Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vì sao VFF lúng túng với bài toán lương thưởng của các HLV?
Chủ nhật: 19:24 ngày 23/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thụ động trong kinh doanh và kêu gọi tài trợ là lý do khiến Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhiều lần phải nhờ đến sự giúp sức của các ông bầu.

Khi bầu Đức nói rằng tiền lương của HLV Park Hang-seo trong hai năm qua do ông chi trả, đó không phải là ngoại lệ. Năm 2008, không có con số chi tiết nhưng một phần lương của HLV Henrique Calisto do bầu Thắng bỏ ra. Lúc đó, Calisto có hợp đồng chung với cả VFF và CLB Đồng Tâm Long An. Gần đây, lương của HLV người Nhật Bản Toshiya Miura cũng do Honda tài trợ...

HLV Park Hang-seo (trái) đến thăm bầu Đức hồi tháng 3. Ảnh: Đức Đồng.

Những trường hợp tương tự còn nhiều, và đều có những nguyên nhân nhất định: đó là lúc tiếng nói của VFF không trọng lượng bằng người trả tiền. Ví dụ, sau khi đội U23 thất bại thê thảm ở SEA Games 2007, các ông bầu bóng đá - đứng đầu là bầu Thắng khi đó - đã gây sức ép để đưa Calisto lên làm HLV trưởng.

Tất nhiên, phần lương của nhà cầm quân Bồ Đào Nha cũng được dàn xếp để VFF không phải lo lắng. Đến năm 2014, cũng ở thời điểm thất bại của bóng đá Việt Nam, VFF khóa 7 quyết định chọn con đường phát triển theo bóng đá Nhật Bản thông qua sự bảo trợ tài chính của công ty Dentsu. Để có HLV trưởng "xịn" từ Nhật Bản cũng như các chuyến tập huấn, thi đấu với các đội bóng tại J-League, VFF phải lệ thuộc vào những tư vấn của Dentsu.

Riêng với trường hợp của HLV Park Hang-seo, đó là "canh bạc" của bầu Đức - người đã gây áp lực để sa thải HLV Miura và chọn HLV Nguyễn Hữu Thắng. Sau khi Nguyễn Hữu Thắng từ chức vì thất bại thảm hại tại SEA Games 2017, bầu Đức đã thực hiện "điệp vụ Park Hang-seo" như một nỗ lực đóng góp cuối cùng trước khi rời VFF. 

Nếu xét tổng thể, những lần VFF mất quyền trả lương, đa phần kết quả đều... tốt đẹp. Điều này cho thấy, tầm nhìn và các quyết định liên quan đến tiền bạc của "người ngoài" có sự khác biệt so với kiểu quyết định dựa vào sự đồng ý tập thể theo cơ chế của VFF. Cũng một phần, các quyết định của VFF phải chịu áp lực bởi ngân sách hạn hẹp của mình.

Thực tế, đến năm 2005, VFF mới nghĩ đến khái niệm "kiếm tiền" chứ không chỉ đơn thuần làm chuyên môn. Nhiệm kỳ VFF khóa 4 (2001-2005) lần đầu xuất hiện một vài doanh nhân trong danh sách Ban chấp hành dù chưa có chức danh phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Ngày được bầu vào vị trí đứng đầu bộ phận kinh doanh, ông Nguyễn Quốc Kỳ  - Tổng giám đốc Viettravel - quyết định đổi tên Ban Kế toán tài chính thành Ban Tiếp thị và vận động tài trợ với ý nghĩa: VFF phải đi kiếm tiền chứ không thể ngồi chờ người khác đem đến.

Đó là lần đầu tiên VFF góp vốn vào công ty VFD chuyên tiếp thị thể thao, thắng lớn đợt SEA Games 2003. Đến khóa 5 (2005-2009), khí thế còn hừng hực hơn khi chức danh phó Chủ tịch Tài chính - tài trợ xuất hiện, và doanh nhân Lê Hùng Dũng thắng cử sau lời tuyên bố "kiếm 6 tỷ đồng cho đội U23 dự SEA Games". Năm đó có đến gần 30% thành viên Ban chấp hành là các doanh nhân.

Đến khóa 6 (2009-2013), với đề xuất của ông Dũng, VFF thậm chí còn tính đến chuyện bỏ 50 tỷ đồng mua cổ phần một ngân hàng. Rồi khi được bầu làm Chủ tịch khóa 7 (2014-2018), sau khi "lôi" được người bạn Đoàn Nguyên Đức vào VFF, ông Dũng tuyên bố sẽ đem về hơn 300 tỷ đồng trong nhiệm kỳ của mình.

Doanh thu của VFF quả là tăng đều hàng năm, nhưng mức tăng thì tỷ lệ nghịch với các khoản chi nên xét tổng thể, tổ chức này luôn thâm hụt ngân sách. Ví dụ, năm 2017 âm 7 tỷ đồng dù được báo cáo đã thu đến 150 tỷ đồng. Tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ 7, VFF thu gần 340 tỷ đồng, tức là đạt mục tiêu đề ra. Nhưng nếu lấy con số trung bình 10 tỷ đồng mỗi năm của bầu Đức làm cơ sở thì có thể nói với mức lương hiện tại của HLV Park Hang-seo, đã chiếm đến 10% tổng doanh thu của VFF trong một năm. Nghĩa là ông Park tăng 5 lần lương như các thông tin đồn đãi gần đây thì xem như VFF rơi vào tình trạng "phá sản lâm sàng".

Câu hỏi đặt ra là tại sao VFF không thể kiếm được nhiều tiền hơn? Thực tế, trong tay VFF có hai cơ sở để tạo doanh thu chính. Một là các giải đấu thuộc quyền quản lý của họ. Hai là các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sau khi công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF được các ông bầu thành lập, giành quyền tổ chức các giải có khả năng làm ra tiền như V-League, Cúp quốc gia, hạng Nhất... từ năm 2012 đến nay, mỗi năm VFF chỉ nhận được hơn 10 tỷ đồng tiền "cứng" - được gọi là ủng hộ phát triển bóng đá trẻ. Trong tay VFF chỉ còn lại hệ thống các đội tuyển. 

Nhưng phần này họ cũng đã bán nốt. Từ năm 2011 đến nay, qua 3 lần tái ký hợp đồng, công ty Dentsu Alpha (Nhật Bản) là đối tác kinh doanh thương quyền các đội tuyển cả nam lẫn nữ đến lứa U23. Do là "thầu trọn gói" nên hằng năm VFF chỉ nhận một khoản tiền cố định vào khoảng 40-50 tỷ đồng. Từ năm 2014 trở đi, VFF có quyền vận động thêm các đối tác khác để kiếm thêm tiền ngoài khoản của Dentsu, tuy nhiên việc này lại gặp vướng mắc lớn đó là các quyền ưu tiên vẫn thuộc về Dentsu.

Ví dụ, hiện tại các đội tuyển có đến gần chục thương hiệu tài trợ nhưng chỉ Honda được xuất hiện trên áo tập của các tuyển thủ. Bên cạnh đó, là công ty Nhật Bản nên Dentsu ưu ái cho các doanh nghiệp cùng quốc gia là đối tác của mình và đa phần đều là những doanh nghiệp đa nghành, rất nổi tiếng. Những nhà tài trợ khác mà VFF có muốn tìm cũng khó có thể cạnh tranh do "đụng hàng".

Cách duy nhất để VFF có thêm tiền, đó là tận dụng những mối quan hệ của các doanh nghiệp Việt Nam với tình yêu với đội tuyển. Điều này, lại cần những lãnh đạo có tầm, có lực như bầu Đức của nhiệm kỳ 7. Không kiếm ra nhà tài trợ thì tự ông bỏ tiền túi ra, và mọi việc được giải quyết nhanh hơn. Trong khi đó, VFF nhiệm kỳ 8 hiện nay lại có tỷ lệ doanh nhân tham gia ít nhất tính từ nhiệm kỳ 4. Bởi vậy, việc phải đi kiếm tiền hoặc tự bỏ tiền túi lúc này là một thách thức với VFF, dù các đội tuyển đang thi đấu thành công.  

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục