Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà khoa học sẽ chỉ ra những tác động đến Việt Nam dựa trên hồ sơ kỹ thuật về Dự án thủy điện Pak Lay do Lào cung cấp.
Ngày 6/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết về kế hoạch tham vấn công trình thủy điện Pak Lay - thủy điện thứ tư mà Lào dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong.
Các nhà khoa học cùng với bộ, ngành, địa phương đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu để chỉ ra những tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Sau đó các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng được thực hiện.
Hoạt động này diễn ra từ nay đến tháng 2 năm 2019. Tài liệu để các nhà khoa học nghiên cứu là hồ sơ kỹ thuật về dự án thủy điện Pak Lay do Lào cung cấp và báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Ủy hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị.
Theo quy định, sau giai đoạn tham vấn đầu ít nhất trong 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ họp để xem xét kết quả các tham vấn quốc gia và vùng. Từ ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên Ủy hội sẽ đưa ra tuyên bố chung về kế hoạch thực hiện tiếp theo.
Các thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Đập thủy điện Pak Lay dự kiến được xây dựng năm 2022. PGS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, thủy điện được xây dựng sẽ gây thiệt hại cho đồng bằng sông Cửu Long.
Khi đó lượng phù sa và cát của đồng bằng sông Cửu Long giảm sút, gây sạt lở bờ sông và biển. Chế độ dòng chảy thay đổi khiến người dân không chủ động được canh tác, hệ sinh thái cũng bị tác động.
Pak Lay là công trình thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính sông Mekong, (sau Xayaburi, Donsahong, Pak Beng) thuộc vùng bắc Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam khoảng 1.615 km.
Thủy điện Pak Lay có công suất lắp đặt: 770 MW.
Sản lượng điện: 4.125 GWh.
Dung tích hồ chứa: 58 triệu m3.
Cột nước thiết kế: 14,5 m.
Số tổ máy: 14
Lượng điện do công trình thủy điện Pak Lay sản xuất dự kiến 85% bán cho Thái Lan, 15% còn lại Lào sẽ sử dụng.
Nguồn VNE