Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giữa những ngày cao điểm cách ly xã hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người ta vẫn thấy một người phụ nữ chạy chiếc honda cũ kỹ chở trái cây vào rừng thiên nhiên Toà thánh.
Khỉ ở rừng thiên nhiên Toà Thánh. Ảnh minh hoạ ĐHT
Đấy là vào khoảng 5 giờ chiều, bà dừng xe tại mỗi điểm ngoài hàng rào, dỡ từng bịch trái cây ra cho lũ khỉ ăn. Xong, bà lại chạy tới điểm khác. Những nơi ấy, ngày bình thường thì bà khỏi phải lo. Du khách đến đông và hầu như ai cũng có quà cho khỉ.
Chỉ cần ăn hết những món quà kia là chúng đã đủ no. Nhưng vào mùa dịch bệnh, các tuyến tham quan du lịch tạm dừng. Sân đền thánh vắng vẻ, bà cùng vài người khác quan tâm đến bầy khỉ lại chạy vạy lo tìm thức ăn cho chúng. Bây giờ đàn khỉ có khi lên tới vài trăm con.
Thực ra ở Tây Ninh chuyện này cũng không có gì khó khăn cho lắm! Bà chỉ cần chạy đến các chợ ở chung quanh Toà thánh, như chợ Hiệp An, chợ Long Hoa… Người ta sẵn sàng lựa ra những trái cây đã xuống mã hoặc hơi bầm giập cho bà chở đem tới những nơi lũ khỉ thường đến tìm ăn.
Vậy mà vẫn còn những con hoặc vì yếu thế, hoặc do nhát sợ khỉ đầu đàn mà không dám ra ăn. Bà biết chuyện và luôn để dành lại vài bịch trái cây vào tận giữa rừng thiên nhiên để gọi chúng lại ăn. Khi ấy, bà đặt xe ngay trên vỉa hè cạnh hàng rào, rồi lụi cụi xách những bịch to túi nhỏ vào sâu giữa rừng.
Bóng bà lún xuống, bé bỏng như lọt thỏm giữa cây to vài người ôm mới hết. Bầy khỉ lao xao chuyền cành trên cao đến nơi bà đứng. Trong số ấy chắc là có cả những mẹ con nhà khỉ. Chúng nhận lấy những trái xoài mẩy căng hoặc trái ổi ruột đỏ tươi bà vừa nhẹ nhàng đặt xuống. Xong việc, bà trở ra thì trời cũng đã xẩm chiều.
Qua mùa cách ly vì dịch bệnh, tôi vào Toà thánh đã thấy một không khí gần bình thường trở lại, dù du khách đến viếng Toà thánh vẫn còn thưa vắng. Vậy mà bầy khỉ dường như lại đông hơn trước. Chúng đã tràn qua sinh sống ở khu rừng bên ngoài, cạnh đường CMT8. Một vài du khách cũng đã qua bên ấy, ném cho chúng vài thứ trái cây, bịch đậu phộng rang và cả kẹo. Trong khi ở khu rừng bên trong, lũ khỉ vẫn nhốn nháo chuyền cành, chí choé giỡn đùa nhau.
Thực ra, chuyện có người chuyên nuôi khỉ ở rừng thiên nhiên này cũng đã có từ lâu. Cũng là cho khỉ ăn thôi, nhưng cách cho khác nhau nhiều lắm! Chỉ cần để ý một chút là sẽ nhận ra ngay. Đấy là du khách thường chỉ ném từ xa những món đồ ăn cho khỉ.
Còn những người tự nguyện chăm nuôi khỉ này lại đến tận bờ rào, đưa tận tay từng món đồ ăn cho chúng. Họ thường là cư dân ở các xã và khu phố bao quanh khu Toà thánh. Khỉ cũng đã quen với họ. Nhiều con còn mừng rỡ nhảy ra, đậu trên yên xe họ ngồi, nhẩn nha nhặt từng hạt đậu trên bàn tay rộng mở đã xoè ra.
Họ có thể là một bà má già tóc bạc đã còng lưng; hay một người đàn ông trung niên ăn mặc xuềnh xoàng, thường đến bằng chiếc xe honda cũ kỹ. Đã nhiều lần chạy xe vào rừng thiên nhiên xem khỉ nên tôi thường gặp họ. Trong mắt bầy khỉ, biết đâu họ lại chẳng là những "ông bụt, bà tiên" theo cách nghĩ của con người.
Và hôm nay, tôi vừa gặp thêm một "bà tiên" nữa. Bà xuất hiện như một người bình thường hơi lam lũ. Bóng bà lún xuống giữa những gốc cây rừng cao to lừng lững như giữa rừng đại ngàn. Bà vào tận giữa rừng để chăm lo cho những con khỉ còn yếu thế, chưa dám xông ra cạnh tranh với bầy đàn hoang dã giữa rừng sâu.
NGUYỄN