Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tờ Washington Times đưa tin, Ukraine đã bán động cơ cho máy bay chiến đấu sang Trung Quốc, điều này đi ngược với lợi ích của Mỹ, đồng thời “đâm sau lưng” Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ.
Vì sao Mỹ cáo buộc Ukraine “đâm sau lưng” Hải quân nước này?
Theo số liệu của tờ báo, công ty Ukraine “Motor Sich” đã cung cấp 20 động cơ cho 12 máy bay huấn luyện chiến đấu JL-10. Nói chung, hợp đồng cung cấp trị giá 380 triệu USD liên quan đến việc cung cấp 250 động cơ máy bay.
Một chuyên gia về Trung Quốc, cựu cố vấn cho Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Quan hệ Quốc tế, William Triplett, bình luận về thông tin này, nói rằng Kiev giúp Bắc Kinh giải quyết vấn đề sản xuất động cơ phản lực.
"Trong thực tế, Ukraine lấy tiền của người nộp thuế Mỹ và đồng thời “đâm sau lưng” Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ", ông Triplett nói.
Còn chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, Rick Fisher, nói rằng Washington cần phải gây áp lực để ép Kiev và ngăn chặn thỏa thuận về việc cung cấp động cơ máy bay.
Trước đó, đã xuất hiện vụ bê bối xung quanh việc Ukraine chuyển giao công nghệ tên lửa cho CHDCND Triều Tiên.
Năm ngoái, Ukraine trở thành trung tâm của vụ bê bối liên quan đến việc chuyển giao công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. Thông tin CHDCND Triều Tiên phát triển thành công động cơ tên lửa mới, dựa trên sự phát triển của Ukraine, được công bố trên tờ báo New York Times, dựa trên một đánh giá tình báo của Mỹ và một nghiên cứu của chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược quốc tế (International Institute for Strategic Studies) Michael Ellemann.
Lúc đầu Kiev phản ứng gay gắt với điều này, cho rằng Ukraine không sản xuất động cơ như vậy tại các nhà máy ở Ukraine. Sau đó, nước này cho rằng các động cơ của Ukraine có thể được sao chép "ở một số nước" và đến được Triều Tiên thông qua Trung Quốc.
Thư ký hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine, Oleksandr Turchynov đã gọi công bố của tờ New York Times là một sự khiêu khích và nói rằng thông tin "không có cơ sở".
Giúp đỡ quân sự của Mỹ cho Ukraine
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2019 với số tiền 716 tỷ USD, nhiều hơn 3% (20 tỷ USD) so với ngân sách quốc phòng năm 2018. Để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp “vũ khí sát thương”, Mỹ trích 250 triệu USD (tăng 50 triệu USD).
Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho rằng việc cung cấp vũ khí Mỹ cho Kiev là tốt cho các chính trị gia không quan tâm đến việc giải quyết xung đột tại Donbass.
Nguồn Infonet