Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về lại Phước Vinh
Thứ bảy: 00:36 ngày 15/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về Phước Vinh, về với một vùng sông nước bao la, vùng phên giậu của Tổ quốc, nơi ấp ôm trong từng tấc đất, từng khúc sông nhiều điều thú vị chưa khám phá hết. Hẹn với Phước Vinh, hẹn với ngã ba Vàm sớm ngày trở lại…

Trên sông Vàm Cỏ Đông- đoạn qua xã Phước Vinh. Ảnh: Đ.H.T

Tôi đến Phước Vinh lần thứ hai. Những hăm hở của chuyến đi lần đầu ba năm về trước vẫn còn nguyên vẹn. Lần đấy, tôi chạy xe máy hơn 60 cây số từ Gò Dầu lên tận Phước Vinh vì muốn tận mắt chứng kiến cột mốc ba (134) nằm ở ngã ba sông biên giới mà thầy Lê Văn Vỹ- Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhắc đến trong chương trình kiến thức quốc phòng năm 2017.

Chuyến đi năm đó không thành vì tôi loay hoay mãi không tìm được đường đến ngã ba sông, ngay cả một số người dân địa phương khi được hỏi vẫn còn chưa biết đến vùng đất đó. Lần trở lại này là cùng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đi thực tế sáu xã của huyện Châu Thành, trong đó có Phước Vinh. Những nuối tiếc về chuyến đi lần đầu làm tôi háo hức muốn trải nghiệm vùng đất có nhiều điều thú vị này.

Phước Vinh có vị trí địa lý đặc biệt. Anh Nguyễn Trọng Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh nói vậy khi cùng đoàn khi xe bắt đầu rẽ từ đường tỉnh 788 vào con hẻm nhỏ để tới bến Bực Lở- một bến phà nhỏ bên dòng Vàm Cỏ Đông nối đôi bờ Phước Vinh - Biên Giới. Đặc biệt là vì chỉ trừ mặt phía Nam giáp xã Hoà Hiệp của huyện Tân Biên, các mặt còn lại của Phước Vinh bao bọc bởi rạch Bến Đá và sông Vàm.

Từ ngã ba Vàm- nơi có hai nhánh sông Suối Mây (sông Cái Bát) như cặp sừng trâu chọi dồn nước vào dòng sông lớn. Cũng từ đây, dòng sông bắt đầu được mang tên Vàm Cỏ Đông với hành trình dài hơn 100 cây số quanh co uốn lượn quanh những xóm làng ở Tây Ninh và Long An, sau đó hợp lưu cùng Vàm Cỏ Tây thành sông Vàm Cỏ, đổ ra biển ở cửa Xoài Rạp.

Từ bến Bực Lở đi lên Vàm Trảng Trâu khoảng 10km đường sông, chiếc phà gỗ chạy bằng máy rơ-le chầm chậm chạy trên sông với tốc độ khoảng 7km/giờ. Đoạn này sông nới rộng ra, xa xa hai bên bờ là những rẫy mì xanh ngút ngàn; cặp hai bờ sông là những cây quen thuộc của hệ sinh thái ven sông như bình bát, lộc vừng khoẻ khoắn; tổ chim dòng dọc treo lủng lẳng trên cành cây như những chiếc giày treo trên cây thông đêm giáng sinh.

Những bông hoa trắng trên những cây dại ban đầu cứ ngỡ là hoa dành dành như đoạn sông Vàm Cỏ Đông ở đoạn Phước Trạch- Gò Dầu, Phước Chỉ- Trảng Bàng, nhưng nhìn kỹ lại thì đây không phải loài thân gỗ. Anh Hiệp nói đang mùa cây lùng trổ bông.

Người dân hai bờ sông thường nhổ cây lùng, tước bỏ những chiếc lá hệt như lá cây bình tinh nhưng nhỏ hơn rồi chẻ thân cây làm sợi lạt cột bánh tét những ngày cận tết. Đoạn sông này hoàn toàn nằm trong địa phận Việt Nam. Bên phải sông là địa phận xã Phước Vinh, bên trái sông là địa phận xã Biên Giới.

Phà qua cầu Phước Trung thuộc tuyến đường tuần tra biên giới, con đường vừa mới hoàn thành nối hai xã Phước Vinh và Biên Giới của huyện Châu Thành làm cho việc tuần tra trở nên thuận tiện hơn. Anh bộ đội Biên phòng đi tuần tra trên cầu nói vọng xuống: tới ngã ba Vàm rồi nếu có rẽ qua nhánh sông thì chỉ đi cặp nửa bờ bên này sông vì nửa bên kia sông thuộc về nước bạn.

Phà rẽ qua nhánh phải lên Đồi Thơ, đoạn này sông hẹp nhìn thấy rõ cảnh vật phía bên đất Campuchia. Những ngôi nhà nhỏ làm từ vật dụng tái chế của người giăng vó trên sông. Hàng cây thốt nốt sừng sững. Những nụ cười hiền hoà của người dân bên đất bạn khi hạ vó thấp xuống để phà đi trên sông. Những chiếc vó to lấp gần kín mặt sông. Nhánh sông này sẽ ngược lên Hoà Hiệp, xa hơn nữa là Cần Đăng - Tân Biên rồi sang tận nguồn bên Campuchia.

Do địa hình giáp sông rạch nên Phước Vinh có nhiều bến phà, bến đò nhỏ thật yên bình nằm ven bờ Vàm Cỏ Đông. Bến phà Cây Ổi nối đôi bờ Phước Vinh - Hoà Thạnh, một bến sông thơ mộng có những cây me tây cổ thụ xoè tán ra mé sông như đang vẫy chào tạm biệt người khách qua sông. Những dây thanh long leo tuốt trên cành cao, thả từng sợi dây lủng lẳng trái chín đỏ mời gọi.

Nhiều người trong đoàn hỏi rằng vì sao đặt tên bến Cây Ổi. Không ai có câu trả lời xác đáng, chỉ biết bến sông thuộc ấp Cây Ổi - xã Hoà Thạnh. Vừa qua, cầu Bến Cây Ổi đã được thông xe, cây cầu dài 238m, rộng 12m, làn đường lưu thông xe 11m nối đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông.

Tôi qua chuyến phà cuối trên bến Cây Ổi, cảm giác vừa mừng vì chiếc cầu mới sẽ giúp cho người dân hai xã qua lại thuận tiện, vừa thương chuyến phà nhỏ đã sắp hoàn thành sứ mệnh trên khúc sông quê này.

Đường vào bến Băng Dung khúc khuỷu, có đoạn là đường đất đỏ, lối xuống bến sông hai bên đường những nếp nhà giản dị có hàng rào dâm bụt đương hoa tô điểm thêm khung cảnh thanh bình bến sông. Tôi chạy vội lên chiếc phà sắp rời bến để hỏi bác tài công vì sao bến sông có tên gọi Băng Dung.

Bác nán lại thêm năm phút bảo rằng tên bến có từ lâu lắm rồi, chỉ nghe ông bà gọi rồi gọi theo. Những cô bác trên phà bảo sang bờ bên kia chụp hình đi, bên đó có nhà cửa ven sông, có cầu ao, có ruộng lúa mênh mông, những đầm bông súng. Anh Hiệp nói, trước đây bến sông này có trồng nhiều cây ô môi, tới mùa hoa nở hồng cả một khúc sông.

Chúng tôi vội vàng lên xe để di chuyển qua bến Bực Lở. Hôm đoàn đến, nơi này trải qua những ngày mưa, gió lớn, lục bình tản đi, dòng sông thông thoáng, phà qua lại giữa hai bờ thật dễ dàng. Đoạn sông này có những tháng mùa nước ròng lục bình ken dày cản trở phương tiện đi lại trên sông.

Anh Hiệp nhắc lại chuyện ngày trước khúc sông này từng có những người nuôi cá lăng bè nhưng sau một vụ nước ô nhiễm không tìm được chủ nguồn thải, những người nông dân tảo tần hôm sớm lâm vào cảnh túng bấn nợ nần với số tiền mất trắng do cá chết hàng loạt khoảng 13 tỷ đồng…

Và còn nhiều bến sông khác ven bờ Vàm Cỏ Đông trên địa phận Phước Vinh mà anh Hiệp chỉ khi phà đi từ Bực Lở lên phía bến đò Đồi Thơ. Những cái tên thân quen tôi đã từng đọc trên báo địa phương như bến Cây Sao, bến Trung Dân, bến Đồi Thơ, có những bến đã không còn hoạt động như bến Đồi Thơ đã ngừng hoạt động từ tháng 10 năm 2017.

Cột mốc 134 ở ngã ba sông Vàm, nằm trên địa phận xã Phước Vinh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Cũng từ đặc điểm địa hình sông rạch, Phước Vinh có rất nhiều bàu, trảng. Những địa danh gắn liền với vùng đất: Trảng Trâu, Trảng Còng, Trảng Máy May Bắn Trâu, Trảng Chiếu Bóng..

“Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi, trên sông Vàm Cỏ Đông, nước chảy ngược dòng, nước ngược dòng... Hò ơi!...

Em chèo thuyền đi trên rẫy Trảng Còng, cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con”.

Bài hát “Lên Ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt nhắc đến Trảng Còng. Trong buổi làm việc tại UBND xã, anh cán bộ Đoàn nói Trảng Còng xưa giờ thuộc ấp 1 của xã Phước Vinh, nhưng người dân đã trồng cao su trên vùng đất ngày nào, dấu xưa đã xoá nhoà. Trảng Chiếu Bóng nằm sâu trong con đường xưa gọi là lộ 13, nơi ngày xưa thường diễn ra những buổi chiếu bóng phục vụ dân công…

Đồi Thơ- tên một gò đất cao đi từ bến Đồi Thơ lên hơn một trăm mét. Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần cảnh giác trên vùng biên luôn cao độ. Những chốt chặn kiểm tra được thiết lập khắp các đường mòn lối mở dọc vùng biên. Khi chúng tôi ghé vào trạm nghỉ chân, anh chiến sĩ Biên phòng rót nước trà mời chúng tôi.

Qua cuộc trò chuyện thăm hỏi mới biết được anh quê ở Bình Thuận, là một trong những chiến sĩ được điều động vào Tây Ninh làm công tác trực ở các điểm chốt chặn theo các đường mòn lối mở, kịp thời phát hiện những trường hợp vào Việt Nam trái phép.

Đã nhiều tháng qua, anh chưa có dịp về thăm nhà… Dẫu biết rằng với người chiến sĩ Biên phòng thì “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” nhưng vẫn mong dịch bệnh sớm qua để anh có thể sum họp cùng gia đình. Trong những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở một vài địa phương đã có những diễn biến phức tạp, thời gian các anh xa nhà chắc còn phải kéo dài hơn.

Qua khỏi điểm chốt chặn một chút là một khúc quanh trồng toàn cây xà cừ. Những cây xà cừ cao to mọc ven giao thông hào. Chốt dân quân thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra ở đây, gọi là chốt Đồi Thơ. Và còn rất nhiều địa danh khác như Gò Rừng Huỳnh, Tà Nòn, Xóm Chùa, Trường Hoàng Lê Kha trong thời chiến đã không còn dấu tích bởi thời gian.

Về Phước Vinh, về với một vùng sông nước bao la, vùng phên giậu của Tổ quốc, nơi ấp ôm trong từng tấc đất, từng khúc sông nhiều điều thú vị chưa khám phá hết. Hẹn với Phước Vinh, hẹn với ngã ba Vàm sớm ngày trở lại…

Bút ký Trương Quốc Toàn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục