Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xung quanh sai phạm tại Trường THCS Thị trấn Tân Biên:
Vì sao kiến nghị xử lý “bộ ba”, truy tố một mình kế toán ?
Thứ hai: 06:37 ngày 11/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xung quanh các sai phạm của hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ, nhiều người đặt câu hỏi: vì sao Chủ tịch UBND huyện Tân Biên kiến nghị xử lý “bộ ba”, cuối cùng chỉ có kế toán “dính” hình sự?

IMG_16377.jpg

Trường THCS thị trấn Tân Biên. Ảnh Việt Đông

Sai phạm tại Trường THCS thị trấn Tân Biên được Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Nghĩa ký kết luận, trong đó nêu rõ sai phạm của hiệu trưởng, kế toán, thủ quỹ có dấu hiệu tội phạm hình sự.

Chủ tịch UBND huyện cũng có văn bản chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an huyện điều tra xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi Cơ quan CSĐT ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can ra toà xét xử, hiệu trưởng và thủ quỹ không có tên...

Sau đó, Viện KSND huyện cũng ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Thị Hoàng Anh- nguyên kế toán Trường THCS thị trấn Tân Biên ra toà án xét xử về tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm c, d, khoản 2 Điều 278 BLHS 1999.

Xung quanh các sai phạm của hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ, nhiều người đặt câu hỏi: vì sao Chủ tịch UBND huyện Tân Biên kiến nghị xử lý “bộ ba”, cuối cùng chỉ có kế toán “dính” hình sự?

KẾ TOÁN BỊ TRUY TỐ TỘI “THAM Ô TÀI SẢN”

Cáo trạng của Viện KSND huyện cho biết, bị can Nguyễn Thị Hoàng Anh làm kế toán của Trường THCS thị trấn Tân Biên từ ngày 1.10.2012.

Trong thời gian làm kế toán, bị can Hoàng Anh nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho trường từ đầu năm 2015. Lợi dụng việc thanh toán tiền lương qua thẻ ATM và được các giáo viên uỷ thác trả hộ tiền vay Ngân hàng Quân đội (MB Bank) qua thẻ ATM, Hoàng Anh đã cố ý kê khống thêm tiền lương bằng hình thức cộng thêm phần tiền muốn chiếm đoạt vào cột tổng của bảng lương, sau đó làm giấy rút dự toán bằng với tổng lương đã được kê thêm, lập danh sách chuyển lương qua ngân hàng. Số tiền kê thêm bằng các hình thức như nêu trên được chuyển vào tài khoản của Hoàng Anh.

Thời gian đầu, Hoàng Anh chỉ kê thêm với số tiền nhỏ. Đến tháng 7.2015, Hoàng Anh được các giáo viên uỷ thác trả hộ tiền vay MB Bank qua thẻ ATM nên đã kê thêm số tiền chiếm đoạt ngày càng lớn.

Với thủ đoạn này, từ tháng 1.2015 đến tháng 11.2016, Hoàng Anh đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 129 triệu đồng (năm 2015 chiếm hơn 45,1 triệu đồng, năm 2016 chiếm hơn 83,3 triệu đồng), trong đó, chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước gần 126 triệu đồng (17 lần).

Viện KS xác định, Hoàng Anh hưởng số tiền thừa của lương các giáo viên hơn 2,9 triệu đồng, nhưng nội dung này được kết luận là do sai sót về mặt nghiệp vụ, Hoàng Anh không cố ý chiếm đoạt.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 11.2016, cũng do sai sót về mặt nghiệp vụ trong quá trình lập bảng lương và bảng danh sách chuyển lương qua ngân hàng,

Hoàng Anh đã làm thừa hoặc thiếu tiền lương của đa số giáo viên, nhân viên trong trường. Tổng số tiền thừa được xác định là hơn 17 triệu đồng, số tiền thiếu là hơn 26 triệu đồng.

Cáo trạng cũng cho biết, bị can Hoàng Anh đã nộp lại số tiền hơn 137 triệu đồng vào tài khoản của Thanh tra huyện, và nộp tiền mặt cho trường hơn 2,8 triệu đồng khắc phục hậu quả. Trên cơ sở sai phạm trên, Viện KSND huyện kết luận hành vi của bị can Hoàng Anh phạm vào tội “Tham ô tài sản”, được quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 278 BLHS.

THỦ QUỸ, HIỆU TRƯỞNG “THOÁT” HÌNH SỰ

Đối với thủ quỹ Trần Thị Lộc, cáo trạng của Viện KS xác định “không có căn cứ xác định bà Lộc chiếm đoạt số tiền hơn 171 triệu đồng như kết luận thanh tra nên không truy cứu trách nhiệm hình sự bà Lộc”.

Về sai phạm của bà Lộc, kết luận của Cơ quan CSĐT xác định, bà Lộc làm thủ quỹ trường từ năm 2014 đến tháng 2.2015, bàn giao cho thủ quỹ Nguyễn Thị Quỳnh. Bà Lộc không thừa nhận chiếm giữ số tiền nêu trên trong bản kết luận thanh tra.

Quá trình điều tra, bà Lộc, ông Hiền, bà Quỳnh, bị can Hoàng Anh đều khai, nguồn tiền học phí không rút về trước mà sử dụng các nguồn ngoài ngân sách chi trước.

Sau khi chi và có chứng từ chi, hiệu trưởng ký giấy đề nghị rút học phí tương đương số tiền đã chi để trả lại các khoản tiền ngoài ngân sách đã ứng. Trong khi đó, Kho bạc Nhà nước huyện Tân Biên không quy định “quy trình này”.

Bà Lộc cho rằng, số tiền học phí bà đã chi và giao hết chứng từ cho kế toán quyết toán. Khi bàn giao, kế toán đã kiểm tra phần mềm và khẳng định bà không còn nợ tiền học phí, trái lại, trường còn nợ tiền bà Lộc ứng chi cho quỹ ngoài ngân sách gần 10 triệu đồng.

Lý do nộp lại tiền, bà Lộc giải thích rằng, khi gần tết, ông Hiền khẳng định bà Lộc còn nợ tiền học phí. Ông Hiền thúc giục bà Lộc trả tiền để trường cấp tiền phụ đạo cho giáo viên. Vì vậy, bà Lộc cho trường “mượn tạm” trước số tiền hơn 146,4 triệu đồng.

Tại cơ quan điều tra, kế toán Hoàng Anh cũng khẳng định, bà Lộc đã chi hết tiền học phí, chỉ “tồn tiền trên mặt chứng từ”, tức là chưa quyết toán hết.

Ông Nguyễn Thanh Phương, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên cũng khẳng định không rút tiền học phí khi không có nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, theo Phòng Tài chính huyện, đến tháng 2.2015, số tiền học phí bị xuất toán trên 190,3 triệu đồng, trong đó, giai đoạn ông Hiền làm hiệu trưởng xuất toán trên 57,2 triệu đồng.

Năm 2015, số tiền chưa quyết toán trên 512 triệu đồng, nhưng năm 2016, trường đã quyết toán trên 539 triệu đồng. Căn cứ vào ý kiến Phòng Tài chính cho rằng, “cuối năm tài chính, số tồn học phí có thể tồn tiền mặt hoặc tồn trên tài khoản tiền gửi tại kho bạc, số được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp”, quá trình điều tra, cơ quan điều tra kết luận việc xuất toán này không gây ra hậu quả, không gây thất thoát tiền ngân sách.

Đối với ông Đỗ Ngọc Hiền, cáo trạng VKS kết luận ông Hiền là chủ tài khoản, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện các khoản chi của Trường THCS thị trấn Tân Biên sai nguyên tắc tài chính, sai quy định tại một số văn bản hướng dẫn sử dụng các quỹ ngoài ngân sách.

Tuy nhiên, “không chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt tiền của trường. Đồng thời, trong công tác quản lý, ông Hiền thiếu trách nhiệm nên không phát hiện kế toán kê thêm tiền lương chiếm đoạt tiền ngân sách trên 86,5 triệu đồng.

Số tiền này, theo VKS là “không đủ định lượng cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hiền”.

Đối với ông Phan Thanh Chương, VKS xác định trong giai đoạn làm hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tân Biên, ông Chương là chủ tài khoản, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, không phát hiện kế toán kê thêm tiền lương chiếm đoạt ngân sách số tiền hơn 39,7 triệu đồng, nhưng số tiền này không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với sai phạm của ông Hiền, kết luận điều tra nêu rõ, giai đoạn ông Hiền làm hiệu trưởng, thủ quỹ báo cáo và gửi e-mail tất cả khoảng chi cho ông Hiền.

Ông Hiền phân nguồn chi, in thành sổ quỹ ngoài ngân sách, yêu cầu kế toán, thủ quỹ phân theo chứng từ chi theo từng loại quỹ ngoài ngân sách. Hoạt động chi các quỹ ngoài ngân sách tiến hành không đúng nguyên tắc tài chính.

Năm học 2013-2014, không có chứng từ chi các quỹ ngoài ngân sách trên 1,035 tỷ đồng gồm quỹ dạy  buổi 2, quỹ hoa hồng thu hộ VNPT, quỹ hội phí, quỹ phúc lợi, quỹ chăm sóc sức khoẻ, quỹ khuyến học. Năm 2014-2015, chi quỹ phúc lợi không có chứng từ trên 10 triệu đồng, quỹ chăm sóc sức khoẻ chi sai quy định trên 86,3 triệu đồng.

Năm 2015-2016, quỹ chăm sóc sức khoẻ chi sai quy định, không có chứng từ trên 51,3 triệu đồng. Kết luận điều tra cũng cho biết, có trường hợp ông Hiền tự ứng tiền thủ quỹ để mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất cho trường và đưa lại chứng từ chi cho thủ quỹ hoặc cấn trừ bằng các khoản tiền ông được nhận. Có trường hợp, ông Hiền đặt mua hàng trước, kêu thủ quỹ đi trả tiền.

Trong phần chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, kết luận điều tra xác định kế toán Hoàng Anh chiếm đoạt tiền ngân sách trên 126,3 triệu đồng.

Trong khi đó, đối với ông Hiền, cơ quan điều tra xác định ông Hiền là hiệu trưởng, là chủ tài khoản trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện các khoản chi của trường sai nguyên tắc tài chính, nhưng “không chứng minh được yếu tố vụ lợi, số tiền chiếm đoạt nên không có căn cứ khởi tố ông Hiền tội “Tham ô tài sản”.

Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

(Trích Điều 179 BLHS 2015)

Riêng giai đoạn làm hiệu trưởng, ông Hiền thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý “không phát hiện kế toán kê thêm tiền lương chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước trên 86,5 triệu đồng. Số tiền này không đủ định lượng cấu thành tội phạm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

KIẾN NGHỊ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH

Được biết, về vụ án này, trước đó, Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Đặng Văn Nghĩa ký kết luận thanh tra, xác định Hoàng Anh làm thất thoát tiền ngân sách hơn 135 triệu đồng (cá nhân Hoàng Anh làm thất thoát hơn 129 triệu đồng), có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” và chiếm đoạt hơn 7 triệu đồng khi thu tiền học phí không nộp cho nhà trường, có dấu hiệu phạm tội “Tham ô tài sản”.

Đối với bà Lộc, kết luận thanh tra xác định bà Lộc chiếm giữ số tiền hơn 171 triệu đồng có dấu hiệu tội “Tham ô tài sản”. Quá trình làm việc với đoàn thanh tra, bà Lộc có thái độ không hợp tác, không tiếp thu sai phạm, không ký tên bảng tổng hợp số liệu tồn quỹ tiền mặt học phí, không cung cấp sổ quỹ và các tài liệu có liên quan. Bà Lộc không thừa nhận số tiền chiếm giữ, mà cho rằng chủ tài khoản và kế toán là người “có lỗi”.

Đối với ông Đỗ Ngọc Hiền, kết luận thanh tra xác định, trong các năm học 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016, ông Hiền chỉ đạo và trực tiếp chi sai quy định các quỹ ngoài ngân sách hơn 1,327 tỷ đồng, trong đó chi sai quy định có dấu hiệu tội “Tham ô tài sản” số tiền hơn 1,151 tỷ đồng (chi không có chứng từ hơn 1,127 tỷ đồng, chi không đúng thực tế hơn 23,8 triệu đồng).

Căn cứ Thông tư 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP, Chủ tịch UBND huyện Tân Biên chuyển vụ việc trên sang Cơ quan điều tra, Công an Tân Biên điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Vì sao giữa kết luận thanh tra và kết luận điều tra “có sự khác biệt” nhau? Sau khi vụ việc được kết luận như nêu trên, căn cứ Thông tư 02, Chủ tịch UBND huyện Tân Biên đã có văn bản kiến nghị Viện KSND tỉnh. Hiện nay, Viện KSND tỉnh đang xem xét kiến nghị của Chủ tịch UBND huyện Tân Biên theo quy định của pháp luật.

ĐỨC TIẾN

Tin cùng chuyên mục