Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đường phố bất ngờ đông đúc trong thời gian giãn cách xã hội khiến nhiều người lo lắng cho thành quả phòng chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua của TP HCM
Để bảo vệ thành quả phòng chống dịch Covid-19 suốt từ đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát, UBND TP HCM đã chỉ đạo tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ thêm 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 2-8 trên toàn TP.
Điều này đồng nghĩa với việc đến hết ngày 16-8, mọi người dân TP vẫn phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức; mọi người chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết. Vậy mà...
Bất ngờ và bức xúc
Ghi nhận trên một số tuyến đường trung tâm TP HCM như Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Ngô Gia Tự, nút giao Lý Thái Tổ (quận 10), Hồng Bàng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương (quận 5), Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận)..., suốt từ trưa đến chiều 10-8, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi lượng xe cộ khá tấp nập. Ngoài những phương tiện cấp cứu, chở hàng hóa thiết yếu, vẫn còn nhiều người nhìn là biết nếu bị "vịn" lại chắc chắn sẽ vi phạm quy định giãn cách.
Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch trên đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM) kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội .Ảnh: TRẦN THẮNG
Lúc 15 giờ, trong gần chục xe dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Tri Phương - An Dương Vương (quận 5), chúng tôi bắt gặp 4 thanh niên (2 nam, 2 nữ) tuổi tầm 18-20 chở nhau trên 2 xe máy, đậu sát nhau để thoải mái nói cười. Hay trước đó tầm 20 phút, ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng (quận 1), 2 em nhỏ vô tư chở nhau trên xe đạp.
"Mấy em nhỏ này đâu có lý do gì để ra đường, vậy mà cha mẹ chúng vẫn để con đi, cứ như vậy sao chúng tôi không lo được" - chị Hòa, thuê cửa hàng gần góc ngã tư trên, đứng bên trong cửa kính nói với ra khi chúng tôi ngõ ý muốn hỏi chị đánh giá về lượng xe cộ lưu thông trên đường Hai Bà Trưng mấy ngày qua.
Theo chị Hòa, con đường Hai Bà Trưng đã đông trở lại từ ngày 9-8, chính việc này khiến chị lo sợ nguy cơ lây nhiễm tiếp tục gia tăng, làm tăng thời gian tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. "Nói thật, người thuê mặt bằng kinh doanh như chúng tôi đang mong ngóng từng ngày được mở cửa trở lại.
Vì vậy, rất mong các cơ quan truyền thông kịp thời lên tiếng về hiện tượng đường phố đông lên bất thường này để các cơ quan chức năng tìm ra khe hở cũng như đưa ra giải pháp chấn chỉnh" - chị Hòa đề nghị.
Trưa 10-8, đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP HCM) đông đúc xe cộ lưu thông dù đang trong những ngày giãn cách xã hội .Ảnh: TRẦN THẮNG
Không chỉ ở khu trung tâm, ghi nhận ở nhiều quận, huyện khác và TP Thủ Đức cho thấy xe cộ lưu thông trên đường đang có dấu hiệu đông lên trong ngày 10-8. Điển hình, trên đường Phạm Hùng (nối quận 8 và huyện Bình Chánh), đường Kinh Dương Vương (quận 6), đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), đường Lê Đại Hành (quận 11), đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt (TP Thủ Đức)..., suốt từ sáng đến trưa luôn đông người xe qua lại.
Các cơ quan chức năng đã làm hết sức
Công an TP Thủ Đức khẳng định thời gian qua, tổ công tác TP Thủ Đức phối hợp với lực lượng công an 34 phường thường xuyên tổ chức tuần tra lưu động, xử lý các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, công an tại các phường được gỡ phong tỏa đã có đề xuất thay đổi chốt kiểm dịch thành chốt kiểm soát để bảo đảm quy định phòng chống dịch Covid-19 và xây dựng vùng xanh trên địa bàn phường.
"Từ khi lập các chốt kiểm soát ở các tuyến đường trên 34 phường tại TP Thủ Đức, tổ công tác đã làm tốt nhiệm vụ khi hạn chế người ra vào địa bàn phường, tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19" - đại diện Công an TP Thủ Đức nói.
Tương tự, đại úy Nguyễn Thái Hoàng, cán bộ Công an quận 6, cho biết qua kiểm tra việc đi lại của người dân qua chốt trên đường Kinh Dương Vương chủ yếu là các lý do đi khám bệnh, đi làm, đi mua thực phẩm.
Tuy nhiên, cũng có những người dân ra ngoài không có lý do chính đáng và đối với những trường hợp này đã bị xử phạt theo đúng quy định. "Có những trường hợp không hiểu, tỏ thái độ không hợp tác thì lực lượng làm nhiệm vụ phải thuyết phục để họ chấp hành theo Chỉ thị 16" - đại úy Nguyễn Thái Hoàng nói và khẳng định xử lý nghiêm mọi trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.
Trong khi đó, tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 nằm trên đường Phạm Hùng (giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh), quan sát cho thấy tất cả các loại xe lưu thông từ huyện Bình Chánh sang quận 8 đều được kiểm tra một cách nghiêm ngặt.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM, nhấn mạnh vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, PC08 đã tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Bên cạnh duy trì bố trí các chốt trạm (có rào chắn di động) trên tuyến đường đảm trách, các đội, trạm trực thuộc phòng còn phân công các tổ tuần tra kiểm soát người dân thực hiện Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12. "Việc xử lý vi phạm được cán bộ chiến sĩ thực hiện dứt khoát, cương quyết, nhanh chóng" - thượng tá Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Rõ nguyên do!
Liên quan đến tình trạng người dân 2 ngày qua ra đường nhiều bất thường, thượng tá Nguyễn Văn Bình cho rằng bên cạnh những nỗ lực chấn chỉnh của lực lượng chức năng, lãnh đạo PC08 hy vọng chính quyền các cấp cùng các cơ quan báo, đài sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về những chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch đến người dân để nâng cao ý thức đến từng nhà, từng người.
"Cuộc chiến phòng chống dịch bệnh này là cuộc chiến của ý thức, chỉ khi từng người dân đều hiểu, biết thì mới chấp hành. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của lực lượng chức năng hiện nay" - thượng tá Nguyễn Văn Bình nói.
Trở lại câu chuyện của 4 thanh niên trên đường Nguyễn Tri Phương, chúng ta sẽ thấy phân tích của thượng tá Nguyễn Văn Bình hoàn toàn xác đáng. Cụ thể, trong vai người hỏi đường sang quận 8, chúng tôi được một người trong nhóm cảnh báo: "Mấy chú chạy sang quận 8 coi chừng bị chốt "vịn" đó".
Sao tụi con không sợ? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, nhóm thanh niên cười phá lên, cô gái trẻ trong nhóm nói: Tụi con nắm rõ từng chốt kiểm soát dịch trên địa bàn quận 5, quận 10 nên cứ thế vô tư thôi! Vậy không sợ bị lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường? "Thành phố có hàng ngàn con đường lực lượng nào phủ xuể hả chú. Xui lắm mới bị "vịn" thôi chú ơi" - nhóm thanh niên vừa cười vừa nói trước khi cho xe rẽ vào đường Nguyễn Trãi.
Có lẽ nắm bắt được tình hình, nhiều người vẫn lén lút đi nội quận nên mấy ngày qua không ít khu chợ tạm bắt đầu mọc lên. Điển hình là 2 ngày qua, hàng chục hộ dân ở khu chợ tạm trên đường Tạ Quang Bửu (phường 4, quận 8) đã hoạt động trở lại mà không được phép.
Tương tự, tại giao lộ Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), khu chợ tự phát cũng đã tái diễn, người bán chất hàng hóa lên xe gắn máy và vô tư bán hàng cho người đi đường.
"Đối với các khu vực thường xuyên để xảy ra các tình trạng tụ tập đông người, các chợ tự phát mà không khắc phục triệt để thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về các cấp ủy, chính quyền địa phương" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu, nói.
Theo ông, chính các chợ tự phát đã góp phần không nhỏ cho việc gia tăng người dân ra đường không có lý do chính đáng trong những ngày giãn cách. Vì vậy thời điểm này, các quận, huyện cần tăng thêm nhiều điểm bán lưu động bảo đảm an toàn đáp ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Riêng về việc lập chốt kiểm soát dịch, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên đường, theo vị luật sư này, thì rõ ràng không thể cung cấp đủ cán bộ để chốt chặn ở các cung đường phường nối phường, quận nối quận; không thể có đủ các tổ kiểm tra di động trên hàng ngàn con đường để kịp thời phát hiện những người ra đường không đúng quy định. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là ý thức chấp hành của từng cá nhân phải là điều tiên quyết.
"Từ ngày 14 đến 31-7, PC08 đã xử lý 996 trường hợp người dân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Riêng lực lượng CSGT các quận, huyện, TP Thủ Đức đã xử phạt 5.017 trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Nguồn NLĐO