Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về Hưng Thuận
Chủ nhật: 19:03 ngày 20/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hưng Thuận là xã “cực Ðông” của thị xã Trảng Bàng, có vị trí gần giống một “ngã ba biên giới”. Phía Nam là các xã Trung Lập Thượng và Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Bên kia sông là các xã Thanh An, Thanh Tuyền của huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.

Trong xưởng gốm.

Lần này về Hưng Thuận, tôi đã phải chọn một con đường ngắn nhất để có thể từ thành phố Tây Ninh tới ấp Bùng Binh trong khoảng 1 giờ. Tôi đã “lỡ hẹn” với Bí thư Ðảng uỷ xã Phạm Văn Ram sẽ có mặt lúc 8 giờ. Tôi hân hạnh được biết anh khi anh còn là Trưởng Phòng Văn hoá - Thể thao huyện Trảng Bàng, khi huyện chưa được nâng cấp lên thành thị xã.

Tuyến đường ngắn nhất, mà có thể còn là đẹp nhất ấy như sau: từ thành phố Tây Ninh, theo đường 781 ra cầu kênh K13, rồi theo đường 784 hướng Trảng Bàng mà thẳng tới. Ðến ngã ba Bàu Ðồn quẹo trái, chỉ hai cây số rưỡi là tới kênh Ðông. Từ đây cứ theo đường bờ kênh Ðông sẽ gặp tỉnh lộ 6 nối thị xã Trảng Bàng với Bùng Binh, Hưng Thuận. Qua cầu kênh là đã thấy ngay cổng chào xã Hưng Thuận nghiêm trang đứng đón khách đi vào.

Thêm một lần tôi có cớ để cảm tạ kênh Ðông. Ðấy là dòng kênh không chỉ luôn tràn trề đưa nước Lòng hồ về thấm nhuần khắp đất đai Tây Ninh và các tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho ta một cung đường đi thẳng về miền xa thẳm ngày kháng chiến nữa. Ðấy là miền vang lên những địa danh lừng lẫy và bất khuất, những Sóc Lào, Bà Nhã, Trảng Cỏ, Trảng Sa, Ðôn Thuận, Cầu Xe…

Ði trên bờ kênh từ Bàu Ðồn trở vào chính là ta đang đi qua giữa Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại. Bởi nhìn chếch từ bờ bên này thuộc ấp 2 Bàu Ðồn đã thấy ở bờ kia một ngôi thánh thất Cao Ðài, đấy đã thuộc về ấp Thuận Lợi của xã Ðôn Thuận.

Tiếp theo sẽ tới những miền quê đầy ắp màu xanh như Trảng Cỏ, Sóc Lào, Bà Nhã, Cầu Xe… Vậy mà tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Về nhà, giở những ảnh cũ các chuyến đi trước ra, mới nhớ. Ðấy là màu hoa cỏ hôi phớt tím rập rờn bên ta-luy kênh Ðông.

Và sau đó còn là mênh mông màu xanh lúa chạy dài ra đến chân trời phía Ðông- phía bờ sông Sài Gòn. Ðấy là ở chuyến đi vào khoảng tháng 5, còn nay đã tháng 9 rồi, lúa Hè Thu đã gặt hái xong. Vậy nên chỉ còn lại màu xanh đậm đà của những vườn cao su, cây trái.

Ðầu tháng 9, cơn hạn Bà Chằn vừa đi qua, nhưng trời vẫn còn chang nắng. Chỉ có đi đường bờ kênh mới được đi dưới những rặng tràm bông vàng râm mát. Và trước mắt tôi luôn luênh loang cả hai bầu trời xanh rạng ngời mây trắng. Một bầu trời nằm trong dòng sóng sánh nước kênh Ðông.

Xuyên qua Bời Lời, có chỗ dòng kênh như bay lên khỏi cánh đồng, ruộng vườn nhà cửa. Thì lại có một nơi có một cây cầu bê tông lực lưỡng cao như bay lên khỏi mặt dòng kênh. Ðấy là đường Hồ Chí Minh, vừa vượt sông Sài Gòn từ Bình Dương đi sang để băng qua đất Trảng Bàng mà đến tận miền Tây Nam bộ. Ðến nơi có cây cầu vượt ấy chính là ta đã vào địa bàn Hưng Thuận- xã được tách ra từ Ðôn Thuận và Lộc Hưng vào năm 2004.

Hưng Thuận là xã “cực Ðông” của thị xã Trảng Bàng, có vị trí gần giống một “ngã ba biên giới”. Phía Nam là các xã Trung Lập Thượng và Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Bên kia sông là các xã Thanh An, Thanh Tuyền của huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.

Nơi, như người ta nói thì một con gà gáy cả ba tỉnh đều nghe tiếng. Ðặc biệt, cách khoảng 10km là khu di tích nổi tiếng Bến Dược, khi chưa có dịch Covid-19 thì tấp nập du khách tham quan. Trong khi ở Hưng Thuận và Ðôn Thuận cũng thuộc vùng “Tam giác sắt” lại chỉ có rừng cây hai bên con đường 789 gập ghềnh, hoang vắng. Ðấy là chuyện của vài năm trước. Còn ngày nay? Bí thư Phạm Văn Ram bảo:- Ðể tôi đưa các anh đến vài nơi chưa từng có xưa nay trên vùng đất có vẻ còn heo hút này đây.

Ðiểm đến đầu tiên là Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh (xin gọi tắt AA). Một khu nhà xưởng san sát nhau ở bên đường thuộc ấp Bùng Binh. Tôi đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi bước vào một không gian nhà xưởng mênh mông.

Ánh sáng chan hoà chảy từ những vệt mái kính chạy xuôi theo dốc mái. Toàn cột giữa cao lênh khênh, giàn mái thép chạy dài tít tắp. Kệ giá hàng hoá cũng to đùng, những đường ray treo trên cao rực rỡ màu xanh dương hay đỏ chót.

Những bàn làm việc của công nhân như lọt thỏm giữa không gian. Từ tầng lầu nơi có các bộ phận văn phòng điều hành, thấy có những phòng cả vài chục người đang cắm cúi trên màn hình máy tính. Còn dưới các phân xưởng là những tốp công nhân đang điều khiển máy hoặc gia công trên các dãy bàn.

Những cô gái nơi đây cũng thành thạo cầm đục, cầm chàng. Nhiều cỗ máy có người điều khiển. Nhưng thú vị, lạ mắt nhất vẫn là các cỗ máy lớn tự động thao tác mà không có ai ở bên. Cần máy cứ tự động trượt dọc trượt ngang, hay lên xuống đưa mũi thép đục, gọt, xoáy chính xác trên từng chi tiết của một sản phẩm gỗ phức tạp cầu kỳ nào đó. Tuy vậy, cũng có chỗ phải làm bằng bàn tay thợ. Như ở công đoạn dán các tấm vân gỗ lên một mặt bàn…

Nghe các anh chị đi cùng giới thiệu, mới biết AA là công ty chuyên sản xuất đồ gỗ và vật liệu trang trí nội thất cao cấp. Công ty Việt Nam trăm phần trăm. Dù mới về Hưng Thuận từ năm 2019 mà tới nay đã có hàng chục dãy nhà xưởng của giai đoạn 1 đi vào sản xuất.

Giai đoạn này mới sử dụng 50 ha đất với khoảng 700 lao động. Do dịch Covid- 19 mà phải giãn cách xã hội, nay chỉ còn 400 công nhân làm việc. Tương lai ư? Công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô lên vài trăm ha, với công nhân khoảng 3-4 ngàn người.

Ðiểm thứ hai là nhà máy của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Danh ở ấp Lộc Trung, chuyên sản xuất các sản phẩm cao su, nhựa phụ trợ cho các ngành công nghiệp trong và ngoài nước. Nói cho dễ hiểu thì chuyên làm các loại gioăng (Joint), từ cửa kính các công trình kiến trúc đến kính cửa ô tô, cao su phụ tùng chi tiết máy và các loại sản phẩm nhựa kỹ thuật.

Toàn những món nho nhỏ thôi, nhưng không thể thiếu của các ngành công nghiệp mũi nhọn ngày nay. Vì thế, nhà máy đã được xây dựng ở Hưng Thuận từ năm 2011, đến nay vẫn tiếp tục ổn định với khoảng 100 công nhân và ngày càng đổi mới hiện đại về trang thiết bị. Nhà xưởng không được cao ráo rộng rãi như bên AA, nhưng công nhân lại có vẻ gần gũi nhau hơn, ấm áp, thân tình.

Kênh Ðông chạy qua Căn cứ địa Bời Lời.

Thực ra, đã có các nhà đầu tư đến Hưng Thuận từ rất sớm. Như công ty nuôi và chế biến cá với 18 ha ven sông Sài Gòn. Và, bản thân người Hưng Thuận cũng tự nỗ lực sáng tạo nhiều cách thức làm ăn như nuôi gia súc, gia cầm.

Hiện xã có 5 trang trại bò sữa, 2 trang trại nuôi cá ba sa, rô đồng và cả trại nuôi cá sấu… Ði dọc kênh Ðông, có thể thấy những đàn vịt bơi trắng những cánh đồng. Hưng Thuận vừa được ngành chức năng thẩm định, để có kết quả là đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Miền đất giữa sông Sài Gòn và kênh Ðông không chỉ là thế mạnh về nông nghiệp, mà còn hứa hẹn sự phát triển công nghiệp và dịch vụ mạnh mẽ một ngày không xa nữa.

Nhưng, điều tôi thích thú nhất là được đến thăm xưởng gốm của anh Võ Văn Việt. Chao ôi! Cả một thế giới gốm như được quy tụ về đây. Ðủ các kiểu lu hũ, chum vại các màu men thâm trầm hay rực rỡ. Từ gốm men nâu như ở Bát Tràng hay Phù Lãng cho đến gốm hồng, gốm đỏ đã từng nổi danh đâu đó ở Bình Dương hay ở Vĩnh Long.

Tôi phát hiện ra trước ngôi nhà rất dân dã nhưng kiểu cách của anh một cặp voi và một đôi sư tử. Thì ra đấy cũng là tác phẩm của anh tự trang trí cho nhà mình. Ðôi sư tử này có dáng vẻ giống như con nghê từng có trong lịch sử xa xưa của người Việt.

Trong khi đa số sư tử bày ở các nhà dân, hay chùa chiền đền miếu lại tự đánh mất mình đi để trở thành xa lạ thì ở đây giống loài nghê gốm đã hồi sinh. Thì ra đã có một tâm hồn nghệ sĩ say mê tái sinh những sản phẩm thuần tuý Việt Nam ở miền quê Hưng Thuận. Miền quê đã từng bị huỷ diệt trong bom B52 và chất độc da cam, nay đã và đang hồi sinh mạnh mẽ trên miền đất cực Ðông của thị xã Trảng Bàng.

N.Q.V

Tin cùng chuyên mục