Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Việc tiêu hủy cây mì bệnh khảm lá còn chậm
Thứ ba: 19:11 ngày 29/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mới đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khảm lá cây mì tỉnh Tây Ninh đã họp sơ kết đánh giá việc triển khai công tác chống dịch bệnh khảm lá cây mì trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ 20.7 (ngày công bố dịch) đến 27.8.2017.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khảm lá cây mì tỉnh chủ trì cuộc họp.

 Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Tây Ninh, tính đến ngày 27.8, Tây Ninh có 6 huyện (Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Dương Minh Châu, Hòa Thành, Gò Dầu) và Thành phố Tây Ninh có mì bị nhiễm bệnh, với tổng diện tích trên 5.680 ha (tăng gấp 2,6 lần so với ngày 20.7).

Diện tích mì bị nhiễm bệnh tập trung chủ yếu tại Tân Châu (trên 4.280 ha, chiếm hơn 75,3%), Tân Biên (gần 1.000 ha) và Châu Thành (trên 365 ha), các huyện còn lại xuất hiện sau với số lượng nhiễm ít, cục bộ.

Trong công tác chống dịch đã thực hiện phun xịt thuốc diệt trừ bọ phấn trắng được trên 5.589 ha, đạt 96,5%. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu hủy cây mì còn chậm, với số lượng rất ít (chỉ hơn 772 ha), đạt 13,6% so với tổng diện tích mì bị nhiễm bệnh trong toàn tỉnh.

Đánh giá thực hiện công tác chống dịch, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT, Thường trực Ban chỉ đạo chỉ rõ: công tác triển khai chống dịch tại 3 huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành còn chậm; việc phun xịt thuốc diệt bọ phấn trắng kéo dài dẫn đến hiệu quả chống dịch thấp và có xu hướng lây lan, các huyện còn lại và Thành phố Tây Ninh thực hiện tốt việc phun xịt thuốc nhưng chưa hoàn thành tiêu hủy cây bệnh; công tác kiểm tra giám sát thực hiện chưa tốt, lực lượng mỏng nên nhiều nơi thực hiện chưa đúng quy định, như: chưa nhổ, đốt hết cây nhiễm bệnh, chỉ nhổ, đốt những cây bên ngoài hoặc bẻ ngọn, chặt gốc...; các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động chưa tốt, hiệu quả chưa cao, còn nhiều hộ dân chưa nhận thức được tác hại của bệnh khảm lá nên chưa thực hiện tiêu hủy cây mì nhiễm bệnh đúng quy định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến yêu cầu lãnh đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phun xịt thuốc và tiêu hủy cây mì nhiễm bệnh; các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh khảm lá cây mì, chủ trương phòng chống dịch của tỉnh và chính sách hỗ trợ cho nông dân thiệt hại do dịch bệnh; vận động cán bộ, hội viên và đoàn viên tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; Sở NN&PTNT theo dõi tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phun xịt thuốc và tiêu hủy cây mì bệnh, triển khai tổ chức hội thảo khoa học về phòng chống dịch bệnh khảm lá cây mì của tỉnh; Sở Tài chính bổ sung kinh phí quyết toán cho các huyện, để kịp thời triển khai công tác chống dịch và hỗ trợ người dân tái sản xuất.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục