Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn
Về đồng ăn cua…
Thứ bảy: 13:28 ngày 21/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hồi đó, cua nhiều dễ bắt, anh em tôi chịu khó dang nắng vài tiếng đồng hồ là bắt đầy đụt cua. Bắt cua về, chị tôi rửa sạch, để nguyên con như vậy cho vào nồi luộc. Luộc xong anh chị em chúng tôi quây quần bên thau cua nóng bẻ càng, bẻ thân cua làm đôi chấm muối tiêu ăn ngon lành.

Hồi nhỏ, mỗi khi đi bắt cua, anh em tôi và bọn trẻ trong xóm hay nghêu ngao mấy câu: “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng, về sông ăn cá về đồng ăn cua”, “Bắt cua làm mắm cho chua. Gởi về quê nội khỏi mua tốn tiền!” hay “Con cua tám cẳng, hai càng; chẳng đi mà lại bò ngang ngoài đồng...”. Quê tôi, hồi ấy là  một làng thuần nông, lại vừa tiếp giáp với sông nên bữa cơm luôn có cá, cua làm món ăn, miễn là siêng năng ra sông, ra đồng đánh bắt.

Trước kia, vùng gò đồng quê tôi vào mùa nắng bà con trồng đồ hàng bông, hoặc tỉa đậu, trồng bắp. Đến mùa mưa, hầu hết cánh đồng được cày, bừa cấy lúa mùa. Giữa tháng tám âm lịch, mưa nhiều, những đám ruộng gò đồng lắp xắp nước, lúa bén gặp nước mưa, ăn phân và bắt đầu nở bụi. Đây cũng là thời điểm cá, ếch... mà nhiều nhất là cua đồng tập trung lên các đám ruộng gò tìm thức ăn, làm tổ đẻ con duy trì nòi giống...

Gần giống như ếch, cua đồng có thể sống dưới nước, cũng có thể tạm trú một thời gian trên gò khô cạn. Nhưng cái giống tám cẳng, hai càng này hơn ếch là biết đào hang sâu trú ẩn. Chúng đào hang dọc theo bờ ruộng. Có lúc chủ ruộng phải sợ đám cua đồng, vì chúng đào hang làm cho bờ ruộng có lỗ lồng, nước chảy theo lỗ lồng cạn ruộng. Chúng cũng hay cắn phá lúa non. Vì vậy, chẳng những không rầy la người đi bắt cua, chủ ruộng còn khuyến khích, chỉ nơi nhiều cua cho người đi bắt.

Để cải thiện bữa ăn hằng ngày, những ngày nắng nóng, anh em tôi không đi ra bưng câu cá mà thường lên đồng bắt cua. Dụng cụ bắt cua là một cây móc và cái đụt đựng cua. Cây móc được làm bằng cây sắt nhỏ (kèo dù, hoặc căm xe đạp) mài nhọn một đầu và uốn cong như cái lưỡi câu lớn. Cái móc này được cột chặt vào một thân cây mây rừng nhỏ, dài chừng một thước. Cây mây này mềm mại và có thể uốn lượn quanh co theo hang cua.

Trưa nắng, nước dưới ruộng nóng, cua lớn, cua nhỏ đều rút vô bờ trú ngụ. Chúng tôi chỉ ngồi trên bờ mò tay xuống nước bắt cua. Cua nhỏ, cua lột thường núp dưới các bụi cỏ dưới chân bờ, chỉ cần mò tay xuống là bắt được. Còn cua lớn thì rút vô hang. Khi mò đụng miệng hang cua ở dưới nước, chúng tôi thọc tay vào hang bắt cua ra. Cái loại “càng lớn, càng nhỏ” này cũng chẳng vừa đâu.

Thọc tay vào mà không khéo, không đề phòng là bị chúng kẹp đứt tay chứ chẳng chơi. Đó là những hang cạn, ngập nước (hang ngập nước thường không có rắn chui vào). Có những con cua đực, già đời, giàu kinh nghiệm sống, chúng đào hang thật sâu, mà cánh tay bọn nhỏ chúng tôi không thể thọc đến. Đối với những cái hang này, chúng tôi phải dùng móc sắt thọc sâu vào mà móc cua lôi ra. Ngoài ra còn có những hang cua làm trên gò, không ngập nước.

Để tránh sự nguy hiểm từ loài bò sát không chân xâm nhập gia cư nhà cua bất hợp pháp, những hang trên gò dù sâu hay cạn, chúng tôi cũng dùng móc sắt bắt cua.  Tuy tuổi nhỏ, chúng tôi cũng có ý thức bảo vệ môi trường, không bắt cua theo lối huỷ diệt. Cụ thể khi mò trúng cua nhỏ (cỡ ngón tay cái) chúng tôi không bắt. Còn khi bắt được những con cua cái mà trong yếm mang đầy cua con, chúng tôi tìm chỗ nước sâu thả cua cái xuống để chúng nuôi con.

Hồi đó, cua nhiều dễ bắt, anh em tôi chịu khó dang nắng vài tiếng đồng hồ là bắt đầy đụt cua. Bắt cua về, chị tôi rửa sạch, để nguyên con như vậy cho vào nồi luộc. Luộc xong anh chị em chúng tôi quây quần bên thau cua nóng bẻ càng, bẻ thân cua làm đôi chấm muối tiêu ăn ngon lành. Cũng có khi chị “đổi bữa” bằng cách rửa sạch cua, rồi lột mu, lột yếm và cho vào cối giã nát ra nấu cháo. Khi thì chị làm sạch cua, nấu canh chua ăn bữa cơm chiều...

Đã lâu lắm rồi anh chị em tôi không còn quây quần bên nhau với thau cua luộc, chén muối tiêu; cũng chẳng được chụm đầu bên nhau xì xụp húp chén cháo cua nóng hổi, béo ngậy, thơm lừng; và tất nhiên cũng không còn được thưởng thức món canh chua cua chị nấu, từ những con cua đồng do chính anh em tôi bắt nữa... Anh chị em tôi bây giờ đều bận lo toan công việc của gia đình, với đàn con, đám cháu của mình.

Hơn thế, vùng ruộng gò trên cánh đồng quê tôi nay không còn ai cấy lúa vào mùa mưa nữa. Có người chuyển qua làm vườn, có người xây dựng nhà cửa, cũng có người sang bán cho nhà đầu tư xây dựng công ty, xí nghiệp. Trẻ em ở quê tôi giờ đâu còn chỗ đi bắt cua, nên cũng không còn nghêu ngao hát câu về đồng ăn cua.

T.L­

Tin cùng chuyên mục