Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
VEPR cảnh báo lạm phát có xu hướng gia tăng trong năm 2017
Thứ năm: 16:10 ngày 12/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều 11/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm công báo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2017. Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

Kể từ năm 2016, VEPR đã bắt đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam.

Đặc điểm khác biệt của các cuộc Tọa đàm này là đối tượng tham dự sẽ ưu tiên chủ yếu cho các nhà báo có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế, với mục đích thông tin tốt nhất tới công chúng, chứ không chỉ gói gọn trong nhóm chuyên gia.

Buổi tọa đàm lần này có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế như GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Nguyễn Trí Hiếu, PGS.TS. Phạm Thế Anh, TS. Lưu Bích Hồ (Ảnh: HNV)

Theo nhận định của VEPR, tăng trưởng toàn cầu trong Quý III cho thấy những diễn biến khả quan, góp phần vào mức định giá cao của các tài sản tài chính cùng sự cải thiện của giá dầu. Song, nhiều bất ổn tiềm ẩn đang bộc lộ tại các nền kinh tế lớn, như giá trị đồng USD giảm hay rủi ro gia tăng từ khối nợ của Trung Quốc.

Trong nước, Chính phủ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bằng cách liên tục đưa ra chỉ thị cụ thể đối với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và thống nhất loạt giải pháp như kích cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Trong khi đó, các chỉ báo cho thấy Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, trong đó đáng lưu ý là sức ép gia tăng lên lạm phát và tình trạng nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào kỳ Đại hội Đảng Cộng sản của nước này, dự báo có nhiều chính sách ảnh hưởng đến sự phát triển và an ninh trong khu vực. Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý III của VEPR cũng đề cập sâu đến những vấn đề này.

Tại Tọa đàm, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) khẳng định, xuất phát từ việc thông tin tới các chuyển biến kinh tế của đất nước và hoạt động của Chính phủ trong hội nhập toàn cầu; phân tích, dự báo toàn diện nâng cao chất lượng thiết bị điều hành kinh tế vĩ mô; nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề kinh tế vĩ mô và thúc đẩy thảo luận cũng như đối thoại về chính sách giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia và cơ quan báo chí truyền thông, Quỹ KAS đã tăng cường hợp tác với VEPR để cùng nhau nghiên cứu, hoàn thành báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2017.

Thông tin khái quát về Báo cáo, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, tăng trưởng kinh tế được báo cáo cao bất thường, đạt mức 7,46% (yoy) trong Quý 3, cao nhất trong vòng 07 năm qua. Tính chung, 9 tháng 2017, tăng trưởng đạt 6,41% (yoy).

Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ đều có sự cải thiện so với cùng kỳ các năm trước. Ngoại trừ khai khoáng, các ngành công nghiệp – xây dựng đều tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (12,77%, yoy).

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp khác đều diễn biến tích cực trong quý. Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế trong Quý 3, đạt 6,56%, tuy thấp nhưng ổn định hơn so với mức tăng trưởng GDP do TCTK công bố.

Cũng tại Tọa đàm, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) trình bày một báo cáo về tình hình trước thềm Đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc và những tác động của Đại hội tới nền kinh tế Việt Nam.

Liên quan tới triển vọng kinh tế những tháng cuối 2017, các chuyên gia tham gia Tọa đàm đã nhất trí cao rằng, mức tăng trưởng cao cùng với sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những kết quả tích cực đạt được trong Quý 3, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế vào Quý 4.

Tuy nhiên, về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI  đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI.

Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong Quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi suy giảm kể từ tháng 4/2017. Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số.

Về cuối năm, lạm phát có xu hướng gia tăng. Cụ thể, áp lực tăng lạm phát đến từ sự gia tăng chi phí sản xuất, sự điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản (giáo dục, y tế, điện, xăng dầu), chính sách tăng lương cơ bản có hiệu lực từ tháng 7/2017, sự tăng cầu tiêu dùng vào các tháng cuối năm và gia tăng sức ép tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu 21% của Chính phủ cho cả năm.

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao (21%) là thiếu thận trọng. Tuy nhiên, tỷ giá có cơ sở để ổn định tới cuối năm. Mặc dù lượng cầu ngoại tệ sẽ tăng cao vào cuối năm theo mùa vụ, nhưng sự ổn định tương đối của cán cân vãng lai và trạng thái thặng dư liên tục của cán cân vốn tạo nguồn cung đủ lớn cho phép NHNN tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Đáng lưu ý, diễn biến kinh tế Quý 3 tiếp tục bộc lộ những vấn đề về cấu trúc dài hạn của nền kinh tế.

Các chuyên gia kiến nghị, trước tình hình kinh tế 9 tháng 2017, những tháng cuối 2017, nền kinh tế cần tập trung vào một số giải pháp ngắn hạn, bao gồm: tận dụng cơ hội để tập trung vào hai thị trường lớn Trung Quốc và EU thận trọng trong chính sách tăng trưởng tín dụng để tránh tích lũy sức ép lạm phát đang tăng dần, tránh bất ổn vĩ mô tái phát khi lạm phát vượt qua một ngưỡng nhất định cũng như thực hiện thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một cách hữu hiệu và thực chất, giảm thiểu các thủ tục  hành chính,đặt thời hạn hoàn thành tiến độ phù hợp. Thêm vào đó, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng. Song song là củng cố nguồn thu NSNN .

Bên cạnh đó, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải các thể chế và hành chính, đặc biệt chú trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất, qua đó duy trì nguồn thu bền vững.

Giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo vệ quyền sở hữu và nhà đầu tư, tạo môi trường phát huy sự sáng tạo công nghệ. Về cơ bản, chính sách cần hướng tới khai thác những tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, tránh khuynh hướng phản ứng chống đối quá trình “phá hủy sáng tạo” của các ngành mới và công nghệ mới.

Nếu thành công, cải cách đó sẽ góp phần tạo ra một khu vực kinh tế tư nhân năng động, hướng tới giảm sự phụ thuộc quá cao của tăng trưởng kinh tế vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, áp dụng tiến bộ công nghệ sẽ giúp Việt Nam lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mạnh mẽ hơn dựa trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và tuân thủ nghiêm túc quy định, luật pháp quốc tế trong hội nhập. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu về sự thay đổi tầm nhìn của những nhà làm chính sách.

Một ví dụ cụ thể đó là tầm nhìn thực tế  trong giao thương với Trung Quốc. Cần nhìn nhận hiện tượng Trung Quốc như một cơ hội thay vì đe dọa. Cụ thể, nên có chiến lược dài hạn tiếp cận và khai thác thị trường này như một thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất cho Việt Nam, chỉ sau Mỹ và EU./.

Nguồn ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục