Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì sao bắt ông Dương Văn Thái phải được Thường vụ Quốc hội đồng ý?
Thứ năm: 18:40 ngày 02/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết đồng ý đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội vừa phát hành thông cáo báo chí cho biết, hôm 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1046, đồng ý đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thời tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV, kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Ông Dương Văn Thái. 

Ông Dương Văn Thái hiện là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang khóa XV.
Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định: "Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội".
Theo Điều 37, Luật tổ chức Quốc hội 2014 quy định về quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội nêu rõ: “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý”.
Như vậy, ông Dương Văn Thái là đại biểu Quốc hội khóa XV, việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái phải được sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Thái thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao.
Theo Điều 39, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về việc tạm đình chỉ hoặc mất quyền đại biểu Quốc hội: “Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.
Đại biểu Quốc hội được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật”. 
Ông Dương Văn Thái sinh năm 1970, quê ở Bắc Giang, có trình độ Tiến sĩ Kinh tế. Quá trình công tác của ông Dương Văn Thái trải qua nhiều vị trí tại tỉnh Bắc Giang. Ông từng là cán bộ Phòng Văn hóa thông tin Thể dục thể thao thị xã Bắc Giang; Phó Chi cục, Trưởng Chi cục Thuế thị xã Bắc Giang. Sau đó, ông Thái nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại địa phương như Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang; Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Tháng 10/2020, ông Dương Văn Thái được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang khóa XIX nhiệm kỳ 2020-2025 và giữ cương vị đó cho đến nay.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan, trước đó, ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Hôm 15/4, C03 đã bắt ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An bị khởi tố về tội Đưa hối lộ.
Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang) cùng bị khởi tố, bắt giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ. Ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang bị khởi tố, bắt giam về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn kienthuc.net.vn

Tin cùng chuyên mục