Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động của LHQ
Thứ tư: 16:44 ngày 24/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Liên hợp quốc đã trải qua 73 năm phát triển (24-10-1945 - 24-10-2018). Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20-9-1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng phát triển. Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực tại Liên hợp quốc, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao. 

Tổ chức toàn cầu, đa dạng, có uy tín, quy mô rộng lớn nhất

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội...

Sau 73 năm hoạt động, Liên hợp quốc đã chứng tỏ là một tổ chức toàn cầu, đa dạng, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất. Kết quả tích cực này phản ánh nguyện vọng và sự đấu tranh bền bỉ của các dân tộc và các lực lượng tiến bộ mong muốn một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, đồng thời bắt nguồn từ yêu cầu cấp thiết của hợp tác đa phương để có thể ứng phó với những thách thức lớn toàn cầu. 

Các bác sỹ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN phát)

Các nước, nhóm nước cũng luôn coi trọng cơ chế này trong việc thúc đẩy lợi ích, thực hiện chính sách đối ngoại của mình.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20-9-1977. Trong giai đoạn sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, từng bước khôi phục sản xuất.

Các tổ chức tài trợ chính bao gồm: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; Chương trình Lương thực thế giới; Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc; Quỹ Dân số Liên hợp quốc; Tổ chức Y tế Thế giới... đã hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển-xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số, kế hoạch hóa gia đình. 

Trong bối cảnh bị bao vây cấm vận, hợp tác với Liên hợp quốc tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.

Trong giai đoạn 1986-1996, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, các dự án hợp tác của Liên hợp quốc là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, trình độ cán bộ.

Trong giai đoạn 1997-2000, Liên hợp quốc dành ưu tiên hỗ trợ Việt Nam cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực. 

Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Liên hợp quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một trong những quốc gia hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc. 

Sau khi Việt Nam từ một nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kỹ thuật sang tư vấn chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, bình đẳng giới... 

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển tại Liên hợp quốc, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy hợp tác Nam-Nam thông qua việc chủ động xây dựng mô hình và tham gia vào các dự án hợp tác ba bên, cùng Liên hợp quốc thực hiện thí điểm thành công Sáng kiến Thống nhất hành động (DaO), xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam. 

Việt Nam đang nỗ lực triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Sáng kiến của Liên hợp quốc về ứng phó với El Nino và La Nina...

Ngày 5-7-2018, Việt Nam và Liên hợp quốc đã ký Kế hoạch Chiến lược chung mới (OSP) cho giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc. Đây là dấu ấn quan trọng nêu bật cam kết mạnh mẽ của Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam trong Chương trình hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát biển bền vững đến năm 2030. 

Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam đã và đang tiếp tục tham gia, đóng góp vào các trụ cột hợp tác cơ bản của Liên hợp quốc, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại một cách thiết thực, hiệu quả. 

Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. 

Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Những thành tựu đó phù hợp với chủ trương đối ngoại “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương” mà Đại hội XII đã đề ra. 

Với tư cách điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thay mặt các nước ASEAN phát biểu tại nhiều phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về các vấn đề ASEAN quan tâm. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào tiến trình thương lượng liên chính phủ của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an... 

Những năm qua, Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Kinh tế-Xã hội (nhiệm kỳ 1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015 - 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (nhiệm kỳ 2017-2021). 

Được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016), Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua Nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em, đưa ra và tham gia nhiều sáng kiến như bảo vệ quyền lao động của người khuyết tật, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển, tăng cường giáo dục, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái... 

Vì sự năng động, tích cực và chủ động, Việt Nam được tín nhiệm làm điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền. Trong vai trò này, Việt Nam rất tích cực trong việc điều phối lập trường của các nước ASEAN ở Hội đồng Nhân quyền và thay mặt ASEAN phát biểu các đề mục ở Hội đồng này.

Việc Nhóm châu Á-Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2020-2021) tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6-2019, thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. 

Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác. 

Từ tháng 6-2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia, đến nay, Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình đã đề xuất và cử 27 lượt sỹ quan làm nhiệm vụ dưới hình thức cá nhân tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi. 

Lễ xuất quân đánh dấu hoàn tất quá trình đơn vị đầu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN)

Đầu năm 2018, nữ sỹ quan Việt Nam đầu tiên được cử tham gia phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Ngày 1-10-2018 vừa qua, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam với hơn 60 cán bộ y, bác sỹ (trong đó có 10 cán bộ nữ) đã chính thức xuất quân lên đường tới Phái bộ Nam Sudan. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử đội hình cấp đơn vị thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Đội Công binh, sẵn sàng cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2020; đồng thời xem xét, mở rộng việc cử đơn vị ở lĩnh vực khác tại phái bộ phù hợp. 

Tháng 6-2018, Cục Hỗ trợ thực địa Liên hợp quốc đã công bố kết quả thanh sát địa điểm huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cùng với 3 nước Campuchia, Indonesia, Thái Lan được chọn làm địa điểm huấn luyện binh sỹ gìn giữ hòa bình quốc tế luân phiên. Khóa huấn luyện đầu tiên sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2018. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, đồng thời phấn đấu đưa quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. 

Việt Nam sẽ tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ủng hộ các nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động của tổ chức.

Nguồn Vietnam+

Tin cùng chuyên mục