Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong mâm cỗ cúng giao thừa hay cúng gia tiên ngày Tết đã từ lâu không thể thiếu con gà luộc ngậm hoa hồng đỏ và đĩa xôi gấc đỏ tươi.
(Ảnh: Internet)
Theo truyền thuyết, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra mặt đất, nơi này rất lạnh lẽo, ẩm thấp mới sai 10 mặt trời ngày đêm soi sáng. Vì quá nhiều mặt trời nên đất khô, nứt nẻ. Do đó, đã có 1 dũng sĩ quyết giương cung bắn hạ mặt trời. 9 mặt trời bị bắn hạ. Mặt trời cuối cùng sợ quá bay trốn lên cao, không dám ló ra nữa. Lúc này mặt đất lại lạnh lẽo, tối tăm. Con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời. Chẳng con nào gọi được, cuối cùng chỉ có con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy khiến mặt trời tò mò ngó xuống, dần hạ thấp độ cao, khiến mặt đất lại sáng bừng lên.
Do đó, khi đến đêm giao thừa (trừ tịch) - đêm trời đất tối tăm nhất, cũng là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất, mọi người lại kháo nhau cúng gà trống để gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm.
Ngoài ra, ông bà xưa cho rằng, sở dĩ gà trống được chọn để cúng trong đêm giao thừa là bởi gà trống là loài có 5 đức lớn:
- Văn: mào trông như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ, biểu tượng cho văn.
- Võ: cựa gà là vũ khí, biểu tượng cho võ.
- Dũng: sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đàn, biểu tượng cho dũng khí.
- Nhân: gà trống đầu đàn luôn gọi bầy đến rồi mới ăn cùng, không bao giờ ăn một mình, biểu tượng cho nhân.
- Tín: luôn gáy đúng giờ bất kể thời tiết, mùa, biểu tượng cho tín.
Thế nên, từ bấy lâu nay, trong mâm cỗ cúng giao thừa hay cúng gia tiên ngày Tết đã từ lâu không thể thiếu con gà luộc và đĩa xôi gấc đỏ tươi, dù không với ý nghĩa "gọi mặt trời" như xưa nhưng với mong muốn cầu sự may mắn, khỏe mạnh cho gia đình trong cả năm. Điều đặc biệt thì đây phải là gà trống, hướng vào bát hương và miệng phải ngậm bông hoa hồng như để biểu thị cho sự may mắn, mang vận đỏ đến cho cả năm.
Nguồn Trí thức trẻ