Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về hai địa danh Quang Hoá, Quang Phong
Thứ tư: 09:38 ngày 13/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sử sách viết về Tây Ninh, kể cả các loại địa chí, sử ký, điền dã thường nhắc đến 2 địa danh xưa trên đất Tây Ninh, đó là Quang Phong, Quang Hoá. Tuy vậy, đối chiếu các sách này với nhau về hai địa danh này vẫn còn có những quan điểm khác nhau.

Bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ năm 1838 vẫn còn tên Quang Phong trên vùng đất Tây Ninh.

Địa chí Tây Ninh, do UBND tỉnh chủ trì xuất bản năm 2006 trong chương III- Các đơn vị hành chính, có đoạn: “Đất Tây Ninh thuở ấy (1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu thiết lập bộ máy hành chính ở phương Nam) gồm 2 đạo Quang Phong và Quang Hoá thuộc huyện Phước Long. Năm 1779, sau khi tu định đồ mới trả lại Quang Phong và Quang Hoá về huyện Tân Bình…”.

Như vậy, đất Tây Ninh hiện nay từng là 2 đạo Quang Phong và Quang Hoá thời triều Nguyễn. Có cùng quan điểm này là các sách xuất bản sau đó, kể cả cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005). Đặc biệt là sách Trảng Bàng phương chí của Vương Công Đức (NXB Tri Thức, 2004) còn mô tả rất kỹ về khái niệm “Đạo” lẫn vị trí của hai đạo kể trên.

Đấy là ở chương 4- Trảng Bàng giai đoạn 1698-1859. Trong đó, tác giả giải thích: “Đạo, đứng đầu là Quản thủ đạo, chỉ lập ở khu vực biên cương hay vùng đất mới chiếm được”. Và: “Thời nhà Nguyễn, có khá nhiều “đạo” ở miền Nam, ví dụ gần trấn Gia Định ở phía Tây thì có đạo Quang Uy (hay Quang Oai), tức vùng Hốc Môn, Củ Chi ngày nay; kế đến là đạo Quang Hoá; phía bắc đạo Quang Hoá là đạo Quang Phong (vùng trung tâm núi Bà Đen)…”.

Về vị trí đạo Quang Hoá trong bản đồ hành chính tỉnh hiện nay, tác giả Vương Công Đức cho rằng: “Về mặt địa lý, đạo Quang Hoá thời phủ Gia Định… bao gồm toàn bộ lưu vực sông Quang Hoá mà ngày nay đã được chia tách thành các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, một phần lớn huyện Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh, kể cả một phần phía tây bắc tỉnh Long An và toàn bộ khu vực Mỏ Vẹt nay thuộc tỉnh Sveyriêng của Campuchia.

Trong đó khu vực đầu não, nơi Quản đạo đóng quân vào cuối thế kỷ 18 được đặt ở bảo Quang Hoá, thôn Cẩm Giang…”. Thôn Cẩm Giang nay thuộc huyện Gò Dầu, và thành bảo ấy vẫn còn được một đoạn  thành đất đắp, chính là nơi có ngôi dinh thờ “Quan lớn Đại thần Huỳnh Công Thắng”.

Nhiều người Tây Ninh đã biết đến dinh thờ này cùng với đôi câu ca dao: “Dù ai xuôi ngược bộn bề/ Tháng tư mùng sáu nhớ về Cẩm Giang”. Về để dự đám giỗ một vị quan từng trấn thủ ngôi thành bảo Quang Hoá đã chiến đấu bảo vệ dân, được dân suy tôn là “Quan lớn Đại thần”.

Theo các mô tả của Vương Công Đức, phần còn lại gồm các huyện, thành, thị ở Bắc Tây Ninh như thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu đều thuộc về đạo Quang Phong. Theo quan điểm này, vẫn còn một điều chưa ai nhắc tới, đấy là đạo Quang Hoá đã có “khu vực đầu não” đặt ở bảo Quang Hoá. Vậy thì “đạo sở” đạo Quang Phong ở đâu, lại chưa có lời giải đáp.

Quan điểm thứ hai là: hai địa danh Quang Hoá, Quang Phong thực ra chỉ là một mà thôi. Điều này được ghi trong các sách sử Tây Ninh xuất bản từ năm 2000 trở về trước. Như các cuốn Lược sử Tây Ninh (Ban Tổng kết chiến tranh, 1986), Tây Ninh 30 năm Trung dũng kiên cường (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, năm 1990) hay cuốn ký sự lịch sử Ba thế hệ xanh, Một chặng đường (Đoàn TNCS HCM tỉnh Tây Ninh, in năm 1998).

Trong cuốn Lược sử Tây Ninh, trang 15 có đoạn: “Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược đất Chân Lạp và thu phục đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai, làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng Phiên trấn. (Mở rộng thêm 1.000 dặm, dân số hơn 40 ngàn hộ). Lúc này Phiên trấn gồm cả đất Tây Ninh tên là đạo Quang Phong trong phủ Gia Định…”.

Cả ba cuốn sách kể trên đều giống nhau ở đoạn nói Tây Ninh nay chính là đạo Quang Phong thời trước. Và cũng cùng sai ở một chi tiết là lập phủ Tây Ninh vào năm 1838 (Minh Mạng thứ 19). Chi tiết sai này có nguồn gốc từ một đoạn sách Đại Nam nhất thống chí in hay đã dịch sai, trong khi sử liệu đúng và chính thức là vào năm 1836 (Minh Mạng thứ 17).

Như vậy rõ ràng đã có 2 quan điểm về các địa danh Quang Phong và Quang Hoá. Vậy cũng nên truy tìm để xác định quan điểm nào là vững chắc, và đúng hơn.

Trước tiên, cần tham khảo các tư liệu có liên quan trong sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Đoạn viết về phủ Tây Ninh khi mới thành lập (trang 206) có câu: “Nguyên trước là đạo Quang Phong”. Đoạn viết về huyện Tân Ninh (trang 206, 207) cũng có câu: “Bản triều đầu đời Trung Hưng (ý nói thời chúa Nguyễn Ánh) đặt đạo Quang Phong ở cửa sông Xỉ Khê, năm Minh Mạng thứ 17 đổi đặt tên huyện hiện nay (Tân Ninh), thuộc phủ Tây Ninh kiêm lý”.

Đến mục “huyện Quang Hoá”, sách viết: “Hồi đầu bản triều, đặt đạo Quang Phong ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đắp bảo gọi là bảo Quang Hoá, năm thứ 17 bỏ đạo, đặt tên huyện hiện nay (Quang Hoá), thuộc phủ Tây Ninh thống hạt…”.

Như vậy ở cả ba mục kể đến các phủ huyện trên đất Tây Ninh ngày nay đều thống nhất một ý chính là: đất phủ Tây Ninh xưa (thời chúa Nguyễn- đầu bản triều) chỉ thuộc về một đạo Quang Phong. Địa danh Quang Hoá xuất hiện cũng từ đây, nhưng một là tên thành, một là tên huyện. Điều khiến người đọc còn thắc mắc chính là vị trí “đặt đạo Quang Phong”.

Mục huyện Tân Ninh viết là “ở cửa sông Xỉ Khê”; còn mục huyện Quang Hoá lại là: “ở địa phận thôn Cẩm Giang”. Sông Xỉ Khê chính là rạch Tây Ninh hiện nay. Cửa sông Xỉ Khê là ở giữa xã Thanh Điền, Châu Thành và xã Long Thành Nam của thị xã Hoà Thành. Nếu hiểu nơi “đặt đạo Quang Phong” là đạo sở (trụ sở của quan Quản thủ) thì vẫn không thể hiểu vì sao, cùng một đạo Quang Phong mà vừa đặt tại “thôn Cẩm Giang”, vừa đặt tại “cửa sông Xỉ Khê”. Hai địa điểm này cách nhau 24 dặm rưỡi theo sông Vàm Cỏ Đông, bằng 14km.

Vào năm 2001, Tạp chí Xưa Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có ra số 96- chuyên đề vùng đất Tây Ninh. Tại đây, các nhà nghiên cứu Nam bộ Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư đều có các bài viết quan trọng.

Bài Tây Ninh xưa và nay của Nguyễn Đình Tư có đoạn: “Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779), sau khi khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên trấn. Đạo sở đạt tại Cẩm Giang…”.

Ông cũng giải thích thêm là: “các thôn của đạo Quang Phong (như Cẩm Giang Tây, Thanh Phước, Bình Tịnh…) được đặt thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Đạo chỉ còn phụ trách về an ninh quốc phòng…”. Về địa danh Quang Hoá, ông cũng cho biết: “Nguyên trước kia vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) có đắp đồn luỹ cho đạo Quang Phong gọi là bảo Quang Hoá. Năm thứ 17 bỏ đạo lập phủ, lập huyện ở đây gọi là huyện Quang Hoá, trực thuộc phủ Tây Ninh, lãnh 4 tổng 36 xã thôn”.

Đến đây, thì mọi chuyện dường như đã rõ ràng.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục