Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc thiện- dù nhỏ vẫn làm
Thứ sáu: 15:12 ngày 03/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chồng mất sớm, một mình chị vất vả lo cho cả nhà nhưng vẫn không quên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xóm.

36 tuổi, chị Nguyễn Thị Trắng (ngụ ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) một mình trông coi 8 ha đất của gia đình để nuôi 3 đứa con và mẹ chồng. Vất vả, cực nhọc để đảm bảo cuộc sống người thân, chị Trắng vẫn không quên dành một phần ngân quỹ của gia đình để lo cho những hoàn cảnh khó khăn trong xóm.

Từ nguồn thu của mãng cầu, chị Nguyễn Thị Trắng dành một phần để chăm lo cho người khó khăn.

Trước kia, 7 ha mãng cầu và 1 ha ruộng lúa đều do chồng chị tính toán phân tro, kỹ thuật chăm sóc. Chị Trắng chỉ việc làm theo hướng dẫn của chồng. Cách đây 2 năm, chồng chị đột ngột qua đời. Chới với vì chưa từng gánh vác việc đồng áng một mình, nhưng chị không cho phép mình gục ngã. Nhớ lại tất cả những gì trước đây được chồng chỉ, như liều lượng phân bón, thời gian lặt lá, phun thuốc, cách tỉa bông, tỉa trái... chị Trắng bắt tay vào vụ. Ngay mùa đầu làm một mình, nhưng 7 ha mãng cầu cho năng suất không thua gì trước đây.

Chị Trắng cho biết, làm được vụ không chỉ mừng vì lo được chu toàn trong nhà, mà còn bởi chị muốn tiếp tục làm công tác xã hội trước đây của chồng.

Chị Trắng nhớ lại, hơn mười năm trước, do thời tiết, giá cả không thuận lợi nên vợ chồng chị làm đâu thất đó. Đậu phộng thì không hạt, mì thì giá rẻ. Tình cảnh đó không riêng gì nhà chị Trắng. Nhiều nhà phải bán đất để thoát nợ nhưng chồng chị nhất định không. Cứ việc ở đâu cần người là anh chị tới làm.

Được thời gian, trong lần tình cờ đi làm mướn cho vườn mãng cầu ở Thạnh Tân, vợ chồng chị đã mua ít cây giống về trồng ở đất nhà. Kết quả thật bất ngờ, những cây mãng cầu đầu tiên phát triển khá tốt. Từ đó, hai vợ chồng chị Trắng vừa làm trả nợ vừa lo đầu tư trồng mãng cầu. Lúc đầu là 1 ha rồi 2 ha. Dần dà, đến nay đã có 7 ha mãng cầu. “Cách đây 5 năm, khi nợ nần đã hết, chuyện làm ăn bắt đầu ổn định, hai vợ chồng cùng bàn nhau làm giúp đỡ người khó khăn trong ấp. Vì mình cũng từng có những lúc khốn khó, nên rất hiểu”, chị Trắng chia sẻ.

Vậy là, cuối năm, sau khi tính toán lời lỗ, trả tiền phân tro cho các cửa hàng vật tư nông nghiệp, chị Trắng và chồng mua 40 phần quà mang đến văn phòng Ấp Bàu Đưng để tặng cho những hộ có cuộc sống khó khăn.

“Làm được 2 năm ở ấp, chúng tôi thấy để bà con đến ấp nhận quà rồi về thì không vui. Nhà tôi có phong tục, cứ đến ngày 25 tháng chạp hằng năm, sau khi đi tảo mộ ông bà về là làm tiệc tất niên. Sẵn dịp này, vợ chồng tôi xin phép gia đình mời cả những người nhận quà đến dự tiệc tất niên, xong xuôi rồi phát quà cho họ mang về. Như vậy vừa có không khí của tết vừa ấm cúng, vui vẻ”, chị Trắng cho biết.

Chồng mất, chị Trắng vẫn tiếp tục giữ lệ cũ, cuối năm, sau tiệc tất niên mời, chị lại gửi quà cho 40 hộ khó khăn trong ấp. Mỗi phần quà trị giá 500 ngàn đồng gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt.  

Chị Nguyễn Thị Diệu Thu- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phong cho biết, trung bình một năm chị Trắng đóng góp khoảng 40 triệu đồng để cùng địa phương chăm lo cho những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Vừa rồi, trong hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018, chị Trắng là một trong những cá nhân được huyện Tân Biên khen thưởng.  

Chị Trắng khiêm tốn chia sẻ, những đóng góp của chị so với người khác còn ít lắm, chủ yếu là những trường hợp quanh xóm mọi người khó khăn, bệnh tật đột xuất, hay những hoàn cảnh thắt ngặt. Biết được, chị Trắng gửi khi thì ít tiền, khi thì bao gạo để chia sẻ phần nào khó khăn với bà con. Hoặc có đợt vận động làm đường, Thánh Thất cần tiền mua xe thuyền… chị đều ủng hộ. Chị Trắng chỉ nghĩ đơn giản, làm có dư chút đỉnh thì giúp đỡ những người khác, để cuộc sống này bớt khó khăn, chật vật.

Làm điều tốt, không nhất thiết phải làm nhiều hay ít, là lớn hay nhỏ. Điều quan trọng, từ những việc tốt, việc thiện như của chị Trắng, đã góp phần giúp Tân Phong rất nhiều trong công tác an sinh xã hội.

N.D

Tin liên quan