Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết
Thứ ba: 19:53 ngày 21/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nếu Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua thì dự báo kinh tế của thành phố sẽ làm tăng trưởng mạnh hơn, làm tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, qua đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thái Học khẳng định, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. Ảnh: giadinhnet.vn

Ngày 20.11, tại phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đa số đại biểu cho rằng việc Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Điều đó không chỉ cần thiết đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn cần thiết đối với cả nước.

Việc Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với Nghị quyết 16 ngày 16/8/2012 và Kết luận số 21 ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về giải pháp để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Nếu Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua thì dự báo kinh tế của thành phố sẽ làm tăng trưởng mạnh hơn, làm tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, qua đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cũng còn đại biểu có ý kiến băn khoăn về quản lý tài chính, ngân sách, các chính sách về thuế, phí và lệ phí, đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cho rằng dự thảo đều quy định theo hướng tăng lên và mở rộng, nhưng về thuế nghị quyết không giao cho Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tất cả mà mới chỉ là chủ trương đối với mức trần tăng 25% đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

Về việc Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định mức thu nhập tăng thêm và bảng lương. Đại biểu đề nghị nên thực hiện theo bảng lương cơ bản, còn về thu nhập tăng thêm thì đại biểu tán thành với việc quy định giao cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định mức tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố trên cơ sở căn cứ về năng suất, chất lượng công việc từ nguồn thu của thành phố để khuyến khích thu hút nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo khống chế ở mức trần thu nhập tăng thêm là không vượt 1,8 lần mức lương.

Một số đại biểu cho rằng quy định như thế này rất khó cho thành phố, đại biểu đề nghị nên giao cho thành phố tự chủ, không nên quy định ở mức trần này để thành phố chủ động hơn. Tuy nhiên, đa số đại biểu thống nhất với mức trần thu nhập tăng thêm. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng quy định trần như vậy là hợp lý. Vì chúng ta đã thí điểm như vậy là không nên chọn một sự đột phá khác biệt quá lớn giữa cán bộ công chức nói chung và giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) thống nhất là nên giữ mức trần. Điều này phù hợp với các quy định giống như các đơn vị tự chủ chúng ta đã giao, không quá 1,8 lần mức lương và cũng phù hợp đối với những địa phương lân cận, để tránh sự so bì…

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, với 436 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 88,8%. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Hôm nay (21.11), Quốc hội họp tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Luật Thủy sản (sửa đổi).

Kim Chi

Tin cùng chuyên mục