PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng dịch bệnh vẫn khó lường
Thứ năm: 11:17 ngày 06/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới với 90,9% người từ 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều.

Theo thông tin tối 5/1 của Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.997 F0 phát hiện tại 63 tỉnh, thành phố, tăng 2.168 ca so với ngày trước đó. Số ca nhiễm trong cộng đồng là 12.299.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.133 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.817.721 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron. Đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2). Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế, có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.

Cơ quan này đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

Hà Nội vượt mốc 2.500 F0

Theo Bộ Y tế, sau 24 giờ, Hà Nội có 2.505 F0 mới, đánh dấu 4 ngày liên tiếp ghi nhận trên 2.000 ca bệnh. Hơn 2 tuần qua, số ca mắc tại thành phố này liên tiếp tăng cao. Trong vòng 7 ngày qua, Hà Nội có trung bình số F0 mới mỗi ngày là 2.363 ca.

Thành phố đang điều trị cho 33.564 người mắc Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (121), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (215), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.592), cơ sở thu dung của thành phố (1.633), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.334). Ngoài ra, 23.669 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.

Đến nay, tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi tại thành phố là 40.454 người. Số F0 tử vong (từ 27/4 đến nay) là 196 trường hợp.

Sáng 5/1, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết đến ngày 4/1, khoảng một triệu mũi 3 vaccine ngừa Covid-19 được tiêm cho người dân trên địa bàn. Đối tượng chủ yếu được tiêm các đợt đầu là lực lượng chống dịch, người già, nhiều bệnh nền và công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo bà Hà, ngay khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn tiêm vaccine mũi nhắc lại và bổ sung cho người dân phòng Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với quận, huyện và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định đến thời điểm này, lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho thành phố là đầy đủ để triển khai tiêm vaccine mũi 3 diện rộng. Song, Hà Nội chưa thể tiêm hết ngay do phải chờ để đảm bảo khoảng cách tối thiểu với mũi 2.

Người đứng đầu ngành y tế Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi tăng cường cho người già, người nhiều bệnh nền, nguy cơ cao bằng cách đưa vaccine đến tận nhà người dân.

Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị người dân tích cực phối hợp với chính quyền, cơ quan y tế, tham gia tiêm đầy đủ mũi vaccine tăng cường để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Mũi vaccine tăng cường sẽ đặc biệt phát huy hiệu quả chống diễn biến nặng, nhất là với biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Tình hình dịch ở TP.HCM chuyển biến tích cực

Trong những ngày đầu năm 2022, TP.HCM tiếp tục duy trì số ca mắc mới dưới 500 người. Hơn 2 tuần liên tiếp thành phố ghi nhận số ca nhiễm nCoV dưới ngưỡng 1.000 trường hợp.

Ngày 5/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký công văn khẩn về tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm rRT-PCR.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao Thanh tra thành phố thành lập đoàn liên ngành để thanh, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm rRT-PCR xác định Covid-19 tại một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm để răn đe trường hợp vi phạm, phòng ngừa tiềm ẩn phát sinh tội phạm kinh tế và chức vụ.

Dự kiến, ngày 7/1, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tổ chức khánh thành khoa Covid-19. Đây là bệnh viện đầu tiên của TP.HCM thành lập riêng một khoa Covid-19 thay vì khu/đơn vị điều trị. Khoa Covid-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận tất cả trường hợp mắc hoặc nghi mắc Covid-19 cần nhập viện điều trị theo mô hình 3 tầng. Bệnh viện cũng bố trí khoảng 35 giường hồi sức.

Tùy theo tình hình nhập viện của trẻ, số lượng nhân sự sẽ được huy động để đảm bảo việc điều trị, chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tốt nhất. Đội ngũ bác sĩ cơ hữu của khoa hiện có 20 người, khối điều dưỡng có khoảng 27-28 người.

Liên quan công tác điều trị Covid-19 trước Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ đầu tháng 12/2021, Sở Y tế đã thực hiện tái cấu trúc các bệnh viện điều trị Covid-19, phân bổ khoa, phòng hợp lý.

Hiện thành phố có 13 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với 22.000 giường được giữ lại. Số lượng này có thể sẵn sàng đáp ứng nếu có tình huống xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng thành lập bệnh viện dã chiến với trên 8.000 giường. TP.HCM phân chia hệ thống điều trị theo cụm để đảm bảo việc chuyển viện theo khu vực phù hợp, kịp thời.

Dịch ở Tây Ninh, Hải Phòng còn phức tạp

Theo Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, ngày 5/1, Tây Ninh ghi nhận 867 ca dương tính với SARS-CoV-2 qua test sàng lọc, giảm 34 ca so với ngày 4/1. Những ngày gần đây, biểu đồ số F0 ở địa phương này có xu hướng đi ngang.

Từ đầu dịch đến nay, địa bàn tỉnh ghi nhận 92.442 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; 8.932 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong ngày, địa phương này có 17 ca tử vong; lũy kế, số ca tử vong do Covid-19 đến ngày 5/1 là 695 ca. Tính đến ngày 5/1, toàn tỉnh thiết lập 1.394 vùng phong toả, trong đó, đang phong toả 232 vùng, giải toả 1.162 vùng. Hiện có 586 người cách ly tập trung và 11.920 người cách ly tại nhà.

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, Tây Ninh cũng đang đẩy nhanh việc bao phủ vaccine mũi 3 cho người đã tiêm mũi 2 từ 3 tháng trở lên. Theo đó, đã có 36.920 liều vaccine mũi 3 đã được tiêm tăng cường. Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi cơ bản ở Tây Ninh là 91,35%.

Tại Hải Phòng, trong ngày 5/1, địa phương này ghi nhận 798 F0, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.918 ca bệnh. Đến nay, Hải Phòng đang điều trị cho 7.963 bệnh nhân; 19 ca tử vong.

Những ca mắc mới được ghi nhận tại 14/15 quận, huyện. Trong đó, 493 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 149 ca là F1, 23 ca test nhanh dương tính, còn lại là F0 sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn huyện An Dương.

Đến nay, tỷ lệ dân số tiêm đủ 2 liều ở Hải Phòng là 98,81%. Trẻ từ 12 đến 17 tuổi cũng được bao phủ vaccine lên đến 99,98%. 40.957 mũi nhắc lại và 18.417 mũi bổ sung đã được tiêm.

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe nhân. Xác định chiến lược "5K + vaccine" vẫn là giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh, thành phố đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Thành phố cũng đang chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện F0, F1 để giảm sự lây lan, điều trị khỏi cho bệnh nhân và coi đây là vấn đề cấp bách, quan trọng nhất.

Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ phủ vaccine cao nhất thế giới

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 5/1, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.

“Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên một mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi một mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%”, Phó thủ tướng thông tin và cho biết thêm Chính phủ đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư cũng cho biết Việt Nam phải chống đỡ thách thức lớn do đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại các địa bàn đông dân cư, gây quá tải cục bộ hệ thống y tế, vaccine kham hiếm và chưa có thuốc đặc trị.

"Nhưng đến nay có thể khẳng định chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine ‘đi sau về trước’ với đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Chúng ta đang tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi với tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 85,6%, mũi 2 là 57% và dự kiến tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi vào đầu năm nay.

Chiến lược tiêm vaccine Covid-19 là kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2022 là “thần tốc tiêm vaccine”.

"Muốn mở cửa, khôi phục các hoạt động bình thường thì không còn cách nào khác là phải thần tốc thực hiện tiến trình vaccine. Khi đã bao phủ được vaccine, có các loại thuốc điều trị được cấp phép, cộng với ý thức người dân, chúng ta sẽ yên tâm mở cửa", Thủ tướng nêu quan điểm.

Nhấn mạnh cần thần tốc tiêm vaccine, chuẩn bị sớm thuốc chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, Thủ tướng đồng thời yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán, quản lý tốt các lễ hội. Ông cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo Bộ Y tế, trong ngày 4/1, 752.474 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 155.199.486 liều, trong đó tiêm mũi một là 77.987.940 liều, tiêm mũi 2 là 69.803.846 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 7.407.700 liều.

Chiều 5/1, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế đã tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir của các cơ sở sản xuất trong nước.

Tại phiên họp, Hội đồng đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng ý kiến thẩm định của các tiểu ban chuyên môn, chuyên gia đầu ngành về tiêu chuẩn chất lượng, bào chế, dược lý lâm sàng.

Theo đó, Hội đồng đã đồng ý đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir có chỉ định điều trị Covid-19. Thông tin cụ thể về 3 cơ sở sản xuất 3 loại thuốc này chưa được Bộ Y tế cung cấp.

Đối với việc cấp phép lưu hành thuốc điều trị Covid-19, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các cơ quan quản lý và đơn vị chuyên môn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và quản lý về giá theo đúng quy định của luật dược, chống mọi biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc cung ứng thuốc.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục