Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Truyện ngắn
Về với đảo
Chủ nhật: 17:24 ngày 02/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 1. Hơn mười năm, Nam thực sự trở về với đảo, với quê hương. Thật ra, vào những dịp lễ, tết anh cũng về nhưng chỉ chốc lát, rồi đi ngay. Cha tiễn anh ra tận cầu cảng, bao giờ cũng một câu, đã găm sâu trong tiềm thức: Coi sắp xếp, chuyển về quê con nhé!

Anh nhìn cha, ánh mắt trìu mến. Nhưng không để cha nhận ra nỗi niềm chất chứa bên trong chực trào ra nơi khoé mắt, anh vội vã quay mặt: Cha yên tâm, con sẽ về… Nói xong, anh cảm thấy có lỗi, nỗi dằn vặt dâng lên.

Tàu rời bến, anh ngoảnh lại. Cha vẫn đứng đấy. Nắng sớm ngập tràn, chói chang.

2. Về quê! Đã nhiều lần anh nghĩ đến. Nhưng khi nhớ lại cái ngày mới ra trường, cầm hồ sơ chạy vạy khắp nơi thì anh thấy nản. Quê nghèo, người khôn việc khó. Mỗi năm, sinh viên ra trường nhiều vô kể mà nhu cầu tuyển dụng chỉ một phần mười trong số ấy. Anh là con dân biển, họ hàng không ai có tấm bằng cấp ba huống chi đi làm nhà nước. Ở quê, chắc chắn anh khó có được một suất biên chế vào cơ quan nào đó đúng chuyên ngành, cấp xã cũng được. Dù anh rất muốn làm việc ở quê để tiện chăm sóc cha mẹ. Sau mấy đêm trằn trọc, nghĩ suy, anh quyết định rời quê. Hành lý anh mang theo là khát vọng tuổi trẻ và mớ kiến thức chuyên ngành anh học được. Cuộc sống xa nhà, thiếu vắng tình thân nơi vùng đất lạ khiến anh bao lần rơi nước mắt. Nhưng rồi niềm tin, nghị lực tuổi trẻ đã giúp anh trụ vững, thành công.

3. Nam thức dậy khi mặt trời lên quá con sào. Nhà hướng mặt ra biển, gió sớm mơn man, mát rượi. Từng luồng nắng trong vắt phả xuống mặt biển sáng lấp loáng. Anh đi ra ngõ, đứng trên bậc đá phẳng lì dẫn xuống bến. Từng mỏm đá, gốc cây xung quanh đều ghi dấu bao kỷ niệm về tuổi thơ của anh và tụi bạn cùng xóm. Bọn chúng giờ cũng mỗi đứa mỗi nơi, đứa ở Sài Gòn, Đà Nẵng, đứa lên tuốt Tây Nguyên, có đứa an phận với nghề biển. Hôm trước nghe anh về, có mấy đứa học chung cấp ba ghé chơi, hẹn nhau tụ tập. Bất giác, Nam nở cười khi nhớ về ngày trước. Cuộc sống xứ đảo bình yên. Con người sống với nhau rất chân tình, mộc mạc. Cái giường tre mé hiên nhà anh là nơi ngủ nhờ của lũ bạn trong xóm. Cứ mỗi trưa hè rủ nhau đi bắt chim hay ra gành tìm cua, tìm ốc rồi về chế biến. Ăn xong là tranh nhau chiếc giường tre đánh một giấc quên trời quên đất.

 Nam bước lần xuống mép nước. Sóng tung bọt trắng liếm vào chân mát rượi. Cha anh từ dưới bến ngược lên. Anh nhìn cha, trông cha không còn khoẻ mạnh. Bước chân đặt lên từng bậc đá không còn vững chãi. Anh ngoái lại, dõi theo. Anh giật mình, nhói đau trong lồng ngực khi nhìn đôi tay rám nắng săn chắc ngày nào của cha nay đã nhão ra, bấu chặt bó lưới. Anh đỡ bó lưới rối bời xuống. Mùi cá tanh tưởi khiến anh chun mũi, lợm giọng. Cha anh tươi cười: Bộ quên mùi vị của biển rồi hả con? Anh cười khì, lảng tránh, muốn ôm chầm lấy cha.

Mẹ anh, ra chợ sớm cũng vừa về. Tiếng chó sủa mừng. Tiếng gà nhảy ổ xôn xao. Cả tiếng gió lao xao trong vòm xanh của cây bàng vuông trước ngõ. Tất cả tạo thành một hỗn âm vui nhộn, quen thuộc khiến lòng anh ngập đầy cảm xúc miên man.

4. Chiều đã chênh chếch nắng, sắc vàng rải khắp nơi. Hơi nóng đã dịu dần. Biển êm ả, một màu xanh thẳm. Xa xa, những con thuyền bềnh bồng theo từng nhịp sóng. Nam thả bộ dọc con đường chạy xuyên qua những cồn cát, có những dây hoa muống biển bò lan triền cát, tím biếc một màu nhung nhớ. Những ruộng tỏi đã thu hoạch xong. Người ta gối vụ bằng những đám dưa hấu, đã nhú lên màu xanh non. Nhiều khoảnh ruộng, xong vụ tỏi là tiếp vụ hành. Ngắm nhìn màu xanh của biển, của ruộng nương, của triền đồi thoai thoải cỏ non, Nam thấy lòng bình yên, nhẹ nhõm.

Vòng khắp xóm, thăm mấy nhà họ hàng xong, Nam ra gành đá ngồi đợi hoàng hôn. Thói quen từ khi mới lớn. Tụi bạn trêu anh lãng mạn, làm nhà thơ được đấy. Một câu thơ bẻ đôi anh không làm được nhưng trước biển trời bao la anh cảm thấy yêu hơn mái nhà bình dị, thân thiết hơn với con người xứ đảo chân chất, mộc mạc. Nụ cười của cha, ánh mắt của mẹ dành cho anh khiến bao lần anh thổn thức.

Cảnh đảo giờ khắc giao thoa giữa ngày và đêm trở nên mênh mông và huyền ảo. Từng cơn gió mang theo hơi mặn rin rít đôi cánh tay và táp vào mặt, khó chịu. Mấy con chim biển chưa kịp về nơi an trú hốt hoảng bay, va cánh vào lùm cây rộng tán. Biển ầm ào từng đợt sóng. Xa xa, những ngọn đèn lấp lánh như ngàn vì sao sà xuống gần mặt biển. Nam đứng dậy, vươn vai rồi hướng về Âm Linh Tự. Trong đấy, đèn nến chập chờn, các cụ già khăn áo chỉnh tề, chuẩn bị tế lễ, bố cáo trời biển, tiền nhân. Nam chưa vội vào. Anh đứng trước cổng, lác đác vài bóng người đang đến, đi vào khoảng sân rộng, đã lô nhố mấy đứa con nít ngồi chờ. Chợt, giữa lúc mọi người đang xôn xao trước giờ hành lễ, tiếng ốc u vang lên, ngân vọng một điệu hồn trầm buồn, da diết. Nam nhìn quanh như thể tìm kiếm điều gì. Mà quả thật anh đang nhớ những ngày còn nhỏ, nhớ những câu chuyện được dệt lên từ nhiều huyền tích xa xưa về hòn đảo còn hoang sơ và đầy lãng mạn.

 5. Nam quay về lúc buổi lễ sắp xong. Cha đón anh ở cổng, nụ cười hiền lấp loá dưới ngọn đèn đường hắt bóng. Ngồi trên tảng đá thay bậc thềm, Nam lặng lẽ nhìn xung quanh, lòng dậy lên nỗi niềm khôn tả. Cha anh đang súc ấm, pha trà. Mẹ anh thì cặm cụi bên đống lưới rách. Mẹ vá cho xong để mai cha còn đi biển. Trời yên, biển lặng nên âm thanh của sóng rất dịu hiền, cứ miên man vỗ bờ. Thật lạ, mười năm xa đảo nhưng trong lòng Nam luôn hoài vọng, nhớ nhung. Anh có thể mường tượng ra biển sẽ như thế nào khi nghe tin thời tiết các vùng. Mỗi lần như thế anh đều gọi điện về cho mẹ. Mẹ anh, bao giờ cũng thế, nói chưa hết câu đã thổn thức. Tiếng nấc nghẹn của mẹ lẫn cùng tiếng gió, tiếng sóng u u khiến lòng anh xa xót, không yên.

- Ngày mai, con lên gặp mấy anh trên huyện chứ? Cha vừa rót trà vào chén vừa hỏi anh. Giọng ân cần, không giấu sự xúc động.

- Dạ, mấy anh bảo lên làm luôn, hồ sơ, giấy tờ bổ sung sau. Nam hào hứng, báo tin.

- Thiệt hả con? Sao nhanh vậy?

Cha anh hoài nghi nhưng niềm vui đã kịp ngời lên khoé mắt. Mẹ anh ngừng tay, nhìn anh trìu mến. Nam muốn ào tới ôm bờ vai gầy guộc của mẹ, nói với mẹ vài câu nhưng thực sự lúc này anh mở lời không được, trước mắt anh mọi vật như nhoà hẳn đi.

- Tốt rồi. Con về quê làm, cha mẹ đỡ lo lắng. Tuy việc chưa quen, lương lại thấp nhưng đóng góp cho quê hương là việc nên làm.

Nam gật đầu, ghi nhận. Nhấp ngụm trà cuối, vị ngọt chát dần tan trong cổ họng, anh bâng quơ: Trời yên, lại cuối tháng, mai lưới sẽ đầy cha nhỉ? Cha anh cười đầy hàm ý: Anh có biết nghề biển đâu mà phán bừa. Giỏi thì đi với tôi một chuyến!

Anh chữa thẹn bằng cách đập vào chân than muỗi rồi đứng dậy. Mẹ anh nói với theo: Buông màn con nhé! Anh dạ, bật quạt rồi leo lên giường.

Ngoài kia, biển vẫn ru giấc yên bình ngàn năm. Nam lắng tai, cảm nhận được tâm hồn mình đang miên man, vỗ về bằng khúc tự tình của miền quê đảo thân yêu.

T.Đ.S

Tin cùng chuyên mục