Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vi khuẩn lao tấn công mạch máu 3 người
Thứ bảy: 10:29 ngày 18/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
6 tháng đầu năm, Bệnh viện Bình Dân mổ cấp cứu ba bệnh nhân bị thủng động mạch chủ do lao.

Bác sĩ Hồ Khánh Đức, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, ngày 17/7 cho biết bệnh nhân thứ nhất là người đàn ông, 50 tuổi, quê Trà Vinh. Ông nhập viện vì đau bụng dữ dội vùng quanh rốn và hông lưng. Bệnh nhân từng điều trị lao phổi ba năm trước.

Chẩn đoán hình ảnh ghi nhận vết rách ở thành trái động mạch chủ bụng, tạo túi phình to gần bằng quả banh tennis đang dọa vỡ. Các bác sĩ mổ cấp cứu loại bỏ đoạn mạch bị viêm và thay bằng ống ghép nhân tạo.

Bệnh nhân thứ hai, 43 tuổi, quê Bến Tre, nhập viện vì đau vùng quanh rốn, từng điều trị lao phổi và lao hạch trước đó 6 tháng. Bác sĩ chẩn đoán động mạch chủ đoạn nằm dưới động mạch thận có túi phình lớn hơn quả chanh lớn. "May mắn tại vết thủng máu chảy rỉ rả, nếu tổn thương gây chảy máu lượng nhiều vào ổ bụng thì người bệnh có thể tử vong vào bất cứ lúc nào", bác sĩ Đức phân tích.

Nhập viện gần đây là bệnh nhân 64 tuổi, quê Cà Mau, cấp cứu vì nôn ói ra máu, đi tiêu phân đen, từng bị lao trước đó. Bác sĩ phẫu thuật cấp cứu ghi nhận vách động mạch bị thủng 2 cm, thông vào tá tràng. Kíp mổ bóc tách tá tràng khỏi vách động mạch chủ, khâu lỗ thủng tá tràng, cắt bỏ đoạn mạch máu bị huỷ hoại.

Theo bác sĩ Khánh, cả ba trường hợp, kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận các tổn thương do lao gây ra. Khác với bệnh nhân vỡ động mạch chủ do vỡ túi phình thông thường, các trường hợp lao mạch máu cần được chẩn đoán sớm và điều trị theo phác đồ lao ngoài phổi ngay sau mổ. Nếu không các tổn thương lao tiếp tục tiến triển âm thầm, tăng nguy cơ nhiễm trùng mảnh ghép gây viêm thủng mạch máu, đột tử do mất máu.

Ba bệnh nhân đang đáp ứng điều trị lao và thể trạng cải thiện tốt. "Lao vách mạch máu dẫn tới phình động mạch chủ, thủng vỡ động mạch chủ là bệnh hiếm gặp", bác sĩ Đức chia sẻ. Bệnh không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, diễn tiến âm thầm nên rất nguy hiểm.

Bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân thủng động mạch. Ảnh: Trần Nhung.

Y văn ghi nhận tất cả bệnh nhân sống sau điều trị đều phải phối hợp phẫu thuật và thuốc chống lao. Không có bệnh nhân nào sống nếu chỉ điều trị thuốc lao đơn thuần. Ngược lại khả năng tái phát cao nếu chỉ phẫu thuật mà không dùng thuốc lao kèm theo.

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh có tiền sử đã và đang điều trị lao, nếu đau bụng kéo dài với khối u vùng bụng hoặc đột ngột mất tri giác do sốc mất máu, cần đến cơ sở chuyên khoa về mạch máu để khám và cấp cứu kịp thời.

Hiện nay các trường hợp phình giả động mạch chủ phải làm giải phẫu bệnh thành mạch hoặc tìm sự hiện diện vi khuẩn lao. Khi xác định chẩn đoán phình động mạch do lao, cần phẫu thuật cấp cứu dù túi phình nhỏ và phối hợp điều trị thuốc lao theo phác đồ.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh