Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với mục đích khảo sát tình hình hoạt động của các cơ sở y tế trong 6 tháng đầu năm. Qua đợt khảo sát này có thể thấy: nhân lực, cơ chế để thu hút bác sĩ cho bệnh viện cho đến nay vẫn chưa có lời giải.
Chăm sóc bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh viện Lao- cần thêm 30 người
Báo cáo với đoàn khảo sát, lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết, năm 2011, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập bệnh viện với quy mô 50 giường bệnh.
Hiện tại, bệnh viện này có đội ngũ cán bộ, nhân viên gồm 65 người, trong đó có 50 biên chế, số còn lại làm việc theo diện hợp đồng.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Tây Ninh được Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ về chuyên môn. Lãnh đạo tỉnh và ngành y tế cũng dành sự quan tâm đối với bệnh viện. Khó khăn hiện nay của bệnh viện là đội ngũ nhân sự còn thiếu nên không thể thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế ban hành năm 2002 về chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện lao và bệnh phổi trực thuộc tỉnh.
Sau gần 10 năm xây dựng, hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa được nghiệm thu. Về tổ chức bộ máy, bệnh viện vẫn còn thiếu 6 khoa gồm: Khoa Lao phổi - HIV và kháng thuốc, Khoa Bệnh phổi, Khoa Cận lâm sàng, Khoa Chống nhiễm khuẩn, Khoa Dinh dưỡng và Khoa Phục hồi chức năng.
Về thiết bị, bệnh viện đang thiếu một số loại máy móc như máy CT Scanner, máy nội soi phế quản và một số thiết bị xét nghiệm. Về chế độ chính sách, ngoài chế độ lương, phụ cấp theo quy định, mức thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên trong bệnh viện nhìn chung còn thấp.
Năm 2016, người có mức thu nhập tăng thêm cao nhất trong một tháng gần 1,2 triệu đồng, người hưởng mức thấp nhất chỉ được 270.000 đồng.
Trong phần giải trình thêm, ông Nguyễn Văn Thiện- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết, trong số các thiết bị bệnh viện được trang bị nhưng chưa dùng có một máy thở đa năng hiện đại (chưa sử dụng được vì thiếu người vận hành). Trong khi đó, bệnh viện lại đang thiếu nhiều loại thiết bị khác như máy đo đường huyết test nhanh.
Ông Thiện cho rằng, muốn giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay, khâu cần trước tiên là con người. Tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân lực thể hiện rõ qua việc phòng chụp X-quang hiện chỉ do một nhân viên sơ cấp vận hành.
Theo lãnh đạo bệnh viện, muốn cử người đi tập huấn cũng khó khăn, vì nếu đi học thì lấy ai làm việc? Giải thích về tình trạng thiếu bác sĩ kéo dài, lãnh đạo bệnh viện cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố tâm lý: rất hiếm bác sĩ nào chọn chuyên ngành bệnh lao để theo học và phục vụ ở cơ sở chuyên trị căn bệnh này.
Và để giải quyết câu chuyện nhân lực, cần có chế độ ưu đãi nhiều hơn cho bác sĩ ở bệnh viện lao. Mặt khác, nếu cần thiết phải có những giải pháp hành chính, còn nếu cứ để tự do, tự nguyện như hiện nay thì rất khó.
Để kiện toàn bộ máy, Bệnh viên Lao và Bệnh phổi Tây Ninh cần bổ sung tới 30 người cho nhiều vị trí khác nhau.
Lãnh đạo Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trao đổi với đoàn khảo sát.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh- làm sao tự chủ hoàn toàn ?
Tại buổi làm việc với nội dung tương tự ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ Liêu Chí Hùng- Giám đốc Bệnh viện thông tin, trong thời gian qua, bệnh viện đón nhận một số bác sĩ trẻ về công tác, khắc phục được phần nào tình trạng thiếu bác sĩ tại cơ sở y tế này.
Theo nhận định của vị lãnh đạo Bệnh viện- bảng giá dịch vụ y tế đang không có sự thống nhất. Cụ thể, bệnh viện đang áp dụng cùng lúc hai bảng giá (tuỳ theo từng danh mục khám, chữa bệnh).
Trong đó, một bảng giá thực hiện theo quyết định do UBND tỉnh ban hành năm 2015, bảng giá còn lại áp dụng theo Thông tư 37 của Bộ Y tế. Thực tế cho thấy, bảng giá dịch vụ y tế do tỉnh ban hành nay không còn hợp lý, vì giá quá thấp, có những dịch vụ giá cả thấp hơn mức giá Bộ Y tế quy định nhiều lần.
Cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh gặp một số khó khăn do đang trong quá trình sửa chữa, xây mới. Lãnh đạo bệnh viện đề nghị xây nhà công vụ cho nhân viên y tế, vì nhiều người đang phải thuê nhà ở trọ, trong khi thu nhập chưa cao. Liên quan đến chính sách đào tạo và thu hút nhân lực ngành y tế, lãnh đạo bệnh viện cho biết, chính sách hiện hành chưa phát huy hiệu quả, vì các cơ sở y tế tư nhân trả lương cho bác sĩ thường ở mức hấp dẫn hơn nhiều.
Về chế độ đãi ngộ, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị xem xét có chế độ riêng cho bác sĩ ngoại khoa. Lý do: mặc dù ra trường cùng lúc nhưng chỉ sau 18 tháng làm ở bệnh viện, bác sĩ nội khoa được cấp chứng chỉ hành nghề, nghĩa là đã có thể làm ngoài giờ.
Trong khi đó, để có chứng chỉ hành nghề, bác sĩ ngoại khoa phải mất nhiều thời gian, công sức học thêm một chuyên khoa. Về lâu dài, điều này dẫn đến đội ngũ bác sĩ mất cân đối, thiếu bác sĩ ngoại khoa.
Thực tế cũng cho thấy, hiện tại bệnh viện đang thiếu khá nhiều bác sĩ khoa ngoại. Theo quy định, nhân viên, cán bộ bệnh viện nếu đi học ngoài 3 tháng sẽ bị cắt ưu đãi nghề. Tuy nhiên, có những lớp học kéo dài 8 tháng nhưng thực tế, người học chỉ học vài ba ngày mỗi tuần.
Những ngày không học, họ vẫn làm việc ở bệnh viên như bình thường, thế mà lại bị cắt phụ cấp ưu đãi là không hợp lý. Cũng theo tính toán của lãnh đạo bệnh viện, nếu vẫn áp dụng cơ chế, chính sách và bảng giá dịch vụ y tế như thời gian qua, việc chuyển sang tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2018 là không thể thực hiện được, do nguồn thu của bệnh viện không đủ để trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Kết luận tại buổi làm việc, trưởng đoàn khảo sát Kim Thị Hạnh ghi nhận một số kiến nghị của lãnh đạo bệnh viện, trong đó có chính sách hỗ trợ cho bác sĩ chuyên khoa. Những vấn đề này sẽ được HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thứ 4.
Vấn đề đặt ra trong thời điểm hiện tại là nên chăng, tỉnh cần dành một phần ngân sách để chi trả cho những đối tượng làm việc hợp đồng (sau khi nghỉ hưu), thay vì để các bệnh viện tự xoay xở chật vật do thiếu kinh phí. Trong khi việc thu hút bác sĩ chính quy trong độ tuổi lao động còn đang gặp khó khăn, tại sao không dùng những người đang có sẵn, lại giàu kinh nghiệm nghề nghiệp?
VIỆT ĐÔNG