Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về thăm “Cây Ba Thứ”
Thứ sáu: 10:42 ngày 17/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu có một địa danh khá nổi tiếng, được người dân địa phương gọi là “Cây ba thứ”. Nơi đây cũng từng diễn ra cuộc hội ngộ lịch sử của 3 lực lượng vũ trang.

Ông Trần Tấn Hoàng vui mừng khi nhìn thấy “cây ba thứ” trồng lại và sinh trưởng tốt.

Cuộc hội ngộ lịch sử

Ngày 14.11, ông Trần Tấn Hoàng- nguyên chiến sĩ Đại đội 31 (C31) Huyện đội Dương Minh Châu, giai đoạn 1973-1975, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Ninh dẫn chúng tôi đến thăm vị trí khu vực “Cây Ba Thứ”. Ông Hoàng nhớ lại, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi này là một khu rừng chồi, phía trước là đồng ruộng bỏ hoang. Giữa đồng ruộng và khu rừng là con đường xe bò nhỏ, ít người qua lại. Con đường tuy nhỏ nhưng là “sợi chỉ đỏ”, là đường hành quân của bộ đội.

“Từ đây có thể hành quân ra Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu), đến xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) và huyện Bến Cầu. Đầu đường còn lại dẫn đến Căn cứ Huyện uỷ Dương Minh Châu và nối liền nhiều căn cứ cách mạng khác. Vì vậy, chúng tôi gọi con đường này là sợi chỉ đỏ”- ông Hoàng nói.

Theo lời cựu chiến binh xã Phước Ninh, trước năm 1975, ven con đường mòn có một khóm 3 cây khác nhau, gồm cây trâm với bề hoành cỡ vòng tay 2 người lớn ôm không giáp. Gốc cây trâm có “chạng” (các rễ mọc ra) rất rộng. Trong “chạng” đó có cây dầu tà beng khá to sinh trưởng; bên cây trâm và cây dầu có cây sơn vươn lên.

Ba cây rừng này mọc sát vào nhau nên nhìn từ xa, trông như chúng được lớn lên cùng một thân cây, người dân địa phương và các lực lượng vũ trang gọi là cây ba thứ; còn trong bản đồ chiến sự của Mỹ ghi chú đây là cây độc mộc. “Cây ba thứ” có cành lá sum suê, tạo bóng mát khá rộng. Vì thế, nơi gốc cây trở thành điểm dừng chân nghỉ mát của người dân địa phương mỗi khi đi làm rẫy hay lên rừng.

Trong sách Truyền thống cách mạng xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (1945-1975) có đoạn ghi chép về sự kiện lịch sử ở “Cây ba thứ”: Cuối năm 1967, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân 1968, từ vùng căn cứ bộ đội ta hành quân xuống chiến trường vùng ven đô thị. Ngày 26.12.1967, tại “Cây ba thứ”, nay thuộc ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh diễn ra một sự kiện ghi tạc vào lịch sử, khi các cánh quân của ta, trên đường hành quân đã nghỉ chân dưới bóng “Cây ba thứ” (cây dầu, cây sến và cây sơn), Đại đội địa phương (C31) do đồng chí Năm Cường chỉ huy, Đội du kích xã Phước Ninh do đồng chí Riêu chỉ huy, lịch sử có một cuộc tao ngộ bất ngờ nhưng rất hiếm có.

Lúc đó có một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 16 đi qua, dừng chân nghỉ dưới tán Cây ba thứ. Trong đoàn có đồng chí Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, cùng một số vị trong Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đến hỏi thăm đồng chí Năm Cường, đồng chí Bảy Minh và đồng chí Riêu.

Trước hàng trăm chiến sĩ, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ nói: “Không hẹn mà gặp, chúng ta có du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực, 3 thứ quân hợp nhau dưới gốc cây “đoàn kết” này. Các đồng chí nhìn xem, 3 loại cây khác nhau, nhưng quyện chặt lấy nhau, tươi tốt, cành lá sum suê, toả bóng mát cho đời.

Đoàn kết để làm nên sức mạnh, cuộc xuống đường lần này, dân quân ta đoàn kết một lòng, nhất định sẽ đạp bằng rào gai thành luỹ quân thù, nhất định chúng ta sẽ giành thắng lợi”. Chủ tịch nói tiếp: “Cuộc ra quân lần này chưa đánh bại được hoàn toàn giặc Mỹ nhưng nhất định, chúng ta sẽ đánh nhụt ý chí xâm lược của giặc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh”.

Trong những ngày chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968, vùng giải phóng Phước Ninh là địa điểm dừng chân của nhiều đơn vị chủ lực như Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7… trước khi tiến công đánh giao thông lộ số 2 và số 26, thọc sâu vào đánh Trảng Bàng, Gò Dầu, Củ Chi và các sào huyệt của địch ở Sài Gòn.

Trong chiến dịch này, quân và dân xã Phước Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu như nuôi quân, tiếp tế, vận chuyển lương thực, tải thương, chăm sóc thương binh trên đường chuyển về căn cứ. Với những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 2000, quân và dân xã Phước Ninh vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khu lưu niệm Cây ba thứ.

Trồng lại “Cây ba thứ”

Ông Hoàng kể tiếp, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, “Cây ba thứ” vẫn còn, nhưng quá trình canh tác nông nghiệp, người dân vô tình cày xới làm đứt rễ các cây; họ còn chất cỏ vào gốc cây để đốt bỏ, làm 3 loại cây này bị ảnh hưởng. Mặt khác, do cây cao lớn nhất vùng nên thường xuyên hút tia sét, khiến cây bị chết. Trước năm 2016, xã Phước Ninh được đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhiều đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được nâng cấp, mở rộng. Con đường mòn xe bò ngày xưa cũng được nâng cấp trở thành đường giao thông rộng rãi.

Để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, những năm gần đây, chính quyền địa phương xây dựng khu lưu niệm tại đây, có nhà bia, ở giữa nhà dựng một bia đá. Mặt trước của bia đá khắc nội dung tóm tắt về nguồn gốc cây ba thứ; mặt sau bia khắc lời nói của ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trước hàng trăm chiến sĩ như đã nêu trên. Đồng thời, lãnh đạo xã Phước Ninh cho chủ trương trồng lại 3 loại cây làm nên địa danh này.

Có điều, thực tế khác một loại cây so với nội dung trong sách Truyền thống cách mạng xã Phước Ninh, đó là “cây ba thứ” gồm cây dầu, cây sến và cây sơn. Tuy nhiên, một số cán bộ lão thành cách mạng và lãnh đạo xã Phước Ninh xác định lại trong sách có sự nhầm lẫn giữa cây trâm và cây sến. Vì vậy, chính quyền địa phương cho trồng lại 3 loại cây gồm cây dầu, cây trâm và cây sơn trong cùng một khu đất nhỏ, xây xi măng bao quanh hình tròn, có đường kính khoảng hơn 1m, cách gốc cây cũ vài chục mét.

Hiện nay, 3 thứ cây làm nên địa danh “Cây Ba Thứ” đã được trồng lại.

Sau khi trồng lại, chỉ có cây trâm tươi tốt, 2 cây còn lại bị chết, ông Hoàng phải vào rừng bứng cây khác về trồng giặm. Nay cả 3 cây sinh trưởng tốt, cành nhánh sum suê. Trong đó, cây dầu có kích thước nhỏ hơn so với hai cây còn lại. “Lo ngại cây dầu bị èo uột, tôi trồng “hờ” một cây ở sân nhà, giờ cây đã to bằng bắp vế”- ông Hoàng cho hay.

Từ bao năm nay, địa danh Cây Ba Thứ trở thành quen thuộc và là niềm tự hào của người dân Phước Ninh. Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Ninh kể thêm: “Có lần tôi đưa các cựu chiến binh Đại đội 31 về đây tham quan. Các đồng đội đều rất vui, rất xúc động khi được trở về thăm địa điểm một thời gian lao mà anh dũng. Hằng ngày có nhiều người dân địa phương vào thắp hương tưởng nhớ những anh hùng cách mạng đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay”.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục