Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng phó Covid-19 tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20
Thứ hai: 21:25 ngày 20/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tối 19/4 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bắt đầu cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với sức khỏe người dân trên toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20. (Nguồn: Bộ Y tế)

Tham dự cuộc họp có Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng Bộ trưởng Y tế của các nước G20, các tổ chức quốc tế và khu vực gồm Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Quỹ toàn cầu, Quỹ Liên hợp quốc, Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI). Thứ trưởng Trương Quốc Cường đại diện Bộ Y tế Việt Nam tham dự. Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia chủ trì cuộc họp.

Sự kiện này được tổ chức sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến các nhà Lãnh đạo G20 vào tháng 3 vừa qua nhằm đưa ra các giải pháp y tế và khuyến khích các giải pháp kỹ thuật số để phối hợp toàn cầu cũng như đưa ra ưu tiên chuẩn bị ứng phó với đại dịch Covid-19 với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người bệnh và ứng phó toàn cầu đối với các tình huống y tế khẩn cấp.

Đại diện của cả 5 châu lục và các Bộ trưởng Y tế G20 đã thể hiện quyết tâm cần phải phối hợp hành động, đặc biệt trong việc đẩy nhanh nghiên cứu vaccine, chia sẻ các biện pháp thực hành hiệu quả để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Đức cho rằng, do chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hay vaccine nên nên phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch giữa các nước là cách tốt nhất để chống lại đại dịch Covid-19. EU cam kết tài trợ cho các nghiên cứu vaccine và nghiên cứu về virus để làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp nhấn mạnh, không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này và cùng với vai trò của Liên hợp quốc, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua khủng hoảng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam và ASEAN (trên vai trò Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020) trong ứng phó với đại dịch Covid-19.

Mới đây, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về Ứng phó dịch bệnh Covid-19 và Hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị trên đã tái khẳng định quyết tâm và cam kết và cùng nhau đoàn kết, chung tay hành động ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19, giảm thiểu và đảo ngược tác động của đại dịch lên cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế tại khu vực. Điều quan trọng là cơ chế ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN-Mỹ, ASEAN-EU và các cộng đồng quốc tế khác để nhấn mạnh tính khẩn cấp của đại dịch và cam kết cùng ứng phó chung.

Chia sẻ kinh nghiệm khống chế dịch Covid-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được thành lập từ rất sớm với cam kết cao của toàn hệ thống chính trị, Chính phủ lẫn người dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết của người dân với phương châm "chống dịch như chống giặc".

Việt Nam đã áp dụng chiến lược “chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị khỏi bệnh”, với sự tham gia của các địa phương và huy động mọi nguồn lực tại chỗ. Việt Nam đã sớm áp dụng các biện pháp ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài và đảm bảo hiệu quả việc cách ly, ngăn chặn các ca lây nhiễm trong nước.

Các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 bao gồm cách ly sớm các ca nghi nhiễm, xét nghiệm trên số lượng lớn những người từ tâm dịch hay những vùng bị ảnh hưởng, thực hiện giãn cách xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, Việt Nam đã phối hợp với các đối tác thuộc nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện việc xét nghiệm, nghiên cứu, điều tra và chữa trị với hiệu quả cao nhất từ nguồn lực hạn chế.

Đại diện Bộ Y tế Việt Nam khẳng định, ứng dụng theo dõi sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp các ca nghi nhiễm gần khu vực sinh sống của người dân đã giúp ngành y tế phát hiện những cá nhân cần trợ giúp y tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, và là kênh chính thức để tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho người dân.

Về mặt kinh tế xã hội, Chính phủ Việt Nam đã có các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động của Covid-19 như cắt giảm thuế và những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người buôn bán nhỏ lẻ và người dân. Việt Nam đã áp dụng biện pháp khống chế kiểm soát dịch bệnh đi kèm với bình ổn kinh tế xã hội. Những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, người lao động, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Hiện là Chủ tịch ASEAN đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có những nỗ lực nhằm nâng cao ứng phó dịch như: chia sẻ kịp thời thông tin về phát hiện và điều trị Covid-19, các biện pháp chuẩn mực để giám sát sức khỏe ở vùng biên giới, trợ giúp lãnh sự đối với các công dân ASEAN đang trong tình huống cần giúp đỡ.

Nhóm nghiên cứu xuyên lĩnh vực ASEAN gồm các quan chức cấp cao về sức khỏe, ngoại giao, quốc phòng, xuất nhập cảnh, giao thông đã được thiết lập nhằm phản ứng nhanh chóng, kịp thời với đại dịch. Một số biện pháp phối hợp chính sách giữa các nước ASEAN bao gồm củng cố năng lực ASEAN trước các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, thiết lập kho dự trữ thuốc men khu vực và xây dựng quỹ hỗ trợ đại dịch chung của ASEAN.

Nguồn SKĐS

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục