Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Việt Nam đáp ứng nguồn cung gạo thế nào trước nhu cầu xuất khẩu tăng đột biến
Thứ tư: 14:36 ngày 02/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau lệnh cấm xuất gạo của Ấn Độ, UAE, Nga, là cơ hội cho Việt Nam khi giá và nhu cầu tăng đột biến, song theo chuyên gia cần đánh giá kỹ tác động đến chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.

Chỉ trong hơn một tuần, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga, lần lượt thông báo ngừng xuất gạo ra nước ngoài. Điều này khiến giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đến ngày 31/7 tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 575 USD một tấn (dự báo giá có thể tăng lên 600 USD trong tháng 8).

Cùng lúc, giá gạo bán lẻ trong nước cũng leo thang. Ở các cửa hàng, giá gạo bán lẻ tăng 1.000-2.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá lúa tại miền Tây tăng 7-10% lên 7.000-9.000 đồng một kg (tùy khu vực).

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết các đối tác nhập khẩu đang chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo. Họ tự trả giá cao hơn 20-40 USD một tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, "cha đẻ" nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng cho hay thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile đều đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần. Do đó, năm nay sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 7,5 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước diễn biến này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong tình hình mới.

Bài toán đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu

Theo quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, El Nino - tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán trên thế giới - ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo toàn cầu, trong khi đó tại Việt Nam, tình hình sản xuất gạo khá thuận lợi. Nguồn cung trong nước được dự báo đạt 43 triệu tấn thóc năm nay và giá xuất khẩu gạo liên tục tăng cao, là thuận lợi lớn cho xuất khẩu.

Dẫu vậy, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Hậu Giang cho rằng năm nay, tác động của EL Nino, mưa lũ cũng đang khiến một số vùng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Cụ thể, ảnh hưởng bão Talim mới đây gây mưa lớn ở miền Tây nhiều ngày khiến 3.000 ha lúa hè thu trổ chín bị đổ ngã, không thể thu hoạch. Do đó, ông cho rằng nguồn cung sẽ giảm, giá lúa gạo có thể tăng đột biến. Trong khi đó, doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để trữ hàng đầy kho nên khó có các đơn hàng lớn.

Theo ông và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác, lượng đơn đặt hàng mới tìm đến Việt Nam đang tăng 20-30% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, họ chưa dám ký mới vì đang lo trả các đơn hàng cũ.

Ông Đinh Ngọc Tâm – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cũng lo ngại rằng trong cơ hội mới, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nếu không có sẵn vùng nguyên liệu, còn người tiêu dùng phải chịu chi tiêu đắt đỏ.

Ông Tâm dẫn chứng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đa phần có hợp đồng cũ ở mức thấp, khi giá lúa leo thang làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Họ có thể phải bù lỗ cho lô hàng xuất khẩu. Do đó, chỉ những doanh nghiệp ký hợp đồng mới, sẵn gạo trong kho mới được hưởng lợi sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng như Nga, UAE.

Đồ họa: Hiếu Nguyễn

Đồ họa: Hiếu Nguyễn

Theo sát các doanh nghiệp những ngày qua, ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhìn nhận cơ hội cho gạo Việt tăng giá là có nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Ông Nam cho rằng nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng kéo dài một năm trước đó đang phải tập trung để trả đủ hợp đồng. Tương lai, giá gạo sẽ tăng cao nhưng lượng gạo từ Việt Nam không nhiều đến mức có thể đáp ứng được mọi yêu cầu. Đối với hàng xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của bên mua. Hàng đi châu Âu và Mỹ ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phải đạt chất lượng cao và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

"Hiệp hội giữ nguyên quan điểm Việt Nam chỉ nên xuất tối đa 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay", ông Nam nói.

Lý giải quan điểm này, ông Nam cho hay năm 2018-2021, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ 6,1-6,3 triệu tấn một năm. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 7 triệu tấn nhưng phải nhập thêm nguồn nước ngoài (gạo từ Ấn Độ 72% và Campuchia 28%) để bù đắp. Giờ nếu tăng kế hoạch xuất khẩu, nguồn nhập từ Ấn Độ bị hụt vì quốc gia này cấm xuất, còn nguồn bù đắp từ Campuchia sẽ không đủ. Trong khi đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu khiến một số nơi thu hoạch lúa bị đổ gãy.

Ngoài ra, theo ông giá gạo trong nước đang tốt và cao hơn giá xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp chủ động phát triển mạnh thị trường nội địa. Ông Nam dẫn chứng, giá gạo thơm đang bán thị trường nội địa 14.000-16.000 đồng một kg, tương đương 650 USD một tấn, còn giá xuất khẩu chỉ 630 USD, thấp hơn trong nước 20 USD. Do đó, các doanh nghiệp đang ưu tiên bán trong nước vì có lợi hơn.

Người dân thu hoạch lúa ở cánh đồng bên sông Đà. Ảnh: Ngọc Thành

Người dân thu hoạch lúa ở cánh đồng bên sông Đà. Ảnh: Ngọc Thành

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Như Cường cũng cho biết, 7 tháng đầu năm thu hoạch vụ mùa của Việt Nam thuận lợi nhưng tháng 8,9 xảy ra mưa bão có thể ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay Việt Nam gieo trồng 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn thóc. Trong đó, thóc phân bổ nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 30 triệu tấn, còn xuất khẩu 13 triệu tấn (6,5-7 triệu tấn gạo).

Hàng năm, ông cho biết Việt Nam luôn tính toán dư cho tiêu dùng nội địa và dự trữ. "Chúng tôi luôn phân bổ cho nhu cầu trong nước tới 70% sản lượng lúa thu hoạch", ông Cường nói.

Cũng theo ông, an ninh lượng thực là vấn đề tối thượng của quốc gia. Nhà chức trách đã dự trù các phương án điều chỉnh khi có biến động thất thường.

Riêng việc 3.000 ha lúa tại miền Tây đổ, ông Cường cho biết chính quyền và người dân đang khắc phục. Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đề nghị nông dân khai thông dòng chảy, bơm thoát nước chống ngập úng cho cây lúa. UBND tỉnh này sẽ xem xét giải pháp hỗ trợ nông dân theo quy định.

Tổng cục Dự trữ cho biết luôn có kế hoạch hàng năm trong việc mua gạo nhập kho đầy đủ. Nhiều năm qua, tổ chức này cũng liên tục dùng gạo dự trữ để viện trợ, hỗ trợ giáp hạt, Tết Nguyên đán, khắc phục hậu quả do thiên tai, cứu đói... và đều gối đầu số lượng dự trữ vào kho. Đầu tháng 6, cơ quan này đã triển khai các bước mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2023 để phục vụ các mục tiêu trên.

Ưu tiên ổn định giá gạo trong nước

Để tránh tình trạng giá gạo năm nay tăng 10-15% so với 2022, Bộ Công Thương cho biết đang bám sát tình hình thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp cân đối cung cầu. Bộ cũng đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà họ đã xuất trong 6 tháng trước đó. Các doanh nghiệp đầu ngành giữ vai trò dẫn dắt phải đảm bảo cân đối cung và cầu tiêu dùng nội địa, tránh giá cả tăng đột biến.

"Trường hợp hụt cung, sẽ có biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo", đại diện Bộ Công Thương nói.

Giá các loại gạo tại cửa hàng trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) được điều chỉnh tăng cuối tháng 7. Ảnh: Thi Hà

Giá các loại gạo tại cửa hàng trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) được điều chỉnh tăng cuối tháng 7. Ảnh: Thi Hà

Tại TP HCM, theo lãnh đạo Sở Công Thương - gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Trong đó, nguồn cung gạo cho chương trình bình ổn chiếm 30-35% tổng lượng tiêu thụ của thành phố. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%. Trường hợp có bất thường, doanh nghiệp muốn điều chỉnh phải xin Sở Tài chính, chỉ thay đổi trong khoảng 5-10%. Với những khu vực sức mua tăng, các doanh nghiệp cung ứng phải cân đối và tăng cung để tránh giá leo thang.

Trường hợp đủ nguồn cung, điều kiện xuất khẩu gạo tốt, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu, tránh trường hợp vì cơ hội giá cao lên, điều kiện các nước nhập khẩu gạo nới lỏng mà doanh nghiệp dễ dãi trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Điều này, sẽ khiến gạo Việt mất uy tín, mất hình ảnh. Thời gian qua, hình ảnh thương hiệu gạo Việt đã lên cao, từ mức giá 550 USD một tấn, đã có doanh nghiệp xuất khẩu được với giá 1.220 USD một tấn.

"Nếu chỉ vì có cơ hội thị trường như hiện nay mà đánh mất vị thế, thương hiệu gạo, doanh nghiệp sẽ mất nhiều hơn trong tương lai", đại diện Bộ Công Thương nói thêm.

Trước mắt, để đón cơ hội xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sẽ nâng diện tích vụ thu đông thêm 50.000 ha, lên 700.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long.

"Chúng tôi đang tính toán thêm vùng trồng ở các tỉnh để phân bổ, đồng thời sẽ có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân", ông Cường nói.

Ngoài phương án trên, ông Cường cho biết đang chuẩn bị các giải pháp liên quan đến các công trình thủy lợi trên toàn quốc để giảm thiểu tác động của El Nino với ngành trồng trọt nói chung và lúa gạo nói riêng.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng. Cơ quan này đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Bộ đẩy mạnh đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - đề án sẽ sớm trình Chính phủ thời gian tới. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định quản lý về thương hiệu nông sản (trong đó có sản phẩm gạo).

Dự báo về tình hình lúa gạo trong ngắn hạn, Hiệp hội Lương Thực Việt Nam cho rằng giá gạo sẽ tăng cao nhưng có thể ổn định trở lại vào đầu 2024. Quý cuối năm nay, thời tiết sẽ thuận lợi, sản xuất gạo phục hồi và Ấn Độ có thể giải tỏa lệnh cấm xuất khẩu.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục