Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
ÐBQH Huỳnh Thanh Phương chất vấn Viện trưởng Viện KSND Tối cao:
Về oan án “cướp tài sản riêng của công dân” tại Trảng Bàng hơn 39 năm trước
Thứ bảy: 08:07 ngày 17/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, ÐBQH Huỳnh Thanh Phương đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết, vì sao chỉ một mình ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, 7 người còn lại thì không; việc không chấp nhận thụ lý yêu cầu bồi thường của 7 trường hợp còn lại trong cùng một vụ án có thấu tình đạt lý không?

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, ÐBQH Huỳnh Thanh Phương chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Lê Minh Trí về vụ án oan sai “Cướp tài sản riêng của công dân” xảy ra tại huyện Trảng Bàng vào ngày 27.7.1979. Ðại biểu Phương cho biết, 10 ngày trước khi khai mạc kỳ họp (ngày 12.10.2018), ông đã trực tiếp nghe đại diện Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Mặt trận 479 - Quân khu 7 (gọi tắt là Ban Liên lạc) và “chính phạm” trong vụ oan án, ông Nguyễn Văn Dũng phản ánh nội dung giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với việc khiếu nại của ông Nguyễn Văn Dũng.

Theo nội dung kiến nghị của Ban Liên lạc, trong vụ oan án hơn 39 năm trước có tới 8 người cùng bị bắt gồm: các ông bà Nguyễn Văn Dũng (SN 1958); Nguyễn Văn Dũng (SN 1961); Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1944), Nguyễn Thị Lan (SN 1953); Nguyễn Văn Chiến (SN 1953); Hồ Long Chánh (SN 1952); Nguyễn Thành Nghị (SN 1918, vừa qua đời tháng 10.2018); Võ Thị Thương (SN 1925).

Khi vụ án bị đình chỉ điều tra từ ngày 11.5.1983, cả 8 người kể trên đều được trả tự do, nhưng chỉ có ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958) nhận được Quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây Ninh (Quyết định số 15/KSÐT-TA ngày 11/5/1983). Do đó, hiện nay, ông Nguyễn Văn Dũng có cơ sở đề nghị giải quyết bồi thường thiệt hại, vụ việc đã được TAND huyện Gò Dầu xét xử (Bản án số 55/2018/DS-ST ngày 12.9.2018), nhưng ông Dũng còn đang kháng cáo; 7 trường hợp còn lại cơ quan chức năng không thụ lý, do không cung cấp được quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh.

Ðể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, ÐBQH Huỳnh Thanh Phương đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết, vì sao chỉ một mình ông Nguyễn Văn Dũng nhận được quyết định đình chỉ điều tra vụ án, 7 người còn lại thì không; việc không chấp nhận thụ lý yêu cầu bồi thường của 7 trường hợp còn lại trong cùng một vụ án có thấu tình đạt lý không? Vụ việc này, cơ quan chức năng đã bắt giam 8 người hơn 3 năm, khi được trả tự do về địa phương, cuộc sống của họ bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình ly tán…

Nay họ đi khiếu nại đòi bồi thường, vướng phải thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Phó trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: “Quan điểm của Viện trưởng Viện KSNDTC giải quyết vụ việc này như thế nào?”. Tuy nhiên, do đây là sự việc cụ thể xảy ra đã khá lâu, nên chủ toạ kỳ họp đề nghị Viện trưởng Viện KSNDTC trả lời bằng văn bản.

Mới đây, ngày 12.11, Viện KSNDTC có văn bản trả lời chất vấn (do Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Văn Quảng ký) gửi đến lãnh đạo Quốc hội và ÐBQH Huỳnh Thanh Phương, theo đó, Viện KSNDTC báo cáo tóm tắt nội dung vụ án như sau:

Ðêm 26.7.1979, xảy ra vụ cướp có vũ trang đối với ông Nguyên Văn Ðơ, ngụ ấp Bùng Binh, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Công an ấp và ấp đội đã bắt ông Hồ Long Chánh. Ông Chánh đã khai nhận cùng ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958), ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1961) và ông Nguyễn Thành Nghị thực hiện vụ cướp.

Công an ấp đã bắt và đưa những người này về Công an huyện để điều tra. Tất cả khai nhận đã cướp tài sản của ông Nguyễn Văn Ðơ đem về cho vợ, con cất giấu. Sau đó, Công an bắt bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến), bà Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (vợ ông Chánh), nhưng không thu giữ được tài sản cất giấu. Ngoài con dao của ông Hồ Long Chánh và 5 chỉ vàng của ông Hồ Thuỷ Trực nộp để bảo lãnh cho con trai là Hồ Long Chánh, cơ quan Công an không thu giữ được vật chứng nào khác của vụ án.

Ngày 27.7.1979, Công an huyện Trảng Bàng ra Quyết định khởi tố vụ án “Cướp tài sản riêng của công dân” và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958). Viện KSND huyện Trảng Bàng đã phê chuẩn quyết định tạm giam đối với ông Dũng. Ngày 11.5.1983, Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định đình chỉ điều tra số 15/KSÐT-TA xác định ông Nguyễn Văn Dũng không phạm tội “Cướp tài sản riêng của công dân”.

Về việc giải quyết bồi thường đối với vụ án oan sai này, Viện KSNDTC cho biết, sau khi được trả tự do, ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958) đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan Nhà nước và Viện KSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu giải quyết hậu quả việc ông bị bắt, giam oan. Ngày 2.3.2016, Viện KSNDTC nhận được Công văn số 54/BTNN-TT của Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp về việc chuyển đơn yêu cầu bồi thường của ông Dũng.

Ngày 25.4.2016, Viện KSNDTC đã có Công văn số 1485/VKSTC-V7 trả lời Cục bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp về kết quả giải quyết đơn của ông Dũng như sau: “Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Công văn số 154/VKS-P7 với nội dung ông Nguyễn Văn Dũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại bị oan gửi đến các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự trước ngày Nghị quyết 388/2003 có hiệu lực”.

Tuy nhiên, xét thấy cần bảo đảm quyền lợi cho ông Nguyễn Văn Dũng nên ngày 20.4.2017, Viện KSNDTC đã tiến hành xác minh, đối chiếu trực tiếp tài liệu với ông Dũng tại Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Kết quả xác minh cho thấy ông Nguyễn Văn Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam là oan, cần phải được xem xét giải quyết bồi thường. Ngày 23.6.2017, Viện KSNDTC có Công văn số 2324/VKSTC-V7 yêu cầu Viện KSND tỉnh Tây Ninh thụ lý, giải quyết bồi thường cho ông Dũng theo quy định.

Căn cứ Quyết định đình chỉ điều tra số 15/KSÐT-TA ngày 11.5.1983 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã thụ lý, giải quyết bồi thường cho ông Nguyễn Văn Dũng theo quy định với tổng số tiền là 586.458.576 đồng. Ông Dũng yêu cầu bồi thường số tiền 10.487.872.000 đồng.

Quá trình thương lượng, thoả thuận bồi thường không thành nên ngày 4.1.2018, ông Dũng làm đơn khởi kiện Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra TAND huyện Gò Dầu. Ngày 12.9.2018 TAND huyện Gò Dầu xét xử sơ thẩm. Bản án sơ thẩm tuyên buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Dũng số tiền 615.179.432 đồng và xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Dũng.

Ngày 24.9.2018, ông Dũng có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, ngày 15.10.2018, TAND tỉnh Tây Ninh đã ra Thông báo thụ lý số 188/TBTL-TA để giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm. Ngày 30.10.2018, ông Dũng có đơn xin hoãn xét xử phúc thẩm. Dự kiến sẽ mở phiên toà vào tháng 11.2018. Khi có bản án phúc thẩm, Viện trưởng Viện KSNDTC sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm phán quyết của Toà án.

Ðối với khiếu nại bồi thường của 7 người bị bắt cùng ông Nguyễn Văn Dũng, Viện KSNDTC cho biết, trong quá trình thụ lý đơn của ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958), Viện KSND tỉnh Tây Ninh nhận được đơn của các ông, bà Nguyễn Văn Chiến (SN 1953); Nguyễn Văn Dũng (SN 1961); Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1946); Nguyễn Thành Nghị (SN 1918); Nguyễn Thị Lan (SN 1953); Võ Thị Thương (SN 1925); Hồ Long Chánh (SN 1952); Nguyễn Thị Kim Chung (SN 1979) yêu cầu đòi bồi thường, nhưng do các đương sự không cung cấp được các tài liệu về việc bị bắt, bị khởi tố cùng các quyết định tố tụng khác. Hiện nay không còn hồ sơ tài liệu vụ án nên Viện KSND tỉnh Tây Ninh chưa có cơ sở giải quyết yêu cầu của các đương sự.

Viện KSNDTC đã chỉ đạo Viện KSND tỉnh Tây Ninh phối hợp với các cơ quan có liên quan xác minh, làm rõ 7 người còn lại có bị khởi tố, bắt giam oan không để xem xét giải quyết đúng pháp luật.

QUANG TÂM - DUY NHÃ

(Lược ghi)

Tin cùng chuyên mục