Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cái tên xã Phước Bình thực sự chưa quen với người dân Tây Ninh. Xã Phước Bình chỉ mới ra đời cùng với sự kiện thành lập thị xã Trảng Bàng vào đầu năm 2020, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của hai xã Bình Thạnh và Phước Lưu.
Tháp cổ Bình Thạnh.
Tiếng là thuộc thị xã Trảng Bàng, nhưng thực tế cho thấy Phước Bình còn không ít khó khăn, bởi hệ thống giao thông ở đây rất bất tiện. Từ trung tâm Thị xã nếu đi đường bộ vào Phước Bình thì chỉ có hai con đường, một là theo quốc lộ 22 xuống thị trấn Gò Dầu, sang An Thạnh - Bến Cầu rồi rẽ theo con đường trước dinh Ông vào; hai là đến ngã tư Hữu Nghị theo đường 786 rẽ vào Bình Thạnh, đoạn đường này ngót 30km chứ không ít.
Còn đi đường thuỷ thì gần hơn nhưng phải qua phà Lái Mai - An Hoà. Mùa mưa sông Vàm Cỏ Đông nước lớn, chảy xiết làm cho người dân bất an. Nhưng nay đã có niềm vui khi cầu An Hoà được thiết kế thi công theo Quyết định 1164/QĐ-UBND ngày 24.5.2019 của UBND tỉnh Tây Ninh với tổng dự toán là 326,133 tỷ đồng.
Chiếc cầu này bắc qua sông Vàm Cỏ Đông nối liền các xã cánh Tây với trung tâm thị xã Trảng Bàng cùng với Đức Huệ - Long An, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển nông sản của người dân trong khu vực.
Đến Phước Bình nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy địa hình ở đây có nhiều điểm rất khác với các nơi khác trong tỉnh. Đây là vùng đất trũng thấp, mang đặc điểm của xứ bưng biền, rừng tràm ngập nước của Tây Nam bộ. Trò chuyện của mọi người, ta luôn cảm nhận được sự chất phác, đôn hậu từ tâm hồn.
Người dân ở đây khá giống với người miền Tây rất thích đờn ca tài tử. Khoảng gần mười năm trước, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cũng như sự hỗ trợ của Hội Văn học - Nghệ thuật Tây Ninh, xã Bình Thạnh đã thành lập một câu lạc bộ thơ mang tên CLB thơ Bình Thạnh và duy trì sinh hoạt cho đến tận hôm nay.
Hiện CLB thơ Bình Thạnh do thầy giáo Lê Văn Thật làm chủ nhiệm. Anh đã tập hợp được nhiều anh em yêu thích thơ văn vào cùng sinh hoạt, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của một vùng quê biên giới xa xôi. Cũng tại nơi đây, nhiều cây bút đã có cơ hội bộc lộ tài năng, bổ sung lực lượng sáng tác cho Chi hội Văn học - Văn nghệ dân gian của tỉnh như các anh chị Trần Văn, Lê Nguyên, Quang Thảo, Phú Nhuận, Thanh Nhàn, Lê Văn Thật…
Và khá nhiều thơ văn của các thành viên CLB Bình Thạnh được đăng trên báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, được Hội VHNT Tây Ninh tài trợ xuất bản. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm còn tập hợp các tác phẩm hay của anh em để in chung thành sách, đó chính là niềm vui không nhỏ của những người yêu thích văn chương của xứ sở này.
Đến với Phước Bình ta còn có dịp để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ hết sức quý giá, đó là tháp cổ Bình Thạnh (trong khuôn viên còn có đình Bình Thạnh). Đây mà một trong ba ngôi tháp còn khá nguyên vẹn của Nam bộ.
Tháp Bình Thạnh trước đây gọi là Prey Prasath (tháp giữa rừng), được xây trên một khu gò đất đắp cao hình vuông, mỗi chiều 100m. Tháp cao 10m, mỗi cạnh dài 5m, mặt chính quay về hướng Đông, trông ra một bàu nước phía trước. Tháp này được phát hiện vào năm 1909, khi ấy phần đỉnh tháp đã bị hư đổ.
Năm 1938, H. Mauger đã tiến hành tu sửa, người Pháp đã đúc một tấm đan bằng xi măng trám trên đỉnh để nước mưa không đổ vào trong lòng tháp. Bên cạnh đó, họ đã nghiên cứu tháp từ những năm 40 của thế kỷ trước. Năm 1994, các nhà khảo cổ học Việt Nam lại tiếp tục khai quật trên khu tháp Bình Thạnh và đã phát hiện hai kiến trúc khác cũng xây bằng gạch hoàn toàn sụp đổ trong lòng đất.
Bàn thờ Thần nông đình Bình Thạnh.
Qua những kết quả khảo cổ mới nhất, chúng ta có thể khẳng định xưa kia tháp Bình Thạnh là một cụm tháp có ba ngôi xây kế tiếp nhau theo trục Bắc - Nam. Tất cả các cửa chính của tháp đều quay ra bàu nước hướng chính Đông (nay là ruộng của người dân).
Và ba ngôi tháp này dùng để thờ Trimurti - hay còn gọi là Tam thần Ấn giáo. Đó là ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo bao gồm Brahma - là đấng tạo hoá, Vishnu - là đấng bảo hộ, còn Shiva - là đấng huỷ diệt. Tháp Bình Thạnh là chứng nhân lịch sử, là bệ đỡ nghiên cứu văn hoá lịch sử về một nền văn minh cổ xưa trên đất Tây Ninh.
Có thể nói Phước Bình là một xã còn nhiều khó khăn, nhiều khu vực ruộng đất bị nhiễm phèn, mùa mưa thì ngập lụt, nói chung là thiên nhiên không ưu đãi. Nhưng “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” như Hoàng Trung Thông đã nói, bởi con người nơi đây lao động cần cù, không bao giờ chịu khuất phục trước khó khổ, luôn biết cải thiện đời sống.
Hiện tại, đoạn đường 786 qua Phước Bình đã là rất tốt, nhưng đoạn đường từ An Thạnh vào thì còn bị hư hỏng nặng, nếu con đường này sớm nâng cấp thì Phước Bình nhất định sẽ chuyển mình. Đặc biệt là sau khi cầu An Hoà hợp long, đưa vào sử dụng sẽ vô cùng thuận lợi cho người dân từ cánh Tây ra trung tâm thị xã Trảng Bàng làm ăn, giao thương, học tập... Một miền đất cũ sẽ sớm trở thành một vùng nông thôn mới, tất cả mọi mặt của đời sống sẽ chuyển mình bừng dậy trong nay mai.
Đ.T.S