Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đình làng Hoài Thượng, xã Liên Bão (Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, nơi thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo”-một danh nhân nổi tiếng của dân tộc, làm đến chức Tể tướng và thờ tam vị đông quân: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam-những vị tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh giặc giữ nước.
Đình làng Hoài Thượng là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời Lê được chạm khắc, đắp vẽ tinh xảo. Trong đình lưu giữ nhiều cổ vật, tài liệu quý như: Thần tích, sắc phong, ngai thờ, sập thờ, kiệu bát cống, câu đối, hoành phi…
Đặc biệt tại đình còn bảo lưu được nhiều di bút thơ văn của “Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo” trong văn tế, hoành phi, câu đối...
Theo sử liệu, Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) người thôn Hoài Thượng, tên nôm “Bịu Thượng”. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học khoa bảng. Cha là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, bác ruột là Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, em ruột Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân.
Nguyễn Đăng Đạo là người đã chiếm bảng Khôi Nguyên (Trạng nguyên) khoa thi năm Quý Hợi (1683) niên hiệu Chính Hòa thứ tư đời vua Lê Hy Tông. Sau khi đỗ Trạng nguyên ông vào làm ở tòa Đông Các, vì nổi tiếng thơ văn nên được bổ vào làm ở Hàn Lâm Viện. Những năm sau đó, Nguyễn Đăng Đạo tiến nhanh trên con đường quan lộ, ông được thăng các chức vụ: Lại Bộ Hữu Thị Lang, Đô Ngự Sử, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, sau làm đến Thượng thư Bộ Lại, Bộ Binh kiêm Bồi tụng rồi phong đến chức Tể tướng triều đình.
Nguyễn Đăng Đạo là quan đầu triều trải qua nhiều chức quan trọng và được tôn vinh là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà ngoại giao... Cuộc đời làm quan của ông đã hết lòng vì dân vì nước được sử sách lưu danh, dân gian truyền tụng ca ngợi và còn để lại nhiều giai thoại nổi tiếng.
Truyền rằng, ông đi sứ sang nhà Thanh, với tài ngoại giao kiệt xuất, sự uyên bác về văn chương, thơ phú, khiến triều đình nhà Thanh phải kính phục tôn vinh là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Ông mất ngày 28-2 năm Kỷ Hợi (1719), được vua Lê Dụ Tông tặng 4 chữ vàng “Lưỡng quốc Trạng nguyên” treo tại đền thờ ông cách đình làng vài trăm mét.
Với quê hương, “Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo” là người có nhiều công lao với làng xã như: khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, làm cầu đường, khuyến học, trùng tu đình chùa, làm thơ, viết chữ treo ở đình chùa nhằm giáo hóa người dân sống theo thuần phong mỹ tục...
Ông Nguyễn Văn Kháng, 77 tuổi, thủ từ đình làng Hoài Thượng cho biết: Theo truyền lại của các cụ xưa thì “Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo” làm tới chức Tể tướng Thượng thư nhưng ông thường xuyên quan tâm đến đời sống dân chúng. Những dịp từ triều đình về quê, ông thăm hỏi khuyến khích việc học hành của dân quanh vùng.
Nhân dân làng Hoài Thượng vẫn còn nhớ câu chuyện chia ruộng vua ban cho dân xưa kia. Ông xin lĩnh khu ruộng bỏ hoang đầy lau lách và cỏ dại, xấu nhất gọi là cánh đồng cầu Vực. Sau đó, ông cho các gia đình nghèo khó ra đó phát cỏ, cải tạo để làm thành ruộng cày cấy được. Khi trở thành khoảnh ruộng tốt, ông chia hẳn cho các gia đình...
Cổng đình thôn Hoài Thượng, Liên Bảo (Tiên Du) được nhân dân đóng góp tu bổ, tôn tạo. |
Nhân dân quanh vùng còn nhớ ơn Nguyễn Đăng Đạo cứu đói cho dân vào một năm trời làm mất mùa, dân chúng quê ông đói khổ, làng xóm tiêu điều. Thấy vậy ông liền viết thư về khuyên phu nhân phát tiền, gạo cứu giúp người nghèo đói, với lời lẽ cảm động và tình thương dân sâu nặng của vị quan đại thần: “Ta thân danh làm quan đại thần coi việc triều đình không nỡ ngồi nhìn nhân dân ta đói mà không xót thương, phu nhân hãy đem tiền, thóc của nhà ra mà cứu đói, cấp thóc cho dân gieo mạ cấy tái giá”. Nhờ đó mà dân địa phương vượt được bước khó khăn, làm vụ sau bội thu.
Hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, dân làng thôn Hoài Thượng lại tưng bừng tổ chức hội làng nhằm tri ân tới 3 vị tướng quân và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo để gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa quê hương, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về sự hiếu học của “Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo” để giúp ích cho dân cho nước.
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với nghi thức rước và tế lễ. Phần hội diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, đập niêu, chọi gà, hát Quan họ trên thuyền… tạo không khí vui tươi cho nhân dân trong những ngày hội xuân.
Trải qua chiến tranh và sự tàn phá của thiên tai, đình Hoài Thượng không còn được nguyên xưa. Đến nay nhân dân địa phương đã góp công, góp của tu bổ, tôn tạo ngôi đình làng ngày một uy nghiêm. Đây là cách tri ân của hậu thế với các bậc tiền nhân, vừa là nơi giáo dục truyền thống hiếu học khoa bảng cho thế hệ trẻ quê hương, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa của dân tộc.
Theo Báo Bắc Ninh