Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương
Thứ ba: 19:00 ngày 25/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27/6 đến ngày 1/7/2019.

Quan hệ Việt Nam –Nhật Bản phát triển tốt đẹp

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Năm 2009, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Năm 2011, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Tháng 5/2016, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. 

Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch thương mại 5 tháng đầu năm 2019 đạt 15,28 tỷ USD (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó xuất khẩu đạt 7,93 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018), nhập khẩu đạt 7,35 tỷ USD (tương đương so với cùng kỳ năm 2018).

Lũy kế đến tháng 5/2019, Nhật Bản có 4.149 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 57,428 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Năm 2018, Nhật Bản có 429 dự án cấp mới, 201 số lượt dự án tăng vốn, 585 số lượt góp vốn mua cổ phần, tổng vốn đăng ký 8,598 tỷ USD, năm thứ hai liên tiếp đứng thứ nhất về FDI.

Hợp tác nông nghiệp có bước đột phá, tháng 9/2015, hai bên đã ký kết "Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản", ký lại Tầm nhìn chung sửa đổi vào tháng 5/2018. Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA những năm gần đây cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.   

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến tháng 6/2018 khoảng 80.683 người, đứng thứ hai tại Nhật Bản.

Nhật Bản đang hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt-Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ; hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, phổ thông cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10/2018, hai bên đã ký Biên bản hợp tác về các biện pháp giảm thiểu tình trạng du học sinh Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Nhật Bản là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày; từ ngày 1/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản.

Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 01/5/2005.

Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014, nới lỏng hơn từ ngày 15/2/2016) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục xin visa ngắn hạn dành cho người có vị trí trong xã hội (cán bộ, công chức cơ quan nhà nước, nhân viên doanh nghiệp tư nhân, nhà tri thức - văn hóa) từ ngày 1/3/2019.

Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Hơn 40 cặp địa phương của Nhật Bản - Việt Nam đã ký văn bản hợp tác, trong đó có TP Hồ Chí Minh – Osaka; Thành phố Hồ Chí Minh – Nagano; Thành phố Hồ Chí Minh – Yokohama; Đà Nẵng – Sakai; Đà Nẵng – Yokohama; Hà Nội – Fukuoka; Đồng Nai – Hyogo; Bà Rịa - Vũng Tàu – Kawasaki; Phú Thọ - Nara; Huế - Kyoto; Hưng Yên – Kanagawa; Hải Phòng – Niigata; Nam Định – Miyazaki; Quảng Nam – Nagasaki; Cần Thơ – Hyogo... 

Góp phần giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới

Nhóm G20 được thành lập năm 1999. Thành viên G20 bao gồm: nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy, Canada cùng một số thành viên khác như Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia: Hàn Quốc, Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.

Năm 2008 khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, G20 tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Đến nay, G20 đã tổ chức 12 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế toàn cầu, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh…

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017, Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị cũng trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong Năm APEC 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều sáng kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số…

Bên cạnh đó, Việt Nam phối hợp với thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự kinh tế toàn cầu như thương mại - đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, cải cách quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu…

Nội dung nghị sự G20 những năm gần đây mở rộng nhiều lĩnh vực (tài chính, thương mại, đầu tư, lao động, xã hội, môi trường, công nghệ…), nhưng việc đạt đồng thuận trong một số vấn đề kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhất là cam kết tự do hóa thương mại, chống bảo hộ, chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị Thưởng đỉnh G20 được tổ chức từ ngày 28-29/6/2019 tại thành phố Osaka (Nhật Bản). Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến có 4 phiên thảo luận. Phiên một về kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư: Hợp tác xử lý các rủi ro, thách thức kinh tế toàn cầu (mất cân đối, già hóa..); quản lý nợ bền vững và minh bạch, thúc đẩy tài chính bao trùm; tự do hóa thương mại, hệ thống thương mại đa phương, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao…

Phiên hai về đổi mới sáng tạo và kinh tế số: Tiến trình số hóa, thúc đẩy, khái niệm “Lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm tin cậy”, xử lý các vấn đề kinh tế-xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới công nghệ như: thương mại điện tử, an ninh và an toàn thông tin trong kinh tế số…

Phiên ba về phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế: Thực hiện Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; ứng phó với già hóa dân số, bình đẳng giới; thích ứng lao động với việc làm tương lai; thúc đẩy phụ nữ tham gia lao động; đào tạo lao động nữ; thúc đẩy phổ cập y tế toàn dân…

Phiên bốn về môi trường, năng lượng và biển đổi khí hậu: Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tăng cường hiệu quả năng lượng; tranh thủ công nghệ mới trong bảo về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa đại dương…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này khẳng định chủ trương đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương tạo cơ sở, góp phần tiếp tục đề cao vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương, quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, nhấn mạnh những cơ hội hợp tác giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng toàn diện và thực chất hơn.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục