PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vì sao Bộ Công an bỏ đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu?
Chủ nhật: 06:48 ngày 06/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học, Bộ Công an giữ nguyên mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn như trong Nghị định 100.

Tại họp báo quý 3-2024 của Bộ Công an diễn ra vào chiều 4-10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08), đã thông tin về đề xuất giảm tiền phạt người vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu.

Bộ Công an bỏ đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn

Theo tướng Mừng, tại dự thảo Nghị định xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, trước đó, Ban soạn thảo đề xuất giảm mức phạt tiền còn từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng (thay vì 6-8 triệu đồng với ô tô) và 400-600.000 đồng (thay vì 2-3 triệu đồng với xe máy) với mức vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định mới nhất đang được Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công an đã bỏ đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu.

"Ngay sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các nhà khoa học, trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an vẫn giữ nguyên mức xử phạt về nồng độ cồn như trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP" - lãnh đạo Cục CSGT cho biết thêm.

Tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, liên tục cập nhật các phương thức mới
Cũng tại họp báo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, chia sẻ về vấn nạn giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Trung tá Tùng, tình trạng và phương thức, thủ đoạn giả mạo để lừa đảo đã xuất hiện khoảng 10 năm. Tuy nhiên, vẫn có nạn nhân sập bẫy bởi các đối tượng lừa đảo liên tục cập nhật các hình thức, phương thức mới rất nhanh.

"Nếu trước đây chỉ giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát thì nay các đối tượng đã mạo danh cán bộ công an cấp phường, xã để hỗ trợ làm định danh mức 2 đối với ứng dụng VNeID. Qua đó, lừa nạn nhân cài phần mềm độc hại lên thiết bị để qua đó chiếm quyền điều khiển, chiếm đoạt tài sản" - Trung tá Tùng nói.

Khi các ngân hàng yêu cầu xác minh sinh trắc học để chuyển khoản, ông Tùng cho biết các đối tượng lại giả mạo nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cài sinh trắc học.

Trước các thủ đoạn trên, Cục An ninh mạng đã phối hợp với các tập đoàn công nghệ để triển khai các giải pháp sàng lọc thông tin, xóa bỏ các ứng dụng giả mạo.

Khi được phóng viên hỏi về kết quả điều tra 16 vụ lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng năm 2023, Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết Cục An ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự kiến sẽ được đưa vào kỳ họp tới.

"Đây là giải pháp căn cơ để có hành lang pháp lý để thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân" - ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng thông tin Cục An ninh mạng thường xuyên phối hợp với các bên để rà soát, đánh giá về an toàn thông tin; rà soát các quy trình, quy chế; yêu cầu phải thực hiện đúng các quy định để đảm bảo an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin.

"Bộ Công an thường xuyên kiểm tra, đánh giá, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội để thực hiện mua bán dữ liệu cá nhân. Chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động trinh sát và xử lý khi có đủ tài liệu, chứng cứ" - đại diện Cục An ninh mạng nói.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục