Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hai vết nứt dài đã xuất hiện gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Syria sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2. Các nhà nghiên cứu COMET đã lập bản đồ thành công nhờ dữ liệu từ vệ tinh châu Âu.
Đoạn đường D420 bị hư hại do động đất ở Demirkopru, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/2. Ảnh: Reuters.
Chỉ sau 6 ngày xảy ra động đất hôm 6/2, tính tới ngày 12/2, số người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá 25.000, Guardian đưa tin. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 21.848, trong khi tại Syria là 3.553.
Chưa thể xác định rõ còn bao nhiêu mắc kẹt dưới đống đổ nát. Giữa lúc hy vọng giải cứu những người sống sót đang dần đóng lại, thì giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu về thảm họa. Những hiểu biết thu thập được từ thảm họa này sẽ cứu sống được rất nhiều người khác trong tương lai, theo BBC.
Đứt gãy chạy xuyên qua khu dân cư
Trận động đất thế kỷ tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 với sức mạnh hủy diệt, xảy ra ngay giữa khu vực có hoạt động địa chất tích cực hàng đầu thế giới.
Áp lực địa chất tích tụ qua nhiều thập kỷ khi các mảng kiến tạo vốn di chuyển chậm chạp bị va vào nhau, giải phóng ra năng lượng khổng lồ dưới dạng sóng trong vài giây. Các khối đất đá đột nhiên bị ma sát và trượt qua nhau, theo Financial Times.
Dữ liệu thu thập từ vệ tinh Sentinel-1A của Liên minh châu Âu (EU) vào đầu ngày 10/2 mô tả cách mặt đất rung chuyển, phản ứng với những luồng năng lượng khổng lồ được giải phóng. Dữ liệu thu được khi Sentinel-1A di chuyển từ bắc xuống nam qua Thổ Nhĩ Kỳ ở độ cao 700 km.
Sentinel mang theo thiết bị radar có thể cảm nhận mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh này thường xuyên quét khu vực dễ xảy ra động đất này, theo dõi những thay đổi rất nhỏ trên bề mặt Trái Đất từ trên cao.
Với kỹ thuật đo giao thoa, các nhà nghiên cứu đã so sánh hình ảnh trước và sau khi xảy ra động đất. Màu đỏ trong hình mô tả chuyển động của đất về phía vệ tinh trong lần gần nhất vật này ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi màu xanh mô tả đất chuyển động ra xa khỏi vệ tinh. Rõ ràng, mặt đất bị biến dạng dọc theo và gần đường đứt gãy Đông Anatolian.
Bản đồ thể hiện đứt gãy do động đất hôm 6/2 thu được từ vệ tinh. Đồ họa: BBC.
Cả trận động đất 7,8 độ đầu tiên và trận động đất 7,5 độ thứ 2 đều chứng kiến loại đứt gãy trượt ngang trái, tức dịch chuyển sang bên trái người quan sát. Điều bất ngờ là các đường đứt gãy chạy xuyên qua các khu dân cư, thậm chí là cắt thẳng các tòa nhà.
Đứt gãy trượt ngang. Loại đứt gãy này có thể không giải phóng nhiều năng lượng như một số loại đứt gãy trượt nghiêng, nhưng sức tàn phá có thể nặng nề hơn bởi diễn ra gần bề mặt hơn. Ảnh: Reuters.
Dữ liệu từ Sentinel sẽ giúp các nhà khoa học hiểu chính xác những gì xảy ra vào hôm 6/2. Thông tin sẽ được đưa vào các mô hình về cách thức hoạt động của động đất trong khu vực, và cuối cùng là các đánh giá rủi ro chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lên kế hoạch tái thiết nơi này.
Ngoài ra, giới khoa học chắc chắn sẽ thảo luận thêm về mối liên hệ giữa 2 trận động đất lớn, và điều này có ý nghĩa thế nào với những bất ổn diễn ra trong tương lai.
Một trong những vết nứt dài nhất từng được ghi nhận
Trung tâm quan sát và lập mô hình động đất, núi lửa và mảng kiến tạo Anh (COMET) là bên đã xử lý bản đồ này.
Theo Space, trận động đất đầu tiên tạo ra đứt gãy dài 300 km theo hướng đông bắc từ biển Địa Trung Hải. Đứt gãy khác dài 125 km xuất hiện sau trận động đất thứ 2 sau đó khoảng 9 giờ.
Giáo sư Tim Wright, giám đốc COMET, cho hay những vết đứt gãy như này thường xuất hiện sau động đất mạnh. Tuy nhiên, hai vết này dài bất thường, minh chứng cho thấy khối năng lượng khổng lồ 2 trận động đất giải phóng.
"Động đất càng lớn thì đứt gãy càng lớn và trượt càng nhiều”, ông Wright cho hay. “Đứt gãy trong trận động đất này là một trong những vết nứt dài nhất từng được ghi nhận trên các lục địa. Việc 2 trận động đất lớn như vậy xảy ra cách nhau vài giờ cũng rất bất thường”.
Người đàn ông đứng giữa đống đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7/2. Ảnh: Reuters.
Nói với BBC, ông cho hay COMET có thể lập bản đồ vết đứt gãy bằng vệ tinh vì mặt đất xung quanh chúng dịch chuyển, trong trường hợp này lên đến 5-6 m. “Khu vực gần nơi đứt gãy sẽ có thiệt hại lớn nhất. Tuy nhiên, khu vực rộng xung quanh cả hai phía của vết nứt cũng ghi nhận hậu quả. Điều này thực sự khủng khiếp”, ông nói thêm.
Trước khi có vệ tinh, các nhà địa chất sẽ lập bản đồ các đứt gãy động đất bằng cách lần theo các đường đứt gãy. Quá trình này tốn nhiều công sức và cũng bỏ sót nhiều chi tiết. Công nghệ radar giao thoa từ không gian được phát triển vào những năm 1990, và trong những năm gần đây, trở thành công cụ đặc biệt hấp dẫn.
Ngày nay, có thể đưa sản phẩm dữ liệu vào máy tính của các chuyên gia và sẵn sàng phân tích trong vòng vài giờ sau khi vệ tinh bay qua. Tuy nhiên, COMET đã phải đợi tới vài ngày để Sentinel-1A đứng đúng điểm có thể bao quát một cách tối ưu về Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ được cải thiện khi ngày càng có nhiều vệ tinh radar được phóng lên.
"Vào cuối thập kỷ này, chúng ta có thể thực hiện phân tích này trong vòng một ngày với những trận động đất gây thiệt hại nặng nề nhất, tối ưu hóa quá trình cứu hộ cứu nạn”, giáo sư Wright nói.
Vết nứt lớn từ góc nhìn trên cao sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Sau trận động đất 7,8 độ rạng sáng 6/2, một vết nứt lớn đã xuất hiện tại tỉnh Kahramanmaraş, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hàng đầu do động đất.
Nguồn Zing