Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Việt Nam-Ấn Độ cùng chung khát vọng phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Thứ năm: 10:03 ngày 01/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong chương trình thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, trưa 31-7, tại Thủ đô New Delhi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức.

Tại Diễn đàn, các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp hai nước được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, mong muốn hợp tác đầu tư của mỗi bên; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác hai nước, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh như hạ tầng, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, dược phẩm, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, vật liệu mới, sản xuất ô tô, hàng không, du lịch...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ

Sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru gây dựng và vun đắp. Hai nước luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và giành độc lập dân tộc.

Trải qua hơn 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra không gian hợp tác mới về chuỗi giá trị và tài nguyên chiến lược, an ninh kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học công nghệ, kết nối tài chính, nhân lực chất lượng cao, giáo dục, an ninh quốc phòng... Trong đó, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại đã trở thành điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Nhắc lại ấn tượng với tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hàng Châu (Trung Quốc): “Việt Nam là trụ cột mạnh mẽ trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ” và “quan hệ song phương giữa hai nước dựa trên sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau và hội tụ những quan điểm về các vấn đề khác nhau trong khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định để đạt được những thành công này, bên cạnh yếu tố nền tảng là quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc; sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước, phải kể đến sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Quan hệ truyền thống tốt đẹp, hữu nghị giữa hai dân tộc, hai đất nước; tin cậy chính trị cao, thị trường rộng mở; văn hóa, văn minh, lịch sử tương đồng, ý tưởng tương thông; cùng chung khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững” là 5 yếu tố nền tảng để các doanh nghiệp hai nước đến với nhau để hợp tác thành công, hiệu quả, góp phần vun đắp cho quan hệ hai nước.

Để quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu và thực chất hơn

Cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng; với tinh thần “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, “cùng làm, cùng thắng”, để quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu và thực chất hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội của Ấn Độ hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối thoại, kết nối đầu tư, là cánh tay nối dài giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Ấn Độ; tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được thị trường Ấn Độ.

Hai bên cùng thúc đẩy, triển khai các biện pháp hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới; tiếp tục tăng cường hợp tác phát triển (ODA); tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn quốc tế và khu vực cùng quan tâm; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm mở thêm đường bay thẳng giữa Việt Nam-Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh (hydrogen), dược phẩm năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng; coi Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ cao; thường xuyên có những khuyến nghị, tham mưu cho chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các rào cản trong quá trình sản xuất, kinh doanh và hoàn thiện thể chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quản lý thông minh, đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tăng cường đối thoại để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam; rà soát, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ số, phân cấp, phân quyền, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào của người dân, doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng để thu hút đầu tư...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có kết quả đo đếm được”, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Ấn Độ nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, các doanh nghiệp hai nước trao 6 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, văn hóa, dược phẩm... Trong đó, Tập đoàn SOVICO và Tập đoàn Adani thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng không, sân bay và logistics; Hãng hàng không quốc gia Việt Nam hợp tác với đối tác Ấn Độ về quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Ấn Độ…

Nguồn anninhthudo

Tin cùng chuyên mục