Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vì sao dịch vụ tư nhân chậm phát triển?
Thứ năm: 10:07 ngày 07/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các thống kê gần đây cho thấy, có đến 80% khối doanh nghiệp (DN) tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Và khối kinh tế tư nhân đang đóng góp hơn 40% GDP cả nước.

Điều này cho thấy dịch vụ tư nhân đang phát triển và bao phủ sóng nhiều hoạt động, từ những dịch vụ đơn giản như đi chợ thuê, dịch vụ vận chuyển, đến xuất nhập khẩu, giao hàng, logistics... Sự có mặt của đội ngũ DN tư nhân cung cấp dịch vụ đã làm cho thị trường sôi động, cạnh tranh và giá cả tốt hơn cho người tiêu dùng. 

Một ví dụ điển hình của thị trường vận chuyển, từ sự có mặt của Uber, Grab, hệ thống taxi ở Việt Nam trở nên linh hoạt, giá cả cạnh tranh và người dân được cung cấp chi phí đi lại ít đắt đỏ hơn. Sự có mặt của các hãng hàng không tư nhân trong vài năm qua rõ ràng đã làm giá vé máy bay ngày càng rẻ hơn và nhiều người có khả năng chọn lựa đi lại bằng phương tiện hàng không.

Tư nhân tham gia vào các ngành dịch vụ là xu thế chung của nền kinh tế thị trường và của thế giới. Việc mở toang các cánh cửa cho tư nhân đầu tư trong khuôn khổ kiểm soát của cơ quan quản lý đang là điều thiết yếu thời kỳ hội nhập. Vậy nhưng, trong chừng mực nào đó, ở từng tỉnh thành khác nhau, việc mở cánh cửa thông thoáng cho DN tư nhân phát triển vẫn còn nhiều e dè và phân biệt.

Thấy rõ nhất là ở khu vực dịch vụ công, như cung cấp điện, nước, xử lý rác thải; các công trình công cộng như thoát nước, bảo dưỡng công viên, cây xanh... Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất, cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích đã mở ra 21 lĩnh vực được thực hiện theo phương thức đấu thầu, nhưng thực tế đến nay vẫn thấy vắng bóng dịch vụ tư nhân về dịch vụ này. 

Điểm lại những khu vực thiết yếu và thường gây nhiều bức xúc cho người dân, như dịch vụ truyền tải điện: tư nhân, nhà đầu tư được đầu tư nguồn cung ứng, nhà máy... nhưng truyền tải phân phối và bán điện đến nhà dân thì... không! Còn dịch vụ cung ứng nước sạch? Tại nhiều tỉnh thành, tư nhân vẫn được đầu tư nhưng khu vực nội thành (phần thu lợi dễ nhất) thì công ty cung ứng nước của nhà nước phụ trách, phần các huyện xa, hẻo lánh, hoặc khu vực đầu tư đường ống hao tốn, số hộ dân ít, rủi ro đầu tư cao thì cho tư nhân đấu thầu...

Ngay cả khâu thoát nước hay thu gom rác thải, chúng ta vẫn quen điều hành theo thời bao cấp cũ, nghĩa là chính quyền tỉnh thành giao kế hoạch đến các công ty dịch vụ công ích, từ đây mới khoán từng phần nhỏ cho dịch vụ tư nhân. 

Điều khó hiểu nhất là rất nhiều công ty công trình đô thị, công ty dịch vụ công ích... đã cổ phần hóa, nhưng vẫn hoạt động theo kiểu: giao kế hoạch năm, hoàn thành kế hoạch năm... Từ đây hình thành cái gọi là xin cho, xét quan hệ mới giao khoán, giao thầu... DN tư nhân không có mối quan hệ không có cửa để nhận thầu lại các dịch vụ...

Theo số liệu nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tại nhiều tỉnh thành, gần như 100% chi phí sử dụng hoạt động dịch vụ công ích được thực hiện theo hình thức đặt hàng, giao kế hoạch, không thông qua đầu thầu rộng rãi. Độc quyền xài tiền ngân sách thay vì đấu thầu đã khiến chi phí các hoạt động công ích tăng quá cao hàng năm, trong khi gạch lát đường cứ bong tróc, cống thoát nước vẫn tắc, đường vẫn ngập... 

Một lĩnh vực khác đang khiến nhiều DN bức xúc, là lĩnh vực cấp bằng sở hữu công nghiệp (SHCN), sở hữu trí tuệ (SHTT). Cả một cục quản lý với hàng trăm nhân viên sống bằng lương ngân sách hàng tháng, nhưng việc xin cấp bằng SHCN với DN là hành trình vô cùng gian nan. Rất nhiều cơ quan quản lý nhận những nhiệm vụ thuộc về lĩnh vực phải hỗ trợ các DN Việt ra biển lớn, lại đang hành xử như một cơ quan công quyền ban phát, xét duyệt, làm khó... Mà thật ra ở các nước phát triển, lĩnh vực này không phải phạm vi “có thể ảnh hưởng quốc phòng, an sinh xã hội...” nên đã được tư nhân hóa, nhờ vậy nhà nước vừa đỡ chi phí lương cho bộ máy, vừa đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, dịch vụ phục vụ DN vừa tốt hơn, minh bạch hơn. 

Gần đây, chúng ta đang hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, ở các nước phát triển, họ đã chuyển từ nền hành chính công truyền thống (Public Administration) sang quản lý công mới (New Public Management). Nhà nước thay vì đóng vai trò “chèo thuyền” đứng ra ôm đồm làm mọi việc, thì chuyển sang vai trò “cầm lái”, tức là lãnh đạo và dẫn dắt. Nhà nước chỉ tập trung vào chức năng cốt lõi của nhà nước. Còn chuyện cung cấp dịch vụ thì khu vực tư năng động và hiệu quả có thể làm tốt hơn khu vực công rất nhiều. Nhà nước có thể là “chủ đầu tư” - người bỏ tiền ra chi trả cho chi phí dịch vụ công, nhưng người cung cấp dịch vụ là các DN tư nhân, các DN nhà nước đã cổ phần hóa được xét chọn qua đấu thầu công khai.

Có rất nhiều lĩnh vực nhà nước không cần phải ôm đồm như hiện nay, từ cung cấp giải pháp quản lý an toàn thực phẩm, khai thuế, thu gom rác, cung cấp điện, nước... Khi không còn tình trạng độc quyền, xin cho, sẽ không còn lợi ích nhóm, DN sân sau, và lúc đó trong các dịch vụ hành chính công, tiêu chí phục vụ khách hàng - người dân, cải cách thủ tục hành chính mới thực sự đặt lên hàng đầu.

Vấn đề là làm cách nào để DN tư nhân được chào đón nhiều hơn trong lĩnh vực dịch vụ công? Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nguyên nhân dịch vụ tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển, là do quan điểm: “Từ xưa đến nay, cung cấp các dịch vụ công ích vẫn được mặc định là nhiệm vụ của các DN nhà nước. Dù rất tiềm năng nhưng các DN tư nhân muốn bước vào lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, không chỉ từ khuôn khổ pháp lý mà còn từ sự hoài nghi, sự lo ngại, thói quen và cả ràng buộc lợi ích...”.

Để thay đổi một quan điểm rất cần một hệ thống luật, nghị định, quy định đồng bộ và quan trọng hơn là việc kiểm soát bộ máy thực thi, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiệm cận, tham gia nhiều hơn vào các dịch vụ thiết yếu của xã hội.

Nguồn SGGP

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh