Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Gọi điện lừa tải đăng ký phần mềm dịch vụ công giả mạo, kêu gọi đầu tư sinh lời nhanh… là những chiêu lừa đảo quen thuộc và liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo, thế nhưng người dân vẫn bị lừa mất hết tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo quen thuộc nhưng người dân vẫn bị lừa mất hết tiền
Tại Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”, được tổ chức ngày 14/6 tại TP.HCM, ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty an ninh mạng SCS đã chia sẻ về hai trường hợp bị lừa mất 3 tỷ đồng và 1 tỷ đồng với những thủ đoạn lừa đảo rất quen thuộc.
Lừa đảo cài đặt dịch vụ công giả mạo là một chiêu lừa rất quen thuộc nhưng người dân vẫn liên tục bị lừa mất sạch tài sản. Ảnh: NCS
Trường hợp bị lừa mất 3 tỷ đồng là người chồng giấu vợ lấy tiền đi đầu tư, kẻ lừa đảo dụ dỗ đầu tư vào một dự án liên quan đến sân bay Long Thành. Giai đoạn đầu khi gửi số tiền nhỏ để đầu tư, người chồng thấy sinh lời rất nhanh và rút được tiền ra nên rất hào hứng. Ngay sau đó kẻ lừa đảo đưa ra các gói đầu tư có tỉ suất lợi nhuận lớn hơn, người chồng đã rút hết tiền trong tài khoản và vay thêm bạn bè để tiếp tục đầu tư và bị lừa hết tiền, lâm vào cảnh nợ nần.
Trường hợp thứ hai là một người phụ nữ bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng, kẻ lừa đảo gọi điện lừa tải và đăng ký phần mềm dịch vụ công về máy, thực chất đó là phần mềm gián điệp, khi cài vào nó đã tiến hành kiểm soát máy điện thoại của nạn nhân. Sau đó, kẻ lừa đảo yêu cầu chuyển tiền phí đăng ký 12.000 đồng và khi nạn nhân tiến hành mở ứng dụng ngân hàng lên để chuyển khoản đã bị phần mềm gián điệp ghi lại. Bằng cách này, kẻ lừa đảo đã đánh cắp sạch số tiền hơn 1 tỷ đồng trong tài khoản của nạn nhân.
Theo ông Ngô Tuấn Anh, những trường hợp lừa đảo như trên vẫn xảy ra do vẫn còn tồn tại các tài khoản ngân hàng đi thuê và mạo danh người khác. Có những trường hợp kẻ lừa đảo đi đến các vùng xa xôi, miền núi, nhờ người bán rau ngoài chợ, mượn căn cước công dân để đăng ký tài khoản và kẻ xấu dùng chính tài khoản đó. Hay vẫn còn tồn tại SIM rác, ở các nước khác để đăng ký mua một SIM điện thoại trải qua rất nhiều bước phức tạp, nhưng tại Việt Nam việc mua một chiếc SIM nghe gọi được ngay đang quá dễ.
Cả hai trường hợp lừa đảo ở trên đều là những thủ đoạn quen thuộc, liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông trong thời gian dài vừa qua, thế nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), cho biết có một số lý do khiến người dân vẫn tiếp tục bị lừa, dù thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo không mới.
Đầu tiên là do tâm lý người dùng vẫn bị tác động khi nghe những “câu chuyện” của những đối tượng lừa đảo trao đổi. Đó có thể là tâm lý hám lợi khi nghe các chương trình khuyến mãi khủng, đầu tư sinh lời cao, cũng có thể là tâm lý lo lắng khi bản thân gặp phải những vấn đề rắc rối hoặc người thân, bạn bè đang trong tình huống khẩn cấp. Yếu tố tâm lý này đâu đó luôn tồn tại trong mỗi người dù có được cảnh báo bao nhiêu lần.
Tiếp theo do sự tinh vi của các thủ đoạn lừa đảo, khi các đối tượng liên tục thay đổi, biến tướng các hình thức lừa đảo, dựa theo những sự kiện thực tế. Vì vậy nội dung của chúng thường khớp đến 70-80% so với những gì nạn nhân đã được biết. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các công nghệ mới như deepfake giúp cho các nội dung lừa đảo càng khó nhận biết.
Cuối cùng là các kẽ hở liên quan đến quản lý như vẫn còn những số điện thoại rác, số tài khoản rác được lưu hành, thông tin cá nhân bị lộ lọt, tài khoản bị hack, bị giả mạo dẫn tới môi trường, công cụ của các đối tượng lừa đảo vẫn còn nhiều.
Làm sao để phòng chống lừa đảo
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, để phòng chống bị lừa đảo, người dùng không nên vội tin vào các nội dung, hình ảnh hay clip nhận được; cần xác minh lại qua các kênh độc lập, chẳng hạn như gọi điện thoại đến số di động, cố định đã biết, hay hỏi qua một người khác.
Không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân chưa giao dịch lần nào và thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao khả năng nhận biết, phát hiện các dấu hiệu lừa đảo.
Trong khi đó, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, cần tăng cường quản lý SIM chính chủ, bên cạnh đó là bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, để kẻ xấu không có thông tin tiến hành lừa đảo. Theo ông Ngô Tuấn Anh, nếu áp dụng Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản chặt SIM rác và áp dụng quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước sắp tới về xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản, sẽ giảm thiểu được nhiều vấn đề liên quan đến lừa đảo.
Nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ cũng cho biết, truyền thông đã liên tục đưa ra các cảnh báo về nhiều vụ lừa đảo tương tự như trên mà vẫn có người bị lừa, nên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa. Trách nhiệm của các cơ quan truyền thông là làm sao biến các nội dung tuyên truyền cảnh báo, hướng dẫn người dân phòng chống lừa đảo thành các sản phẩm báo chí có nội dung thật dễ hiểu, dễ hình dung và dễ truyền tải.
Cần lan tỏa trên tất cả các phương tiện truyền thông, trên các nền tảng mạng xã hội để người dân từ nông thôn đến thành thị tiếp cận được thông tin và ngay cả thông tin về các chính sách mới nhất.
Nguồn vietnamnet.vn