Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vụ ông Trần Văn Tý ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành:
Viện KSND cấp cao kết luận không có căn cứ kháng nghị tái thẩm huỷ bản án
Thứ hai: 00:17 ngày 12/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ năm 2012 đến nay, ông Trần Văn Tý (ngụ tổ 8, ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành) nhiều lần phản ánh đến chính quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng bản án của TAND huyện Châu Thành và TAND tỉnh xét xử vụ án dân sự “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa ông và bà Trần Thị Lan, ông Dương Văn Hiệp là chưa đúng quy định pháp luật. Vụ việc trên được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm giám sát, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Sau đó, Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có văn bản trả lời Đoàn ĐBQH tỉnh: Không có căn cứ để kháng nghị tái thẩm huỷ bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh.

NGUỒN GỐC SỰ VIỆC

Năm 2006, ông Hoàng Tiến Dũng thoả thuận mua đất của bà Trần Thị Lan (4m x 100m) ở ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước để làm đường đi. Năm 2007, ông Dũng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất lại cho ông Trần Văn Tý. Hai ông đến gặp bà Lan để báo lại việc chuyển nhượng đất. Bà Lan viết giấy tay chuyển nhượng đất cho ông Tý, nội dung: “đồng ý bán đường diện tích ngang 4m, dài 100m cho ông Tý… dùng để làm đường đi, hẹn khi nào lấy được sổ đỏ sẽ cùng ông Tý tiến hành việc sang tên”. Giấy viết tay có chữ ký của ông Hiệp và bà Lan, ghi đã nhận đủ tiền. Tuy nhiên, hai bên không làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ theo quy định pháp luật.

Năm 2008, thấy bà Lan, ông Hiệp không thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, ông Tý làm đơn kiến nghị gửi UBND xã Hảo Đước. Ngày 15.2.2008, Hội đồng hoà giải của UBND xã Hảo Đước hoà giải, kết luận: bà Lan phải đến Địa chính xã Hảo Đước làm lại giấy CNQSDĐ và làm thủ tục tách một phần đất (4m x 84m) cho ông Tý.

Tháng 6.2011, ông Tý dùng lưới B40 rào lại phần đất này, không cho người mua đất của bà Lan là ông Trần Văn Hoan, bà Nguyễn Thị Thu Phượng đi qua (ông Hoan mua đất sau ông Tý). Ngày 20.7.2011, bà Lan gửi đơn đến UBND xã Hảo Đước yêu cầu giải quyết tranh chấp việc ông Tý tự rào lối đi.

Ngày 9.1.2012, bà Lan, ông Hiệp gửi đơn kiện yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà và ông Tý để dùng đất này làm đường đi chung. Ngày 9.4.2012, TAND huyện Châu Thành có Quyết định số 01/2012/QĐ-TA, buộc bà Lan, ông Hiệp trong thời hạn 1 tháng có trách nhiệm làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ (4m x 100m - diện tích chưa đo đạc) cho ông Tý theo quy định pháp luật. Theo Quyết định số 01 của Toà án, UBND xã Hảo Đước mời các bên giải quyết, yêu cầu bà Lan, ông Hiệp thực hiện thủ tục chuyển QSDĐ cho ông Tý, hai bên đồng ý ký tên vào biên bản giải quyết. Tuy nhiên, sau đó bà Lan, ông Hiệp không đến làm thủ tục chuyển QSDĐ cho ông Tý.

Ngày 26.6.2012, xét xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành kết luận: “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 28.3.2007 giữa bà Lan, ông Hiệp với ông Tý vô hiệu, ghi nhận ông Trần Văn Hoan và bà Nguyễn Thị Thu Phượng tự nguyện trả thay ông Hiệp, bà Lan cho ông Tý số tiền 11.087.999 đồng; ghi nhận ông Hiệp, bà Lan, ông Hoan và bà Phượng tự nguyện để lại diện tích (4m x 84m=336m2) làm đường đi công cộng. Đồng thời, buộc ông Tý tháo dỡ hàng rào B40, trụ xi măng và trụ điện đất đi nơi khác”. Ông Tý không đồng ý, kháng cáo đến TAND tỉnh. Ngày 7.12.2012, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên “không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Tý, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Châu Thành”.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH GIÁM SÁT VỤ ÁN

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật đến nay, gia đình ông Tý cho rằng hai bản án xét xử chưa đúng quy định pháp luật. Năm 2019, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức giám sát nội dung vụ án. Ngày 20.3.2019, Đoàn ĐBQH tỉnh có báo cáo về kết quả giám sát giải quyết vụ án. Ngày 27.3.2019, Đoàn ĐBQH tỉnh gửi công văn đến Chánh án TAND tối cao, Viện KSND tối cao, TAND cấp cao, Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về việc kiến nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án sơ thẩm, phúc thẩm trên.

Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, ngoài việc bản án vi phạm tố tụng trong xác định quan hệ tranh chấp, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải có đơn yêu cầu độc lập theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Công văn của Đoàn ĐBQH tỉnh nêu: “Giấy chuyển nhượng QSDĐ ngày 28.3.2007 ghi “đồng ý bán đường diện tích (4m x 100m) cho ông Tý... dùng để làm đường đi, hẹn khi nào lấy được sổ đỏ thì sẽ cùng ông Tý tiến hành thủ tục sang tên”. Các bên đều xác định đây là thoả thuận dân sự có điều kiện được quy định tại Điều 125 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 và việc ông Dũng dẫn ông Tý đến gặp bà Lan để ghi giấy sang nhượng đất (thoả thuận có điều kiện) là việc chuyển giao quyền yêu cầu được quy định tại Điều 309 BLDS 2005. Như vậy, bà Lan đã thừa nhận, khi lấy được sổ đỏ sẽ thực hiện thủ tục theo luật định.

Bên cạnh đó, bà Lan làm thất lạc giấy CNQSDĐ đã được cấp năm 1994 nên không thuộc trường hợp không có giấy CNQSDĐ. Qua khảo sát tại thực địa, đất tranh chấp thể hiện lối đi của ông Tý đã mua không ảnh hưởng gì đến việc đi lại của gia đình bà Lan (đây là tình tiết mới theo quy định tại Điều 351 BLTTDS).

Đoàn giám sát nhận định cây cao su của ông Hoan, bà Phượng trồng khoảng 10 năm tuổi (tham khảo kinh nghiệm không qua kiểm chứng của cơ quan chức năng). Điều này có thể thấy ông Hoan, bà Phượng mua đất sau ông Tý nhưng lại khai không trung thực trong hồ sơ vụ án là mua đất vào năm 2003 (tình tiết mới theo quy định tại Điều 351 BLTTDS).

Ngoài chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua hoạt động giám sát, đoàn giám sát thu thập chứng cứ thể hiện năm 2003, ông Trần Văn Hoàng và bà Nguyễn Thị Ngọc Anh mới được cấp giấy CNQSDĐ ngày 25.7.2003. Ông Hoàng, bà Anh chuyển nhượng cho ông Hoan, bà Phượng vào tháng 8.2008. Như vậy, ông Hoan và bà Phượng nhận chuyển QSDĐ sau ông Tý. Khi chuyển nhượng QSDĐ thì ông Hoan, bà Phượng phải thương lượng với chủ đất đã chuyển nhượng cho mình để mở lối đi (đây là tình tiết mới theo quy định tại Điều 351 BLTTDS).

Như vậy, cho dù ở góc độ pháp lý nào, áp dụng Điều 125 BLDS 2005 hay áp dụng Nghị quyết 02/2004/NQ-IIDTP ngày 10.8.2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì cũng không có cơ sở để Toà án giải quyết, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan để tuyên bố giao dịch dân sự đã giao kết vào ngày 28.3.2007 vô hiệu”.

KHÔNG CÓ CĂN CỨ TÁI THẨM HUỶ BẢN ÁN

Ngày 28.7.2020, Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh có văn bản “thông báo kết quả giải quyết công văn đề nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh”. Theo đó, Viện KSND cấp cao nhận định như sau: “Xét thấy, theo quy định tại các Điều 56, 61 BLTTDS 2004 “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ” và “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn”.

Trong vụ án này, ông Hoan và bà Phượng tham gia tố tụng với bên nguyên đơn và không bắt buộc phải đưa ra yêu cầu độc lập. Việc Toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan, huỷ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Lan với ông Tý có ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Hoan và bà Phượng chứ không phải chấp nhận yêu cầu của những người này. Do đó, việc xét xử của Toà án là không vi phạm quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004.

Về nội dung vụ án, Điều 351 BLTTDS 2015 quy định “Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó”.

Trong vụ án này, phần đất tranh chấp (4m x 100m) mà ông Tý nhận chuyển nhượng từ bà Lan theo giấy tay ngày 28.3.2007 có ảnh hưởng đến việc đi lại của gia đình bà Lan hay không; việc ông Hoan và bà Phượng mua đất của ông Hoàng trước hay sau khi ông Tý mua đất của bà Lan cũng như việc họ có thương lượng với chủ đất để mở lối đi hay không đều không phải là những tình tiết mới theo quy định của Điều 351 BLTTDS năm 2015 như đã viện dẫn trên.

Ngoài ra, các đương sự đều thống nhất về nội dung tranh chấp, cùng thừa nhận việc lập thoả thuận nhận chuyển nhượng QSDĐ bằng giấy tay là không tuân thủ quy định về hình thức. Toà án cấp sơ thẩm đã có quyết định buộc thực hiện về hình thức hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nhưng các đương sự không thực hiện. Căn cứ Nghị quyết số 02/2004/HDTP ngày 10.8.2004 của Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao, Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Lan và ông Tý ngày 28.3.2007 vô hiệu là có căn cứ và đúng pháp luật. Việc giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu theo mức độ lỗi của các bên là đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý và thoả đáng. 

Các tình tiết mà Đoàn ĐBQH tỉnh nêu ra trong công văn ngày 27.3.2019 đều không phải là những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. Vì vậy, Viện KSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh thấy không có căn cứ để kháng nghị tái thẩm huỷ bản án của TAND huyện Châu Thành và bản án của TAND tỉnh Tây Ninh theo đề nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh”.

ĐỨC TIẾN

Tin cùng chuyên mục