Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vì sao 7 hành tinh mới phát hiện có khả năng có sự sống?
Chủ nhật: 09:03 ngày 26/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu 7 hành tình có kích thước tương đương Trái Đất – nơi có khả năng hỗ trợ cho sự sống phát triển.

Có 7 hành tinh với kích thước gần tương đương với Trái Đất, đủ ấm để trữ nước và tạo điều kiện cho sự sống tồn tại. Tất cả đều chuyển động xung quanh một ngôi sao nhỏ và mờ, được đặt tên là Trappist-1, thuộc chòm sao Bảo Bình.

Do hệ thống sao này chỉ cách Trái Đất 39 năm ánh sáng, phát hiện càng làm tăng thêm hy vọng sẽ sớm tìm ra được sự sống đang tồn tại ngoài Hệ Mặt Trời khi chúng ta phát triển được kính viễn vọng thế hệ tiếp theo trong thập kỷ tới.


So sánh 7 hành tinh thuộc hệ sao Trappist-1 (trên) và một số hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời (dưới). (Nguồn: NASA)

Đây là lần đầu tiên có nhiều hành tinh với kích thước tương đương Trái Đất được phát hiện như vậy, là một thu hoạch lớn nằm ngoài sự mong đợi của các nhà khoa học.

Các hành tinh đều chuyển động xung quanh ngôi sao lùn Trappist-1 - ứng viên số 1 cho hành trình tìm dấu hiệu của sự sống. Chỉ lớn hơn chút xíu so với sao Mộc, ngôi sao này có nguồn sáng yếu bằng 1/2.000 lần so với Mặt Trời của Trái Đất.

"Ngôi sao này rất nhỏ và không quá nóng, do đó bảy hành tinh quay xung quanh nó có nhiệt độ cũng rất ôn hòa, tức là có thể trên đó sẽ có nước ở dạng lỏng, cũng có thể có cả sự sống nữa", theo nhận định của ông Michaël Gillon, chuyên gia nghiên cứu vật lý học thiên thể tại trường Đại học Liege, Bỉ.

Các hành tinh này đều có kích thước tương đương với Trái Đất, từ nhỏ hơn 25% đến lớn hơn 10% – ông Gillon cho biết.

Theo tính toán của các nhà khoa học, mọi sự sống nếu có sẽ được quan sát rõ ràng nhất nếu người quan sát có thể đứng từ vị trí của ngôi sao Trappist-1. Ngược lại, nếu đứng quan sát từ bề mặt hành tinh thứ 5, nơi được coi là có nhiều khả năng xuất hiện sự sống nhất, ngôi sao Trappist-1 với màu hồng - da cam sẽ hiện ra với kích thước lớn hơn gấp 10 lần so với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất.

Còn các hành tinh khác sẽ bay lơ lửng phía trên theo quỹ đạo của chúng với kích thước quan sát to gấp 2 lần so với Mặt Trăng mà chúng ta nhìn từ Trái Đất. Theo chia sẻ của ông Amaury Triaud thuộc Viện Nghiên cứu Thiên văn học, trường Đại học Cambridge, thì "bức tranh đó quả là rất đẹp mắt".


Sao Trappist-1 với màu hồng-da cam khi được quan sát từ bề mặt hành tinh thứ 5. (Nguồn: NASA)

Các nhà nghiên cứu đều đang rất nóng lòng muốn có câu trả lời cho câu hỏi: “Liệu có sự sống trên các hành tinh đó hay không?” trong vòng một thập kỷ tới – ông Triaud cho biết. "Theo tôi, chúng ta đã có được một bước tiến tuyệt vời trong hành trình khám phá sự sống ngoài hành tinh. Nếu như sự sống trên đó có quá trình phát triển giống với Trái Đất thì chúng ta sẽ sớm khám phá ra được rất nhiều điều bí ẩn".

Các nhà thiên văn học cho biết, năm ngoái họ đã phát hiện ra 3 hành tinh có quỹ đạo bay xung quanh Trappist-1, là ngôi sao họ đặt tên theo tên của kính viễn vọng Trappist được lắp đặt tại vùng sa mạc của Chile.

Khám phá này là cơ sở thúc đẩy hơn nữa các hoạt động quan sát từ Trái Đất và trong vũ trụ. Kính viễn vọng không gian Spitzer của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã quan sát ngôi sao này trong 21 ngày và, cộng với các dữ liệu thu thập được từ các quan sát khác, đã khám phá ra được tổng cộng 7 hành tinh bay xung quanh Trappist-1. Kích thước từng hành tinh được tính toán dựa trên lượng ánh sáng sao mà chúng phản xạ, còn khối lượng được tính toán dựa trên quãng đường mà nó bị hút và đẩy bởi các hành tinh cùng hệ khác.

Các hành tinh này có quỹ đạo ngắn, chỉ chừng từ 1,5 đến 20 ngày là hoàn thành một vòng bay xung quanh ngôi sao chủ. Với khoảng cách gần như vậy, hầu hết trong số chúng chỉ có một bên nhìn về phía sao Trappist-1 (tương tự trường hợp Mặt Trăng, chỉ có một bên nhìn về Trái Đất). Một số hành tinh trong đó được cho là có nhiệt độ phù hợp để chứa nước, tất nhiên cũng còn tùy thuộc vào đặc điểm của bầu khí quyển.

Các nhà khoa học cho biết, khi Mặt Trời của chúng ta đốt cháy hết năng lượng của nó và tàn lụi trong vòng vài tỷ năm tới, thì Trappist-1 vẫn còn là một ngôi sao trẻ. Lượng hydro của nó bị đốt cháy rất chậm, kéo dài tới 10.000 tỷ năm, tức là lâu hơn gấp 700 lần so với thời gian tồn tại tính đến nay của vũ trụ. Thế nên vẫn còn rất nhiều thời gian để sự sống có thể sinh sôi nảy nở trên các hành tinh quay xung quanh nó.

Nguồn Baoquocte (theo The Guardian)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục