington Post dùng AI để phân loại và hạn chế số lượng 1 triệu bình luận trong một tháng. The New York Times cũng sử dụng ứng dụng Perspective dựa trên AI để phân biệt các bình luận độc hại với bình luận lành mạnh. Hiệu quả tốt tới mức trong tương lai, 80% lượng tin, bài của báo sẽ cho phép người đọc bình luận.

Bà Trâm Nguyễn- Giám đốc quốc gia phụ trách các thị trường Việt Nam - Campuchia - Lào tại Google châu Á - Thái Bình Dương nhận định, khi được ứng dụng vào báo chí, AI sẽ hỗ trợ nhiều tính năng tiện ích.

AI sẽ nâng sức mạnh xử lý của điện toán giúp cho việc làm báo hiệu quả hơn như tìm kiếm, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu; đồng thời hỗ trợ phóng viên, biên tập viên rút ngắn thời gian xử lý các thông tin sự vụ, thường lệ mỗi ngày (như cập nhật thông tin thời tiết, giá cả, kết quả một sự việc gì đó…) để họ tập trung vào công việc chuyên môn. AI thực hiện việc đọc morasse, sửa lỗi chính tả... giúp nâng chất lượng nội dung cho báo in, báo điện tử.

Tại Hội Báo toàn quốc 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 18.3 vừa qua, ông Lê Quốc Minh- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, cách đây khoảng 4 năm, khi còn là Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, ông đã áp dụng AI trong hoạt động của cơ quan này.

AI có nhiều ứng dụng hỗ trợ cho hoạt động của báo chí như việc nắm bắt hành vi người đọc, từ đó khuyến nghị nội dung theo hướng cá nhân hoá để lôi kéo, giữ chân độc giả. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, cần đầu tư vào AI trong báo chí, nếu không muốn tụt hậu.

Cũng tại Hội báo, Nhà báo Ngô Trần Thịnh- Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh giới thiệu phóng sự đầu tiên ở Việt Nam được viết bởi AI. Nội dung phóng sự nói về xu hướng AI tại Việt Nam và đã phát sóng vào giữa tháng 2 vừa qua.

Các biên tập viên chương trình đã sử dụng AI để nó giúp làm kịch bản cũng như viết nội dung kịch bản. Qua đó, AI đã đề xuất 5 phần chính trong kịch bản và tự viết hơn 500 chữ ở mỗi phần. Thậm chí AI còn đề xuất các chuyên gia công nghệ thông tin, biên tập viên thực hiện phỏng vấn.

Áp dụng công nghệ AI vào sản xuất báo chí, liệu có còn tính hấp dẫn?

Những hạn chế khi áp dụng AI vào nghề báo

Với những ưu điểm nêu trên cho thấy trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ đắc lực trong việc sản xuất các sản phẩm báo chí. Tuy nhiên, AI cũng cho thấy còn nhiều hạn chế khi áp dụng vào nghề báo.

Bà Trần Lệ Thuỳ, học giả nghiên cứu báo chí (Đại học Oxford), Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển MDI cho rằng, các thông tin, bằng chứng mà ChatGPT đưa ra cần phải được kiểm chứng. Những bài viết sâu như viết tường thuật hay viết bài theo cấu trúc kim cương thì ChatGPT cũng chưa thể viết được.

 Qua việc thực hiện phóng sự được viết bởi AI, nhà báo Ngô Trần Thịnh (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) cũng cho biết, AI vẫn còn nhiều khuyết điểm khi thực hiện một bài phóng sự như sử dụng từ ngữ chưa phù hợp, dùng từ còn cứng do máy học tổng hợp để đề xuất; phải hỏi AI đến 8 câu hỏi để hiểu ý đồ của ê-kíp muốn truyền tải; chưa có yếu tố điểm nhấn và chưa có yếu tố con người...

Tổ chức tư vấn chiến lược về truyền thông Polis thuộc Khoa Truyền thông và Báo chí của Trường Kinh tế London cho rằng các toà soạn cần sớm áp dụng AI để theo kịp xu thế làm báo hiện đại. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào một tờ báo cần nguồn vốn không nhỏ. Cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp để có sức mạnh điện toán cho AI hoạt động, cũng như tăng băng thông mạng vì sẽ sử dụng dữ liệu với khối lượng lớn hơn rất nhiều.

Trên Báo Thanh Tra đăng bài viết của Phạm Sông Thu, trong đó tác giả nhận định mặc dù AI có thể cung cấp hỗ trợ và tăng cường hiệu quả trong công việc báo chí, nhưng vai trò của con người vẫn là không thể thay thế được.

Vì tính sáng tạo và cảm nhận là những khía cạnh mà con người vượt trội hơn AI. Đây là những yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các câu chuyện thú vị và gợi cảm xúc cho người đọc. Công việc báo chí đòi hỏi đạo đức và trách nhiệm cao.

Người làm báo cần có khả năng phân tích thông tin, kiểm chứng sự đúng đắn của nguồn tin, bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy của bài viết. Con người có khả năng đánh giá và đưa ra quyết định đạo đức hơn AI. Mối quan hệ giữa nhà báo và người được phỏng vấn, cung cấp thông tin là quan trọng trong công việc báo chí.

Khả năng giao tiếp, hiểu biết và xây dựng mối quan hệ tốt với con người là điều mà con người có thể thực hiện tốt hơn AI. Khả năng suy luận, tư duy logic và hiểu biết sâu rộng của con người giúp đưa ra những nhận định phức tạp và đầy thẩm mỹ.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm, năm nay, Bộ TT&TT phải trình kế hoạch về sửa đổi Luật Báo chí. Có nhiều vấn đề đặt ra như hiện nay ta đã định nghĩa được nhà báo, nhưng sau này, AI viết được bài báo hay hơn cả nhà báo thì gọi là gì? Thuật toán có phải báo chí hay không khi nó đang nắm hành vi, gợi ý cho độc giả?

Lướt qua một số thông tin liên quan đến việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào nghề báo trong nước và thế giới cho thấy, hiện tại AI có những thuận lợi và hạn chế nhất định. Mặc dù vậy, AI vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai của ngành báo.

Việc áp dụng công nghệ AI vào sản xuất tác phẩm báo chí sẽ đỡ tốn nhiều thời gian, công sức hơn so với hiện nay, số lượng phóng viên, cộng tác viên chắc cũng không còn nhiều, nhưng tính chuyên sâu, tính hấp dẫn của mỗi tác phẩm báo chí thì chưa biết ra sao.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục