Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam có cơ hội chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030
Thứ sáu: 09:10 ngày 28/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 ca một năm.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, ngày 27/8 cho biết năm 2020 đánh dấu 30 năm Việt Nam đối phó với dịch HIV/AIDS.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu "3 giảm". Đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS.

Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Ông Long cho biết để đạt được mục tiêu này cần phải đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030. Như vậy, cần phải đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

"Đây là mục tiêu khá tham vọng", ông Long nhìn nhận. Bởi, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, các hành vi, yếu tố nguy cơ ngày càng khó kiểm soát. Đến nay thế giới chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi đường lây truyền HIV ở Việt Nam có sự chuyển dịch chủ yếu qua đường tình dục, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ, người chuyển giới nữ.

"Đây là những nhóm ẩn, khó tiếp cận nên việc kiểm soát dịch HIV trong giai đoạn tới sẽ rất khó khăn", ông Long nói.

Ước tính Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV. Đáng lo ngại là khoảng 40.000 người nhiễm sống trong cộng đồng, song họ chưa biết tình trạng nhiễm của mình, đang rất khỏe mạnh. Chính vì vậy, họ có thể tiếp tục là nguồn lây nhiễm mới rất khó kiểm soát trong cộng đồng.

Khó khăn nữa là nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS. Ông Long cho biết 30 năm qua Việt Nam nhận được sự hỗ trợ rất lớn về tài chính từ các tổ chức quốc tế. Giai đoạn tới, nguồn tài trợ này bị cắt giảm mạnh. Các hoạt động phòng, chống sẽ phụ thuộc chủ yếu ngân sách trong nước.

Để không lây nhiễm ra cộng đồng, người có "H" cần điều trị bằng thuốc kháng HIV liên tục, suốt đời. Đây là thách thức lớn về chuyên môn, tài chính cho người bệnh cũng như xã hội.

Giải pháp để vượt qua các khó khăn này, theo chiến lược quốc gia, mang tính kỹ thuật như tăng cường truyền thông; đổi mới giám sát dịch; chính sách tài chính bền vững; tăng cường sự chủ động và đầu tư từ các nguồn ngân sách địa phương...

Với người nhiễm, chiến lược quốc gia là đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử, tăng cường điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại. Đặc biệt là những biện pháp mang tính dự phòng trước phơi nhiễm cho người có hành vi nguy cơ cao (PrEP); xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm nhằm phát hiện sớm.

Mở rộng điều trị cho người nhiễm, như điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị người vừa có "H" vừa nhiễm lao, viêm gan, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục...

"Với kinh nghiệm 30 năm đối phó HIV/AIDS, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, Việt Nam hy vọng sẽ vượt qua các khó khăn để chấm dứt đại dịch vào năm 2030", ông Long nói.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục