Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về quê xưa nhân ngày tết Độc lập
Thứ hai: 22:07 ngày 02/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ khu vực Toà Thánh- Long Hoa qua tới Thanh Điền xe chạy chỉ khoảng nửa giờ qua đoạn quốc lộ băng ngang cầu Hiệp Hoà, chẳng bù ngày xưa bà tản cư, chạy giặc ngược chiều lộ trình ấy, nhưng phải gồng gánh đi bộ vòng ra chợ Tây Ninh mới vô được vùng đạo bằng những con đường đất, đường đá đỏ bụi bặm mù trời.

Buổi sáng ngày thứ hai trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ba ngày, dù tin thời tiết báo rằng ngay sau cơn bão số 3, áp thấp nhiệt đới lại xuất hiện và đang mạnh dần lên sắp thành bão số 4, nhưng trời Tây Ninh vẫn có nắng đẹp. Một bạn đọc thân thiết ghé nhà Bàn Dân chơi, kể cho nghe câu chuyện thú vị về bà cụ thân sinh ông và bảo nếu thấy thích thì có thể viết lại để chia sẻ với bạn đọc niềm vui trong ngày tết Độc lập của đất nước, dân tộc ta. Câu chuyện như sau:

74 năm trước, người mẹ của ông bạn đọc tuổi mới đôi mươi, nhà ở xóm Củ Chi Ba, làm công nhân nông nghiệp cho hãng đường của Pháp bên xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Đến bây giờ, bà vẫn chưa quên cảm giác đau xót của cạnh sắc lá mía cắt vào những vết bầm do ngọn roi dóc của mấy tay cặp-rằng quất vào da thịt, khi trót ngơi tay một chút trong những buổi đi làm cỏ mía ở cánh đồng hãng đường.

Nhưng từ ngày quân phát-xít Nhật đảo chính thực dân Pháp khoảng đầu tháng Ba năm 1945, chủ hãng đường là Tây Măng-so đặt chất nổ vào ống khói nhà máy đường rồi bảo người giúp việc tên là Ba Mốc chèo xuồng băng sông Vàm Cỏ Đông đưa đi trốn Nhật từ Thanh Điền ngược lên Bến Sỏi để vượt biên giới qua Campuchia, thì hãng đường Pháp gần như vô chủ.

Lúc ấy phong trào Việt Minh nổi lên thật sôi động với những hoạt động văn hoá, thể thao, thực chất là để “chồng dấu” cho những hoạt động luyện tập quân sự chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, mà chính những công nhân hãng đường là nòng cốt. Mấy anh em của người mẹ ông bạn đọc biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ là nhờ có tham gia phong trào từ dạo ấy, chứ anh em bà có ai được học trường lớp nào đâu! Và cho đến bây giờ, khi chỉ còn mấy năm nữa sẽ tới ngưỡng tuổi một trăm, bà cụ vẫn nhớ như in những ngày bừng bừng khí thế giành độc lập dân tộc vô cùng sôi nổi ấy.

Nhưng rồi Việt Minh nắm được chính quyền chẳng bao lâu, quân Pháp lại từ Sài Gòn kéo lên Tây Ninh và việc đầu tiên mà chúng làm sau khi chiếm lại tỉnh lỵ là dùng cả đoàn xe quân sự đầy đủ súng ống đi khảo sát với ý đồ khôi phục lại hãng đường. Thế là bộ đội Việt Minh do ông Tư Đẩu chỉ huy đã phục kích đánh Pháp trận đầu vang dội ở khoảng vườn cao su Ô-cô-nen trên đường từ Thị xã đi Thanh Điền. Trận này lính Pháp, có cả mấy tay sĩ quan tử trận khá nhiều, bộ đội thu chiến lợi phẩm có cả súng đại liên Mắc-xim.

Sau trận đó, quân Pháp liên tiếp càn quét vùng Thanh Điền để trả thù, nhưng chúng chỉ tàn sát, đốt nhà thường dân, chứ chẳng làm gì được quân kháng chiến. Không chịu nổi khói lửa chiến tranh, nhiều gia đình ở Thanh Điền có đạo Cao Đài phải bỏ nhà cửa ruộng vườn chạy sang vùng Toà Thánh- Long Hoa nương náu.

Trong đó có gia đình bên ngoại ông bạn đọc kể chuyện này. Chỉ có ông anh Hai của người mẹ, tức là cậu Hai của ông bạn đọc thoát ly theo bộ đội vô bưng đi kháng chiến, rồi “bặt tăm, bặt tích” luôn. Nghe đâu trong khói lửa chiến tranh những năm đầu kháng chiến cực kỳ gian khổ khó khăn, toàn bộ đơn vị ông hy sinh hết cả.

Tết Độc lập năm nay, bà cụ thân sinh ông bạn đọc cảm thấy vui vẻ, khoẻ khắn, nên bảo ông lấy xe bốn chỗ chở bà về thăm quê cũ. Tới đâu bà cũng xuýt xoa, khen ngợi vì gần như đường sá nơi nào cũng bê tông nhựa, chí ít cũng trải nhựa bằng phẳng êm ái. Từ khu vực Toà Thánh- Long Hoa qua tới Thanh Điền xe chạy chỉ khoảng nửa giờ qua đoạn quốc lộ băng ngang cầu Hiệp Hoà, chẳng bù ngày xưa bà tản cư, chạy giặc ngược chiều lộ trình ấy, nhưng phải gồng gánh đi bộ vòng ra chợ Tây Ninh mới vô được vùng đạo bằng những con đường đất, đường đá đỏ bụi bặm mù trời.

Ở thôn xóm quê bà nghèo khó ngày nào, bây giờ gần như cũng không còn con đường nào lầy lội. Khu vực cánh đồng mía ven sông giờ là đồng lúa cao sản, trên đất gò vùng ven quốc lộ giờ là khu công nghiệp tấp nập công nhân đi làm bằng xe máy cá nhân hoặc xe ô tô đưa rước. Đời sống của họ chắc còn khó khăn, nhưng cũng chắc chắn là không nhọc nhằn, tủi cực như thế hệ bà bảy mươi mấy năm trước. Khi trở về vùng Toà Thánh- Long Hoa, bà còn nghe con trai cho biết, vùng đạo bà nương náu từ thuở đôi mươi tới tuổi chín mươi nay mai sẽ “lên thị xã”, còn cái xã “bán thị, bán thôn” nơi bà ở cũng sẽ “lên phường”, trở thành phố thị.

Một chuyến về quê nhân dịp con cháu nghỉ lễ Quốc khánh, tuy chẳng bao xa, cũng đem lại cho tuổi “đại thọ” của bà biết mấy niềm vui.

BÀN DÂN

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh