Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vật tư nông nghiệp tăng giá, nông dân đối diện nguy cơ sản xuất thua lỗ
Chủ nhật: 23:56 ngày 14/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá lúa giảm mạnh, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn về đầu ra, nông dân sản xuất đối diện nguy cơ thua lỗ.

Vào vụ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh trên cả nước gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Trong đó, ngành sản xuất nông nghiệp đã và đang trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn khi giá các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao.

Ông N, chủ một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã An Cơ, huyện Châu Thành cho biết, giá phân bón bắt đầu tăng từ cuối năm 2020. Nếu như trước đây giá ure Phú Mỹ chỉ khoảng 375.000 đồng/bao thì nay đã có giá trên 860.000 đồng/bao, tăng 2,5 lần; DAP có giá trên 1,3 triệu đồng/bao (50kg), so cùng kỳ năm ngoái chỉ có 680 ngàn đồng; những loại khác cũng tăng giá gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật “leo thang” chưa từng có, nhất là những loại thuốc phổ biến được nông dân sử dụng nhiều có giá tăng gấp đôi so với trước.

Còn theo chủ một đại lý phân bón tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, đến ngày 13.11.2021, giá một số loại phân bón tại đại lý của bà như sau: Ure Phú Mỹ 860.000 đồng/bao; 16-16-8 Phú Mỹ 685.000 đồng/bao, Kali clorua nội địa gần 600.000 đồng/bao… So với cùng kỳ năm ngoái, giá các loại phân bón đều tăng từ 80% trở lên, trong đó, tăng cao nhất là Ure- hơn 125%, DAP tăng 150%.

Theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, giá các mặt hàng phân bón bắt đầu nhích dần từ đầu tháng 10.2020 (đầu vụ Đông Xuân năm 2020-2021) và tăng mạnh từ tháng 3.2021 đến nay. Giá phân bón tại các đại lý liên tục điều chỉnh tăng, trung bình khoảng 15 ngày sẽ có một giá mới, cao hơn giá cũ từ 10.000 đồng đến hơn 30.000 đồng/bao. Một số loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong canh tác như thuốc diệt mầm, trừ sâu, trừ cỏ đều có sự điều chỉnh giá tăng hơn 50% so với trước đây.

Nông dân lo thua lỗ

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết vụ Hè Thu, triển khai kế hoạch vụ Thu Đông và vụ Mùa năm 2021 ở khu vực Nam bộ diễn ra vào tháng 8 vừa qua, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) tính toán, vụ Hè Thu, chi phí phân bón chiếm 22% trên tổng chi phí sản xuất lúa; chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 16%. Như vậy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa (chi phí này còn thay đổi tuỳ vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của mỗi địa phương khác nhau). Khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao sẽ làm giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội lên đáng kể, chiếm hết lợi nhuận của người nông dân. Người trồng lúa càng lao đao hơn vì hiện nay, giá lúa đã giảm sâu, dao động từ 4.500 đồng đến hơn 5.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 1.000 đồng/kg.

Vài ngày tới, khi nước bắt đầu rút, ông Dương Văn Trai (ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành) và nhiều nông dân xung quanh dọn ruộng chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022. Tuy nhiên, theo ông, giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng quá cao, còn giá lúa vẫn ở mức thấp, nếu xuống giống thì nông dân sẽ không có lời.

Ông Nguyễn Văn Lèo, ngụ ấp Xóm Ruộng cho biết, vụ lúa Đông Xuân hằng năm, nông dân rất nhẹ về chi phí vật tư nông nghiệp do đất có phù sa sau lũ và ít sâu bệnh hại vì ngắt vụ, năng suất lại cao hơn các vụ khác trong năm. Tuy nhiên, vụ lúa Đông Xuân sắp tới, nếu giá lúa không tăng mà giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay thì ông và các hộ nông dân khác có nguy cơ lỗ vốn.

Ông Quốc, nông dân tại ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành nhẩm tính, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu tư sản xuất cho 1 ha lúa vụ Đông Xuân thường dao động khoảng 10-12 triệu đồng, nay sẽ tăng gần 20 triệu đồng, cộng thêm các loại chi phí máy móc làm đất gieo sạ, thu hoạch và vận chuyển thì tổng mức đầu tư của người nông dân phải lên đến gần 30 triệu đồng. Với giá lúa chỉ hơn 5.000 đồng/kg như hiện nay, nếu trúng mùa, sau 3 tháng nữa ông chỉ lời chưa đầy 3 triệu đồng/ha.

Một nông dân tại ấp Bưng Rò, xã Hoà Hội, huyện Châu Thành chia sẻ, cách nay hai ngày, anh có ra cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp gần chợ Bến Sỏi mua thuốc với phân bón cho gần 2 ha lúa, nghe chủ cửa hàng báo giá, anh giật mình vì giá phân bón tiếp tục lên mấy chục ngàn đồng một bao (tuỳ loại). "Với giá phân bón như hiện nay, có khi bỏ ruộng còn khoẻ hơn, chứ làm ròng rã mấy tháng trời, bán lúa xong còn lỗ mấy triệu đồng"- người này than thở.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, tiết kiệm chi phí đầu tư

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giá cả vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật- BVTV) đồng loạt tăng do giá nguyên liệu sản xuất cùng chi phí vận chuyển tăng, nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, gây nhiều khó khăn cho người nông dân.

Từ đầu năm đến nay, có 69 cơ sở kinh doanh phân bón được Sở NN&PTNT kiểm tra về điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm. Qua kiểm tra, các cơ sở đều chấp hành tốt quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh phân bón, có niêm yết giá đầy đủ, chưa có trường hợp nào bị xử lý liên quan đến việc niêm yết không đúng giá. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện và xử lý 11 trường hợp bán phân bón giả, với tổng số tiền phạt nộp ngân sách là 214 triệu đồng.

Trước tình hình giá các loại vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao như hiện nay, theo ông Nguyễn Đình Xuân, trong khi chờ đợi các ngành chức năng có chính sách, giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp cũng như giải pháp tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nông dân cần chú ý áp dụng các tiến bộ trong sản xuất theo hướng giảm phân bón hoá học, tăng cường phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu - tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả); “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng; giảm lượng hạt giống gieo trồng, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch).

Bên cạnh đó, để kéo giảm chi phí sản xuất, trước khi gieo sạ, nông dân nên bón lót phân lân hoặc dùng các phân hữu cơ, chế phẩm sinh học khác thay thế phân bón hoá học, bón phân cân đối, đúng giai đoạn sinh trưởng, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết hoặc dịch hại phát sinh phổ biến trên diện rộng.

Đối với các ruộng lúa đến thời kỳ thu hoạch, khẩn trương thu hoạch nhanh gọn, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, xác định đúng độ chính để bảo đảm chất lượng và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Đối với cây mì cần sử dụng giống sạch bệnh và quản lý tốt bọ phấn trắng ở giai đoạn đầu vụ; tăng cường kiểm tra đồng ruộng ngay từ đầu vụ để phát hiện sớm, tạo điều kiện kiểm soát sâu keo mùa thu gây hại đối với cây bắp, tránh thiệt hại cuối vụ; áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi của khí hậu.

Giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh thật sự là một gánh nặng lớn đối với nông dân trồng lúa nói riêng và bà con sản xuất nông nghiệp nói chung. Bởi chi phí đầu tư sẽ tăng nhiều hơn, còn giá lúa ngày một giảm.

Cụ thể như vụ Đông Xuân 2020-2021 vừa qua, giá lúa có lúc đã hơn 7.000 đồng/kg thì nay đã giảm xuống còn 5.000-5.200 đồng/kg (tuỳ giống). Ngoài chi phí vật tư nông nghiệp tăng thì nông dân sản xuất vụ lúa Thu Đông còn phải tốn thêm nhiều khoản chi phí khác do canh tác trong điều kiện thời tiết bất lợi. Do đó, nếu giá lúa không được cải thiện hơn trong thời gian tới thì nông dân trồng lúa rất khó kiếm được lợi nhuận.

Minh Dương

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nông dân cần áp dụng các tiến bộ trong sản xuất theo hướng giảm phân bón hoá học, tăng cường phân bón hữu cơ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu - tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả); “1 phải, 5 giảm”...

Tin cùng chuyên mục